"2 không, 3 có" của bóng đá nữ

19/07/2023 - 11:59

PNO - Người trong cuộc cho rằng bóng đá nam giờ đây cần phải học hỏi bóng đá nữ một số điều.

World Cup nữ 2023 đã đến rất gần. Ngày mai, 20/7, người hâm mộ khắp hành tinh sẽ được chứng kiến các cô gái tranh tài trên sân cỏ. 

Chắc chắn sẽ lại có những tranh luận so sánh bất tận về World Cup nam với nữ, và dù cho bóng đá nam đang lấn lướt hơn về nhiều mặt, nhưng bóng đá nữ đã và đang phát triển cũng như đang cố gắng rút ngắn khoảng cách còn khá xa này. Dù xuất phát sau bóng đá nam, nhưng bóng đá nữ có những điểm hơn khi vẫn giữ được nét đẹp nguyên bản mà bóng đá nam đã đánh mất. Thậm chí, bà Vivienne MacLaren - Phó chủ tịch LĐBĐ Scotland - còn nhấn mạnh: bóng đá nam giờ đây cần phải học hỏi bóng đá nữ một số điều.

1. Không ăn vạ câu thẻ

Các thuật ngữ trong bóng đá nam như “thợ lặn”, “kịch sĩ” xuất hiện tràn lan để chỉ ra những cầu thủ sẵn sàng giả vờ bị đau để đánh lừa trọng tài, qua đó cầu thủ đối phương phải nhận oan thẻ phạt. Chỉ cần bị đối phương chạm nhẹ, họ sẵn sàng ôm đầu lăn lộn xuống đất tỏ vẻ đau đớn cùng cực với mong muốn trọng tài phạt đối phương và cao hơn nữa là rút thẻ đỏ khiến đối phương mất người. Trong bóng đá nam, siêu sao như Neymar cũng là siêu sao nổi tiếng về tài ăn vạ, trái lại chúng ta không thể tìm ra một cầu thủ kiểu như thế này ở bóng đá nữ.

Pha ăn vạ nổi tiếng của Sergio Busquets trong màu áo Barcelona - Ảnh: The Sun
Pha ăn vạ nổi tiếng của Sergio Busquets trong màu áo Barcelona - Ảnh: The Sun

2. Không câu giờ

Khi các cầu thủ nam coi ăn vạ đã trở thành một yếu tố bình thường trong trận đấu thì họ sẵn sàng dùng nó để câu giờ vào cuối trận như một chiến thuật cắt vụn các phút cuối để bảo toàn chiến thắng. Ngoài ăn vạ câu giờ, các cầu thủ nam thường xuyên công khai sử dụng chiêu trò như chậm đưa bóng vào cuộc, đưa bóng ra điểm phạt góc giữ bóng lâu nhất có thể. Những hình ảnh này cũng có trong bóng đá nữ nhưng ít hơn nam rất nhiều. 

Các cầu thủ nữ Mỹ nói rằng nếu làm những trò như vậy thì họ sẽ bị khán giả Mỹ quay lưng ngay vì họ không thích những bộ môn chậm chạp, kéo dài lê thê, nhàm chán, thay vào đó họ sẽ dành thời gian xem bóng rổ, bóng bầu dục cho nhanh. 

3. Tôn trọng trọng tài

Không chỉ lừa trọng tài bằng các tình huống ăn vạ câu thẻ, câu phạt đền mà các cầu thủ nam còn có tính xấu khác là tìm cách gây áp lực tâm lý với trọng tài trên sân. Việc một cầu thủ lăn lộn sau cú va chạm trên sân rồi các cầu thủ khác bu quanh, gây áp lực và đưa ra yêu sách đối với trọng tài là chuyện khá phổ biến trong bóng đá nam. Điều đó trở thành hình ảnh xấu xí trong bóng đá, đặc biệt với trẻ em. Nếu các cầu thủ nam tiếp tục có những hành động phi thể thao như thế, các phụ huynh sẽ khuyến khích con em họ xem bóng đá nữ để học cách tôn trọng người lớn hơn.

4. Tôn trọng đối thủ

Thật ra việc không ăn vạ câu lỗi, câu giờ gây ức chế đối phương cũng đã là sự tôn trọng đối thủ ở các cầu thủ nữ. Thế nhưng, các cầu thủ nữ biết thông cảm cho đối thủ mà chúng ta hiếm thấy ở bóng đá nam. Như trong trận đội tuyển Mỹ thắng Thái Lan 13-0 tại World Cup 2019, Carli Lloyd - cầu thủ ấn định kết quả chung cuộc đã đến động viên, an ủi thủ môn Sukanya Chor Charoenying của Thái Lan. 

Sau đó, Charoenying đã viết trên twitter rằng: “Cảm ơn Lloy, những lời của chị giúp tôi mạnh mẽ hơn”.
Thế rồi Lloyd đáp lại: “Cố gắng chiến đấu và đừng bỏ cuộc. Vẫn còn 2 trận đấu sắp tới”. 

Những ứng xử như thế rất nhiều ở bóng đá nữ và hoàn toàn trái ngược ở bóng đá nam.

Lloyd an ủi đối thủ Charoenying - Ảnh: Toronto Star
Lloyd an ủi đối thủ Charoenying - Ảnh: Toronto Star

5. Cổ vũ trong hòa bình

Các fan trong bóng đá nam đã bị đẩy vào trạng thái thù địch đến mức cực đoan. Ngay cả những nước phương Tây có nền dân trí cao, khán giả học thức đến sân nhưng khi xem các cầu thủ thi đấu, họ cũng dễ rơi vào trạng thái bị kích động.

Chúng ta chứng kiến rất nhiều những kiểu ẩu đả quy mô thù địch cấp câu lạc bộ trong những trận như kiểu Rangers gặp Celtic ở giải Scotland hay Boca Juniors gặp River Plates ở giải Argentina. Ở tầm quốc gia, những trận đấu giữa Anh và Đức hay Đức với Hà Lan cũng khiến cảnh sát vô cùng khổ sở với bạo lực. Trong khi đó ở bóng đá nữ, các cầu thủ chơi sòng phẳng, quyết liệt nhưng fair-play. Các cổ động viên cổ vũ nhiệt tình và hòa bình trên sân. 

Chúng ta không thể biện hộ cho bóng đá nam máu lửa nên khán đài máu lửa. Cùng hướng về các trận bóng rổ, bóng bầu dục khét lẹt dưới sân ở Mỹ có bao giờ khán đài hỗn loạn đâu. Và đã đến lúc hãy cùng chấp nhận rằng, các cầu thủ nữ cư xử văn minh hơn, fair play hơn, khán giả ôn hòa hơn để tất cả cùng đưa bóng đá thành môn thể thao hướng đến những mục tiêu cao đẹp và nguyên bản.

Tú Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI