2 bài toán lớn với “siêu cảng” Cần Giờ

21/10/2023 - 07:13

PNO - Tại hội nghị lấy ý kiến về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do UBND TPHCM tổ chức ngày 19/10, nhiều đại biểu cho rằng: thách thức đối với dự án là làm sao để tránh xung đột lợi ích với các cảng hiện hữu và giải quyết hài hòa bài toán kinh tế - môi trường.

 

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

“Không có chuyện ông này cạnh tranh ông kia”

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - cho rằng, dự án có thể giúp Việt Nam có được cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên, phát huy vị thế mặt tiền cửa ngõ đại dương. Nhưng theo ông, cần giải quyết được 2 vấn đề. Thứ nhất là liệu dự án có xung đột lợi ích với các cảng lân cận và trong khu vực hay không?

Ông cho rằng, cần xác định quan điểm cảng Cần Giờ sẽ cùng cảng Cái Mép - Thị Vải hiện hữu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng biển tầm cỡ quốc tế. Không có chuyện “ông này cạnh tranh ông kia”. “Muốn vậy, cần bỏ tư duy hành chính địa phương mà phải có cấp trung ương đóng vai trò điều phối vùng, điều phối cả cụm cảng cùng phát triển, không để xảy ra tình trạng phát triển chỗ này làm xung đột lợi ích, làm suy yếu chỗ kia” - ông Trần Du Lịch nói.

Thứ hai là phải đánh giá kỹ tác động môi trường, nếu tác động xấu, không thể khắc phục được, phải “trả giá quá đắt” thì không làm. Theo ông, không có dự án nào không gây tác động, nhưng phải đặt trong tổng thể và lựa chọn những lợi ích kinh tế - xã hội lớn hơn cho đất nước.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhìn nhận dự án là chuyện “đại sự quốc gia” chứ không của riêng TPHCM. Xem đây là “thời cơ mang tính lịch sử”, ông Thiên cho rằng cần nắm bắt về mặt thời gian để ghi tên dự án vào quy hoạch tổng thể quốc gia. Bởi nếu chậm trễ sẽ trôi hết 1 nhiệm kỳ thì không biết lúc đó “thế giới đã đi đến đâu rồi”.

Tuy vậy, ông cũng cho rằng, cần có đánh giá ở tầm khu vực, bởi trong 10 cảng biển lớn nhất thế giới thì có 9 cảng ở tây Thái Bình Dương. Trong một khoảng không gian hẹp mà đã có 9 cảng lớn nhất, nếu Việt Nam làm thêm 1 cái “ken vào” thì hiệu quả, nguồn hàng hóa quốc tế sẽ ra sao?

Ở góc độ khác, tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận, vừa phát triển cảng Cần Giờ vừa bảo vệ khu sinh quyển thực sự là bài toán khó. Để giải quyết hài hòa vấn đề này, ông cho rằng cần quy hoạch hệ thống hạ tầng đường bộ, đường sắt kết nối cảng Cần Giờ đi từ hướng Bà Rịa - Vũng Tàu sang chứ không đi qua rừng sinh quyển Cần Giờ của TPHCM. Bởi, việc giữ lại khu dự trữ sinh quyển không chỉ có lợi về mặt môi trường cho TPHCM mà cho cả các tỉnh thành trong vùng, đặc biệt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai.

Như vậy, các tỉnh này có trách nhiệm chia sẻ, hợp tác cùng TPHCM trong bài toán phát triển kinh tế biển tại Cần Giờ. Trục hạ tầng kết nối này không chỉ phục vụ cho TPHCM mà cả vùng cùng phát triển vận tải hàng hóa, tăng hiệu quả logistics, giảm giá thành.

Ông Nguyễn Xuân Sang -  Thứ trưởng  Bộ Giao thông Vận tải - đề nghị TPHCM  cần nghiên cứu kỹ hơn về  tác động  môi trường của dự án cảng  Cần Giờ
Ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - đề nghị TPHCM cần nghiên cứu kỹ hơn về tác động môi trường của dự án cảng Cần Giờ

Không phát triển bằng mọi giá 

Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, đây là chủ trương táo bạo nên sẽ gây ra nhiều xung đột. Ủng hộ xây cảng tại Cần Giờ, nhưng ông cho rằng, để dự án đi vào hiện thực thì không dừng ở việc đánh giá về kỹ thuật như hiện nay mà phải có sự đánh giá đầy đủ cả về môi trường, văn hóa, xã hội, không chỉ của TPHCM mà cả các tỉnh lân cận.

“Các nước như Malaysia, Singapore... khi làm cảng quốc tế đều đưa ra số liệu để thuyết phục cả xã hội thấy được lợi ích đem lại lớn hơn cái đánh mất, từ đó tạo sự đồng thuận. Do đó, cần có đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá các tác động của cảng Cần Giờ, xác minh lợi ích lớn hơn hay thấp hơn chi phí. Từ đó, thành phố và trung ương mới có cái nhìn toàn diện và quyết định có đầu tư dự án hay không” - ông Nguyễn Trọng Hoài góp ý.

Phó giáo sư Kiều Tuấn Đạt - Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp TPHCM - dự báo, việc xây dựng cảng Cần Giờ chắc chắn ảnh hưởng đến vùng sinh quyển, vấn đề là làm sao đảm bảo hài hòa. Ông đề xuất có thể nghiên cứu dời cảng về hướng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc ra phía biển để không tác động tiêu cực đến vùng sinh quyển. Theo ông, một phần rừng Cần Giờ hiện đã bị suy thoái nghiêm trọng do tác động của sâu bệnh, sạt lở, ô nhiễm, giống như căn bệnh ung thư đang di căn lỗ chỗ.

Do đó, nếu không nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường thì sẽ gây ra tác động kép lên hệ thống rừng vốn đã yếu. Ông nói: “Không phải cứ lấy đi bao nhiêu rừng rồi trồng lại gấp mấy lần là được, mà vấn đề là đánh mất đi một phần hệ sinh thái. Nếu chỉ nhìn ở góc độ chặt 90ha rừng và trồng lại 300ha thì hơi phiến diện. Do đó, để đảm bảo phát triển bền vững, cần nghiên cứu, đánh giá, quan trắc về hệ thực vật thủy sinh để cảnh báo rủi ro trước, trong và sau khi thực hiện dự án”.

Ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - đề nghị TPHCM cần nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn nữa về tác động môi trường của dự án cảng Cần Giờ. Bên cạnh đó, cần đặt dự án trong mối quan hệ tương hỗ, có tác động tích cực lẫn nhau với mạng lưới cảng biển hiện hữu. “Cần nghiên cứu kỹ càng, toàn diện, thận trọng. Thế nhưng, vì yếu tố nắm bắt cơ hội cho nên cũng phải rất khẩn trương” - thứ trưởng nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, đây là dự án trọng điểm, nếu thành công sẽ đưa Việt Nam tham gia mạng lưới vận tải hàng hóa toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Ông yêu cầu các đơn vị liên quan giải trình, nghiên cứu thêm để giải quyết các vấn đề của dự án như tác động môi trường, văn hóa, xã hội, cạnh tranh.

TPHCM sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ vào cuối tháng 11/2023. Theo Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố xác định mục tiêu phát triển bền vững, không đánh đổi bằng mọi giá mà có sự cân nhắc hài hòa lợi ích kinh tế xã hội, tài nguyên môi trường. Dự án không chỉ xem xét ở góc độ đầu tư hiệu quả tài chính mà phải đặt trong tổng thể phát triển bền vững chung của TPHCM, vùng và cả nước. 

“Về sự tác động đối với khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không để tình trạng vì muốn làm cảng quá nên bỏ qua những tác động. Tuy nhiên, cũng cần tránh việc không nghiên cứu gì mà cứ nói chung chung là tác động môi trường, nhưng lại không đo lường được tác động đến đâu và không dám làm gì. Do đó, phải có nghiên cứu và trả lời xác đáng. Tất nhiên, ít nhiều phải có ảnh hưởng, nhưng chúng ta phải đánh đổi, vấn đề là sự đánh đổi đó có đáng, có đảm bảo lợi ích lớn nhất và hậu quả nhỏ nhất hay không” - ông Phan Văn Mãi nói. 

Dự án sẽ lấy 90ha đất cù lao rừng phòng hộ ven biển

Ông Trần Tấn Phúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị tư vấn dự án - cho hay, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có mức đầu tư dự kiến 5,5 tỉ USD (tương đương 128.000 tỉ đồng). Theo đề án, vị trí cảng là khu vực cù lao Phú Lợi, nằm ở cửa sông Cái Mép, thuộc vùng đệm khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Tổng diện tích cảng khoảng 571ha (chiếm 0,8% diện tích của huyện), bao gồm 90ha đất cù lao rừng phòng hộ ven biển và 481ha diện tích mặt nước.

Cảng được thiết kế đón tàu container có tải trọng lớn nhất thế giới. Theo tính toán, việc khai thác hết công suất cảng Cần Giờ sẽ đóng góp cho ngân sách 34.000-40.000 tỉ đồng/năm. Cảng cũng tạo ra 6.000-8.000 việc làm tại cảng và hàng chục ngàn việc làm ở các khâu dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan. Dự án được chia làm 7 giai đoạn thực hiện, trong đó giai đoạn 1 dự kiến khai thác từ năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045. Dự án do Tập đoàn MSC - hãng tàu container hàng đầu thế giới - đề xuất.

 Minh Linh 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI