2 loại mỡ bụng phổ biến và cách đánh bay hiệu quả

24/09/2021 - 08:33

PNO - Có 2 loại mỡ bụng chính - một loại được tìm thấy dưới da và loại khác nằm sâu hơn bên trong bụng, bao quanh các cơ quan nội tạng.

Mỡ bụng dưới da

Mỡ dưới da hoặc mô mỡ dưới da là chất béo được tìm thấy dưới da. Mỡ dưới da mềm và đó là chất béo mà bạn có thể nhìn thấy "nhấp nhô" trên bụng của mình. Phần lớn phụ nữ có lượng mỡ dưới da nhiều hơn nam giới.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không giống như chất béo được tìm thấy sâu hơn trong khoang bụng, chất béo dưới da không liên quan đến việc tăng nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, có quá nhiều chất béo trong cơ thể, nói chung bao gồm toàn bộ mỡ bụng, có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và một số bệnh ung thư...

Ngược lại, kiểm soát mức độ chất béo ở bụng và chất béo tổng thể trong cơ thể có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh mãn tính.

Mỡ bụng nội tạng

Mô mỡ nội tạng hay mỡ bụng nội tạng là chất béo bao quanh các cơ quan nội tạng như thận, gan và tuyến tụy, nó nằm sâu bên trong bụng. Đây cũng là mỡ bụng có hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

So với mỡ dưới da, mỡ nội tạng hoạt động chuyển hóa nhiều hơn. Loại chất béo này chứa nhiều tế bào, mạch máu và dây thần kinh hơn chất béo dưới da.

Chất béo nội tạng có liên quan chặt chẽ đến việc tăng sức đề kháng với hormone insulin, chất điều chỉnh lượng đường trong máu. Theo thời gian, kháng insulin có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao và phát triển bệnh tiểu đường loại 2.

Mỡ nội tạng cũng góp phần vào chứng viêm toàn thân, có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh. Theo nghiên cứu, đàn ông có nhiều khả năng tích tụ mỡ nội tạng hơn phụ nữ.

Sự phân bố chất béo trong cơ thể sẽ thay đổi theo độ tuổi. Ví dụ, phụ nữ tiền mãn kinh có mức mỡ bụng dưới da cao hơn, phụ nữ sau mãn kinh có xu hướng có lượng mỡ nội tạng cao hơn.

Cách giảm mỡ bụng hiệu quả

Người có vòng eo lớn hơn cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh. Vòng eo là một cách để đánh giá tổng lượng mỡ vùng bụng, vì vậy cả mỡ dưới da và mỡ nội tạng đều là những yếu tố góp phần vào phép đo này.

Các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng việc duy trì vòng eo khỏe mạnh và giảm vòng eo thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục có thể cải thiện đáng kể về nhiều mặt của sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Mặc dù chế độ ăn uống và lối sống đóng một vai trò quan trọng trong việc tích tụ mỡ bụng, nhưng các yếu tố như tuổi tác, giới tính và di truyền cũng có ảnh hưởng. Dưới đây là một số lời khuyên để giảm mỡ bụng đến từ các chuyên gia dinh dưỡng:

- Cắt bỏ đồ uống có đường: Uống quá nhiều đồ uống có đường như nước ngọt, soda sẽ dẫn đến việc tăng tích tụ mỡ nội tạng và khiến vòng eo lớn hơn. 

- Tập thể dục: Tăng cường hoạt động thể chất có thể làm giảm đáng kể mỡ bụng. Hãy thử kết hợp các bài tập đơn giản hàng ngày hoặc đi bộ 20-30 phút.

- Tăng lượng chất xơ: Những người theo chế độ ăn nhiều chất xơ có xu hướng ít mỡ bụng hơn những người không ăn. Ngoài ra, chuyển sang chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm mỡ thừa ở bụng đáng kể.

- Cắt giảm đồ ăn nhanh: Các nghiên cứu cho thấy rằng thường xuyên ăn các loại thực phẩm chế biến nhanh như đồ ăn nhanh, đồ ngọt, đồ đóng hộp và các sản phẩm ngũ cốc tinh chế sẽ khiến tích tụ mỡ nội tạng.

- Hạn chế sử dụng rượu bia: Uống quá nhiều rượu có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể, làm tích tụ quá nhiều mỡ bụng.

- Ngủ đủ giấc: Chất lượng giấc ngủ kém có liên quan đến sự tích tụ chất béo nội tạng.

- Tăng lượng protein: Chế độ ăn uống giàu protein hơn có thể giúp thúc đẩy quá trình giảm mỡ bụng.

Chỉ cần lưu  ý kiểm soát các loại thực phẩm vào cơ thể và rèn luyện thể lực đều đặn là đã có thể hạn chế được sự tích tụ mỡ thừa nội tạng.

Thu Vân (theo HL)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI