2 cuộc thi cải lương tại đồng bằng sông Cửu Long

06/11/2023 - 06:25

PNO - Tối 5/11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang, Hội thi Tiểu phẩm tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã chính thức khai mạc với sự góp mặt của 9 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ.

Diễn ra từ ngày 5 đến 8/11, Hội thi do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận, thực tiễn, sức sống lâu bền và quá trình kế thừa, vận dụng, phát triển những nội dung cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam.

Các đơn vị dự thi nhận kỷ niệm chương từ ban tổ chức.
Các đơn vị dự thi nhận kỷ niệm chương từ ban tổ chức.

Ra đời cách đây 80 năm, Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 được xem như tuyên ngôn đầu tiên và là cương lĩnh của Đảng về văn hóa, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển với nhiệm vụ: “Soi đường cho quốc dân đi”.

Hội thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu cải lương, kế thừa và tiếp tục hiệu quả từ Hội thi sân khấu cải lương Hương sắc Cửu Long do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp UBND tỉnh Cà Mau tổ chức năm 2019, nhằm quy tụ lực lượng làm nghề và phát huy vai trò sân khấu cải lương tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Sự kiện lần này cũng góp thêm màu sắc cho chuỗi hoạt động văn hóa - nghệ thuật hưởng ứng Lễ hội truyền thống kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc OKNguyễn Trung Trực hy sinh (1868 – 2023) và đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Có 9 đoàn nghệ thuật quần chúng thuộc các trung tâm văn hóa ở Tây Nam bộ dự thi với các tiểu phẩm (50 phút): Huyền thoại anh hùng (Kiên Giang), Nước lại về nguồn (Cần Thơ), Ánh sáng soi đường (Cà Mau), Người chị xứ dừa (Bến Tre), Khi dòng sông nổi giận (Vĩnh Long), Nỗi đau lòng mẹ (Sóc Trăng), Một giấc mơ (An Giang), Vị mặn phù sa (Bạc Liêu), và Một thời hoa lửa (Đồng Tháp).

Huyền thoại Anh hùng (tác giả: Phạm Văn Đằng - Đình Duy, đạo diễn: Hoàng Duẩn)
Ngay sau lễ khai mạc, đoàn chủ nhà Kiên Giang đã dự thi với tiểu phẩm cải lương Huyền thoại Anh hùng (tác giả: Phạm Văn Đằng - Đình Duy, đạo diễn: Hoàng Duẩn) về chiến công của người anh hùng Nguyễn Trung Trực.
Đoàn Đồng Tháp dự thi tiểu phẩm cải lương Một thời hoa lửa (tác giả: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: Hoàng Huy) về sự hy sinh của các chiến sĩ văn công
Đoàn Đồng Tháp sẽ dự thi tiểu phẩm cải lương Một thời hoa lửa (tác giả: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: Hoàng Huy) về sự hy sinh của các nghệ sĩ - chiến sĩ văn công trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Ngoài tham gia thi diễn, các đoàn cũng sẽ lưu diễn phục vụ nhân dân một số huyện vùng biên, vùng xa của tỉnh Kiên Giang.

Trước đó, ngày 4/11, tại TP Cần Thơ cũng đã khai mạc cuộc thi cải lương Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền 2023. Từ năm 2023, cuộc thi do UBND tỉnh Cần Thơ phối hợp Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức và được nâng tầm quy mô cấp quốc gia.

Soạn giả Nguyễn Thành Kiên, Nghệ sĩ Ưu tú Trúc Linh và Đạo diễn Kiều Mỹ Dung.
Ban giám khảo vòng sơ tuyển cuộc thi là: soạn giả Nguyễn Thành Kiên, nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh và đạo diễn Kiều Mỹ Dung.

Năm nay, cuộc thi thu hút 43 thí sinh đến từ một số đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, như: Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ), Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau), Đoàn văn công Quân khu 9…; cùng các hội văn học nghệ thuật các tỉnh Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Trà Vinh, Hậu Giang…

Tại vòng sơ tuyển, các thí sinh ca 2 câu vọng cổ trong bài ca cổ tự chọn (câu 1, 2 hoặc 5, 6) và 1 lớp hoặc một số câu tự chọn trong 20 bài bản Tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử. Các thí sinh vượt qua vòng sơ tuyển sẽ thi bán kết vào ngày 18 và 19/11 tại Nhà hát Tây Đô.

Đông A

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI