2 món nợ

15/06/2014 - 12:07

PNO - PNCN - Kính gửi chị Hạnh Dung! Em từng mang vết thương đau đớn vì mối tình đầu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi gặp anh - chồng em bây giờ, em chỉ nghĩ mình cần lấy chồng cho xong, cho quên. Hơn nữa, lúc đó gia đình em đang thiếu nợ, em nghĩ mình cần hy sinh để kiếm tiền cho mẹ trả nợ. Giờ em mới thấy những gì mình tính đều trật lất! Em dân thành phố, chồng em dân tỉnh. Lấy chồng xong, em theo về quê chồng mở cửa hàng buôn bán, cũng mong cho mau có tiền, nhưng rồi, em phát hiện chồng em mê cá độ đá banh, bài bạc nổi tiếng ở quê. Vì vậy, gia đình chồng không cho tiền làm ăn, mà chỉ cho mượn. Chuyện buôn bán, mình em gồng gánh hết. Anh thường lấy tiền nhà đi chơi, em hóa thành bà chằn giữ của. Em cất giấu tiền, anh không lấy được thì quay qua đánh chửi em, gọi điện về la lối má em là em đem tiền về nhà ngoại. Em sinh con, giao cửa hàng cho anh. Ba tháng em nằm cữ, trở lại cửa hàng, sổ sách lung tung, nợ nần lên đến hơn 50 triệu. Buồn là bây giờ nhà chồng cũng nghĩ em đem tiền về nhà ngoại, trong khi từ ngày bước chân ra, em chưa biếu mẹ được đồng nào. Buôn bán khó khăn, số nợ chồng em gây ra, lãi càng ngày càng nhiều, chẳng biết lấy tiền đâu mà trả. Thêm vào đó, em còn con nhỏ, chồng thì vẫn chứng nào tật ấy, hở ra là bài bạc. Em thấy mình đuối sức, chỉ không biết làm cách nào rũ bỏ cả hai món nợ này trước lúc ly hôn.

Võ Thị Sánh (TP.HCM)

2 mon no

Em Sánh thân mến,

Làm thân đàn bà, khi cực quá, ai cũng có lúc nghĩ “chồng con là cái nợ nần”, nhưng mỗi người có cách giải quyết nợ khác nhau, người thì cam chịu suốt đời, người thì dứt khoát. Tùy em chọn lựa, không thể nhắm mắt làm ngơ để càng ngày nợ nần càng chồng chất, càng bế tắc không có lối ra.

Em lập gia đình không phải vì tình yêu, nên giờ cũng khó mà gánh chịu tất cả để giữ vững gia đình. Tuy nhiên, trong những lý do mình lấy chồng, có cái lý do đẩy mình vào thế yếu: mình lấy người ta cũng có phần vì tiền, vì muốn kiếm tiền trả nợ cho mẹ. Giờ mình dứt khoát chia tay, cũng có phần vì mong muốn đó không đạt được. Em cần nghiêm túc nhìn lại chuyện này, để không đổ hết lỗi cho chồng, cũng là để chuẩn bị tinh thần trước những điều tiếng thị phi.

Theo Hạnh Dung, em cần bình tĩnh trình bày hết với gia đình chồng về tiền bạc, nhất là về tình hình nợ nần sau mấy tháng em sinh nở không trông coi được cửa hàng. Hãy nói rõ chuyện em không mang tiền về nhà ngoại; chuyện em không có khả năng trả món nợ đó và chuyện “một người làm một người phá”. Cần minh bạch chuyện tiền nong để tránh tiếng ham tiền. Em có thể phải chấp nhận tình trạng ra đi tay không như khi mình bước vào nhà chồng.

Em cũng cần nói chuyện với chồng: nếu không thay đổi, chỉ còn cách ly hôn. Hạnh Dung nghĩ gia đình chồng em không phải là không biết tính con trai họ. Em trình bày hết mọi chuyện, xem ba má có giải pháp nào tháo gỡ, hay bảo ban kèm cặp chồng em, hoặc có thể sẽ có cách để trả nợ. Nếu sau một thời gian, không có gì thay đổi, có lẽ cũng đành chọn cách chia tay. Dứt món nợ tình, món nợ tiền sẽ được tòa xử, ai vay nấy trả, mình liên đới đến đâu thì chịu đến đó vậy.

Vấn đề còn lại là con cái, em có thể cân nhắc. Một gia đình quẫn bách vì cờ bạc khó có thể là môi trường tốt để nuôi con nên người. Hạnh Dung chúc em dũng cảm sửa cái sai trong chọn lựa trước đây của mình, biết đâu đó sẽ là khởi đầu của một chọn lựa mới, chính xác hơn…

HẠNH DUNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI