2 cựu chiến binh gần trăm tuổi kể chuyện Điện Biên Phủ năm xưa

20/04/2024 - 08:37

PNO - Đại tá Hoàng Ngọc Thương và đại tá Trần Thịnh Tần đều đã ngoài 90 nhưng những ký ức về trận địa Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn in đậm.

Buổi ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và giao lưu chiến sĩ Điện Biên kể chuyện (tối 19/4) được xem là điểm nhấn của Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam tại TPHCM.

Có 2 điều làm nên sự đặc biệt của sự kiện. Một là sự đồ sộ của bộ sách về chiến thắng Điện Biên Phủ. Hai là sự quý giá, gần như độc nhất vô nhị từ khách mời tham gia giao lưu tại sự kiện.

Cụ thể hơn, các bạn đọc đã được giao lưu với đại tá Hoàng Ngọc Thương - Đại đội phó Đại đội Pháo binh thuộc Đại đoàn Công pháo 351 và đại tá Trần Thịnh Tần - chiến sĩ hậu cần thuộc Tổng cục Cung cấp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra, buổi giao lưu còn có sự tham gia của đại tá Đoàn Hoài Trung, là con trai của chiến sĩ từng tham gia trận địa Điện Biên Phủ từ 70 năm về trước.

Dù tuổi đã cao, các nhân chứng lịch sử vẫn nhớ rõ những năm tháng đấu tranh hào hùng. Đại tá Hoàng Ngọc Thương năm nay 97 tuổi, ông là người chiến sĩ cuối cùng của đại đội năm xưa còn sống. Trong phần giao lưu, đại tá Hoàng Ngọc Thương tiết lộ bức ảnh hiếm từng được nhà báo chiến trường Phú Bằng chụp ngay tại Điện Biên Phủ năm 1954.

Đại tá Hoàng Ngọc Thương
Đại tá Hoàng Ngọc Thương chia sẻ về bức ảnh được chụp ngay thời điểm địch giương cờ trắng đầu hàng trong trận Điện Biên Phủ 1954

“Từ đại đội 120 thành viên, đến ngày địch giương cờ trắng đầu hàng, đại đội chỉ còn 6 người sống sót. Khi nhà báo Phú Bằng ở cùng trận địa nói các anh em ra chụp bức ảnh kỷ niệm, chúng tôi chỉ có 4 người vì 2 người khác bị thương. Ngày đó chụp xong rồi thôi. Đến nhiều năm sau, khi gặp lại tại Hà Nội, anh Phú Bằng mới chợt nhớ chưa đưa bức ảnh chụp năm đó và tặng cho tôi. Bây giờ đồng đội mất hết, chỉ còn tôi là người cuối cùng của đại đội còn sống”, đại tá Hoàng Ngọc Thương kể lại.

Với ông, chiến trường năm xưa ác liệt nhưng ý chí của anh em rất phấn khởi: “Chúng tôi ở với nhau, khi không chiến đấu thì tâm sự, hát hò, kể chuyện tiếu lâm, thậm chí thử làm báo. Tổng cục chính trị ngày đó thu được nhiều thư từ gia đình chúng tôi gửi lên. Đến giờ giải lao, anh em đọc thư rồi sinh hoạt văn nghệ. Chúng tôi thiếu thốn nhiều thứ nhưng tình cảm thì bao giờ cũng quý mến, yêu thương nhau”.

Đến gian hàng của NXB Quân đội, độc giả sẽ
Đến gian hàng của NXB Quân đội trong khuôn khổ Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam tại TPHCM, độc giả sẽ tìm được nhiều ấn phẩm liên quan nội dung chiến thắng Điện Biên Phủ

Đại tá Đoàn Hoài Trung cho biết đến nay, dù năm tháng chiến đấu đã lùi xa nhưng trận địa Điện Biên Phủ vẫn là chất liệu vàng cho sáng tác. Ông cùng nhiều tác giả của thế hệ sau say mê với những chuyến đi về nguồn tìm hiểu Điện Biên Phủ ngày ấy và bây giờ thay đổi ra sao.

Bộ sách gồm hơn 30 cuốn đã được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành cho thấy sự dụng công trong tìm hiểu, tập hợp tư liệu, đi thực tế và hoàn thiện tác phẩm của các tác giả.

3 nhóm chủ đề chính được khai thác. Nhóm 1 là những hồi ký, hồi ức của các tướng lĩnh nổi tiếng đã từng trực tiếp tham gia chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhóm 2 là những nghiên cứu, tổng kết, phân tích làm sáng tỏ đường lối lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, vai trò chỉ đạo của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhóm 3 gồm những ký sự, câu chuyện gắn liền với kỷ vật, ký ức của các chiến sĩ đã tham gia chiến đấu...

Trong thời gian tới, NXB Quân đội Nhân dân cho biết sẽ tiếp tục ra mắt bộ sách kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12).

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI