2.500 kỷ vật Sài Gòn - Chợ Lớn: Giữ gìn, lan tỏa văn hóa xưa

05/04/2022 - 06:06

PNO - Với những ai không quan tâm, tìm hiểu thì kỷ vật giống như món đồ thừa, bỏ đi. Nhưng cũng món đồ cũ đó, với người hiểu biết về gốc gác, đặt trong chiều dài lịch sử, văn hóa, chúng lại mang giá trị lớn cần gìn giữ.

Nằm trong con hẻm 67 An Dương Vương, P.8, Q.5, TP.HCM, phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn của anh Dương Rạch Sanh đang lưu giữ hơn 2.500 kỷ vật được cộng đồng người Hoa tại TP.HCM trao tặng. Những giấy tờ bút tích, tranh vẽ, vật dụng sinh hoạt, quần áo... gắn liền với đời sống của người Hoa xưa được anh Dương Rạch Sanh sắp đặt trang trọng theo từng không gian. Quy mô của phòng trưng bày không quá lớn, nhưng hệt như một bảo tàng thu nhỏ. Đến đây, mọi người không chỉ được xem, mà còn được nghe chuyện cũ, tích xưa giữa nhịp sống hiện đại, ồn ã của thành phố.

Chuyện về những “chị má”, “bà cô”

Anh Dương Rạch Sanh 44 tuổi, từng có 20 năm là nhà báo viết mảng văn hóa tại Báo Sài Gòn giải phóng Hoa văn. Thời gian làm việc, anh có cơ hội gặp gỡ nhiều nhân vật, nghe những câu chuyện hay của cộng đồng người Hoa sống tại TP.HCM. Ngày nọ, một người quen báo với anh rằng có nhiều món đồ cổ của các “chị má”, “bà cô” thuộc nhóm phụ nữ độc thân đặc biệt mà anh từng tìm hiểu viết bài, cần phải dời đi vì không còn nơi chứa. Rất nhanh, anh Sanh quyết định đưa tất cả về ngôi nhà của mình.

Anh Dương Rạch Sanh (bên trái) và họa sĩ Trần Văn Hải trao đổi về các cổ vật
Anh Dương Rạch Sanh (bên trái) và họa sĩ Trần Văn Hải trao đổi về các cổ vật

“Tôi chưa từng nghĩ có một ngày mình làm công việc lưu giữ cổ vật, vì đây là công việc không dễ dàng, cần phải hiểu biết và có thời gian. Nhưng, có lẽ việc chọn người. Từ năm 2015, nhân một lần được nghe chuyện những món đồ cổ tại Tụ Quần Cư (nơi ở của các “chị má” - PV) không có nơi để, nếu không ai nhận giữ, chúng sẽ bị vứt, hoặc với những món có giá trị ve chai sẽ bị bán. Tôi quyết định mang về nhà và cứ ấp ủ về chuyện sưu tầm cổ vật của người Hoa. Đến ba năm trở lại đây, tôi mới tự đốc thúc mình phải hành động nhanh hơn, vì đã có nhiều điều luyến tiếc xảy ra, nếu không gấp rút sẽ thêm mất mát”, anh Dương Rạch Sanh chia sẻ.

Theo anh Dương Rạch Sanh, câu chuyện về nhóm phụ nữ độc thân đặc biệt của Sài Gòn - Chợ Lớn truyền cho anh nguồn cảm hứng lớn, dẫn đến quyết định mở phòng trưng bày. “Những người phụ nữ đặc biệt này được gọi là “tự sơ nữ”, “chị má” hoặc “bà cô”, là nhóm phụ nữ “quyết tâm sống độc thân” của vùng tam giác sông Châu Giang, Quảng Đông, Trung Quốc, đại đa số đến từ huyện Thuận Đức và theo nghề dệt tơ tằm. Từ năm 1900 đến năm 1942, hàng ngàn phụ nữ độc thân này đã đến các nước Đông Nam Á làm nghề giúp việc, trong đó phần lớn đã đến vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn. Khi về già, họ lần lượt lập nên các ngôi nhà được gọi là “nhà bà cô” như Phổ Thắng Đường, Nhất Đắc Đường, Tụ Quần Cư… và hiện chỉ còn sót lại Tụ Quần Cư ở số 150 Trần Quý, P.6, Q.11. Những ngôi nhà khác do nhiều nguyên nhân khách quan mà nay đã không còn tồn tại”, anh Sanh kể thêm.

Trong không gian trưng bày, anh Dương Rạch Sanh dành ra một khu vực riêng cho nhóm những kỷ vật mang về từ Tụ Quần Cư. Anh cho biết số lượng đồ vật do các “chị má” để lại chiếm khoảng hơn 200 món, bao gồm tủ bếp, huê ná, chai lọ cũ, lồng bàn, mâm thiếc, bàn may, chum vại và nhiều vật dụng khác trong sinh hoạt. Ngoài ra, anh còn tái hiện gian hàng của Cụ Văn Mai (Văn Ngọc Phương hay “cô Húc”, 1922 - 2012) - người phụ nữ cuối cùng của Chợ Lớn lúc sinh thời chuyên bán các mặt hàng bào hoa - kim chỉ trước cửa chùa Bà Thiên Hậu và chùa Quan Âm ở Chợ Lớn. 

Ước mơ về một bảo tàng thu nhỏ

Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn đang ngày một nhiều thêm, khi cộng đồng người Hoa biết đến việc làm ý nghĩa của anh Dương Rạch Sanh. Số lượng kỷ vật tăng lên nhanh chóng từ hơn 1.000 món của năm trước, đến nay đã  gấp đôi, và sẽ sớm đạt gấp ba trong thời gian tới. 

Đồ vật nằm trong nhóm trưng bày đồ vật của “chị má”, “bà cô” Tụ Quần Cư
Đồ vật nằm trong nhóm trưng bày đồ vật của “chị má”, “bà cô” Tụ Quần Cư

Anh Dương Rạch Sanh gặp một số khó khăn trong quá trình tiếp nhận, phân loại, gìn giữ, vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Anh đã liên hệ một số đơn vị, cá nhân làm công tác bảo tàng để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, không gian trưng bày được anh chia ra thành các chủ đề, gồm: nội dung về ngày cưới (bao gồm vật dụng, trang phục, giấy đăng ký kết hôn...); nội dung liên quan giáo dục; không gian đồng bào người Hoa với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; không gian tri ân những vị tiền nhân làm kinh tế giỏi của Sài Gòn - Chợ Lớn; không gian tiệm tạp hóa xưa của người Hoa... Dù số lượng kỷ vật ngày càng nhiều, nhưng mỗi vật phẩm nhận được, anh Sanh đều ghi nhớ chi tiết. Trên mỗi đồ vật, anh chú thích món đồ ấy là của ai, ở đâu.

Ban đầu, mọi người hồ nghi về việc làm của anh Sanh, sợ rằng anh dùng các đồ vật được tặng để bán lại, hoặc phục vụ mục đích không trong sáng nào đó, nên quá trình vận động cũng gặp một số khó khăn nhất định. Có lần, anh Sanh tìm đến một gia đình để xin vài vật dụng, chủ yếu là giấy tờ của cụ ông đã qua đời. Gia đình đó nhất quyết giữ lại vì xem đó là vật kỷ niệm. Tuy nhiên, sau một thời gian, một người bạn của anh Sanh phát hiện đống giấy tờ quý mà anh Sanh tìm đến xin, xuất hiện tại vựa ve chai vì gia đình… đã bán đi.

“Tôi xem công việc sưu tầm mà Sanh đang làm giống như việc của một con ong chăm chỉ. Đứng ngoài nhìn vào, tôi biết sẽ rất vất vả, vì nhiều đồ vật thuộc nhiều nhóm khác nhau như văn bản - giấy tờ, tác phẩm nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ... Chưa kể với mỗi đồ vật được tặng, người nhận phải hiểu câu chuyện đằng sau, để biết giá trị đích thực của nó. Công việc đó đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Với những người âm thầm làm việc vì cộng đồng như Sanh, tôi thấy rất đáng quý. Bởi phải thật sự đam mê và có cái tâm hướng đến lợi ích chung, người ta mới có thể làm được.
Trong không gian trưng bày, tôi ấn tượng nhất khu vực trưng văn bản giấy tờ, bởi đa số đều có giá trị cực kỳ quan trọng.

Với mỗi cá nhân, những giấy tờ tùy thân của họ là vật bất ly thân, nhưng khi họ qua đời, người thân vẫn tặng lại cho Sanh, chứng tỏ họ tin việc Sanh đang làm. Tôi cho rằng nếu Sanh vẫn giữ được đam mê và cái tâm trong sáng, cộng đồng người Hoa sẽ tin tưởng và ủng hộ anh” - họa sĩ Trần Văn Hải - câu lạc bộ Mỹ thuật người Hoa, một trong những họa sĩ dòng tranh thủy mặc nổi tiếng, chia sẻ

“Trong 2.500 đồ vật được trưng bày và một số cất trong kho, tôi đều được các cô chú, bà con người Hoa tặng lại cho mình. Với từng món, tôi đều chú thích và ghi lại kỹ càng, để khi người nhà hỏi đến, tôi biết chúng đang ở đâu. Hoặc có đến khu trưng bày, người tặng cũng an lòng khi thấy tôi đặt để kỷ vật của họ gọn gàng, sạch đẹp. Tôi không nhận mình là chủ sở hữu, mà chỉ giống một người tập hợp và trông coi hộ. Điều tôi mong muốn nhất, là lan tỏa được văn hóa truyền thống, giới thiệu cuộc sống thời xưa của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tôi là thế hệ người Hoa thứ ba có mặt tại Sài Gòn, nếu không nhanh chóng sưu tầm, có lẽ chỉ thời gian ngắn nữa, nhiều giá trị sẽ bị mai một”, anh Dương Rạch Sanh cho biết.

Trong không gian trưng bày, nhiều đồ vật đời thường, chỉ có giá trị tinh thần gắn với gia đình, nhưng cũng có nhiều cổ vật mang tầm vóc, giá trị lịch sử, văn hóa. Trong đó, có đóng góp tranh, tượng của Nghệ nhân nhân dân Trương Hán Minh hay họa sĩ Lý Khắc Nhu; có huy chương của đại sứ Hồ Liễn trao tặng cho ông Lưu Vĩ An (Q.7) - người đạt giải cao nhất cuộc thi viết văn do mười tờ báo danh tiếng Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức, vào năm 1967; có những dụng cụ bào gỗ cầm tay của ông Nhậm Chí Vĩ (Q.11)... Những người quyên tặng có thể là người nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa, là những hộ dân gắn bó với Sài Gòn xưa, và những đồ vật cũ họ quyên tặng đều có giá trị. 

Tại TP.HCM thời gian qua, nhiều công ty du lịch đang khai thác hình thức du lịch di sản - văn hóa, kết nối một số điểm đến là di tích, nhà cổ, để tạo nên điểm đặc sắc, cho thấy trong lòng thành phố hiện đại, vẫn còn nhiều dấu vết của một miền đất giàu trầm tích văn hóa, có bề dày lịch sử. Anh Dương Rạch Sanh mong muốn phòng trưng bày của mình là một điểm đến trong hành trình du lịch đó, để “bảo tàng mini” của anh có thể làm tốt vai trò quảng bá văn hóa, đời sống của cộng đồng người Hoa.

Diễm Mi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI