Xót xa là cảm giác của nhiều người khi nhìn “mâm cơm” chỉ có cơm trắng và mì tôm pha loãng của những học sinh tiểu học Hoàng Thu Phố 1, nhưng phẫn nộ mới là cảm xúc chủ đạo.
|
Hình ảnh các em học sinh được cho là bị thiếu khẩu phần ăn - Chụp màn hình VTV |
Ở độ tuổi tiểu học, mọi đứa trẻ đều cần tới dinh dưỡng để có thể phát triển não bộ và cơ thể. Ở trường học, trẻ cần được dạy dỗ và giáo dục từ tri thức tới nhân cách để có thể trưởng thành. Nhưng tại ngôi trường này, các em đang nhận được điều gì?
Bài học đầu tiên chúng nhận được có lẽ là cam chịu. Những đứa trẻ phải học cách sinh tồn bằng những gói mì, bữa ăn nghèo nàn dưỡng chất, do những “người lớn” cung cấp. Bài học thứ 2 - đáng sợ hơn - là bài học về sự dối trá và lòng tham. Những bữa cơm được nhà nước hỗ trợ bị cắt xén, những lời bao biện không chút ngượng ngùng “học sinh no rồi” tới từ thầy hiệu trưởng có lẽ sẽ là bài học các em nhớ suốt đời.
Bài học thứ 3 mà sau này chúng sẽ nhận ra, đó là sự im lặng trước cái xấu của những người lớn. Cả một tập thể những công nhân viên của một ngôi trường nội trú, có lẽ rất ít người không nhìn thấy mâm cơm hàng ngày của các em. Và họ chỉ dám nói ra khi không thể nào giữ im lặng nữa…
Không chỉ ở vùng cao, vùng sâu, không chỉ những học sinh dân tộc thiểu số, ngay tại những đô thị lớn, việc cắt xén bớt vào khẩu phần ăn của những đứa trẻ đang tuổi đi học cũng là một vấn đề nhức nhối. Những bữa cơm bán trú lèo tèo đồ ăn có mức giá 32.000 tại Hà Nội, chuyện nhận hàng trăm triệu đồng “lại quả” từ nhà cung cấp thực phẩm tại trường tiểu học Hanh Thông, Gò Vấp, TPHCM và hàng loạt câu chuyện tương tự từng gây ồn ào dư luận.
Những người liên quan chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt luật pháp, trước chính quyền, nhưng có một thứ trách nhiệm khác, quan trọng hơn nữa thì người ta đang quên lãng. Trách nhiệm giáo dục con người của những người thầy. Trẻ em không chỉ học qua những bài giảng và trang sách, chúng còn nhìn vào thầy cô của mình để trưởng thành.
Và với những “bài học” đầu đời chua xót vậy thì những em học sinh ở trường tiểu học Hoàng Thu Phố 1 sẽ trưởng thành theo cách gì đây?
Nguyễn Tùng Lâm