“2,5 triệu ca không qua khỏi do viêm phổi mỗi năm - làm sao để phòng tránh?”

21/11/2023 - 16:56

PNO - Làm thế nào để có thể phòng tránh được bệnh viêm phổi cho tất cả mọi người? Các chuyên gia đầu ngành sẽ giải đáp trong chương trình tọa đàm trực tuyến: “2,5 triệu ca không qua khỏi do viêm phổi mỗi năm - làm sao để phòng tránh? vào lúc 19g00, thứ Năm, ngày 23/11/2023.

Theo báo cáo tại diễn đàn “Ngày Viêm phổi thế giới” do Hội Hô hấp Thế giới tổ chức vào ngày 12/11/2022, chỉ riêng năm 2019, có 2,5 triệu người đã tử vong vì viêm phổi, trong đó có 672.000 trẻ em. Theo thống kê về gánh nặng bệnh tật của toàn cầu, trong đó, cứ 13 giây lại có một người chết, cứ 47 giây lại có một trẻ dưới 5 tuổi tử vong và cứ 26 giây lại có một người lớn trên 70 tuổi chết vì viêm phổi.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, năm 2014, tỷ lệ mắc viêm phổi ở nước ta là 561/100.000 người dân, đứng hàng thứ hai sau tăng huyết áp, tỷ lệ tử vong do viêm phổi là 1,32/100.000 người dân, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong.

Viêm phổi có 2 loại, viêm phổi mắc phải trong bệnh viện và viêm phổi mắc phải trong cộng đồng. Hai tác nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp do vi khuẩn là Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn) và Haemophilus influenza. Các tác nhân gây bệnh này thường biến đổi và cũng thường gây ra tình trạng kháng thuốc. Bệnh thường xảy ra trên cơ địa những người bị suy giảm sức đề kháng như: sau khi bị nhiễm virus, có bệnh nền, trẻ em, người lớn tuổi…

Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng có nhiều triệu chứng lâm sàng tương đồng với các bệnh lý hô hấp khác, cần được chẩn đoán phân biệt sớm. Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn) chiếm 75% trong số các tác nhân gây viêm phổi ở cộng đồng. 

Làm thế nào để có thể phòng tránh được bệnh viêm phổi cho tất cả mọi người?

Các chuyên gia đầu ngành sẽ giải đáp trong chương trình tọa đàm trực tuyến: “2,5 triệu ca không qua khỏi do viêm phổi mỗi năm - làm sao để phòng tránh? vào lúc 19g00, thứ Năm, ngày 23/11/2023 với sự tham gia của PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - nguyên Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TPHCM; PGS.TS. BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng bộ môn Khoa học Y Sinh, Viện Pasteur TPHCM; và BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM.

Chương trình được phát đồng thời trên FanpageYouTube và báo điện tử phunuonline.com.vn  - Báo Phụ nữ TPHCM; Fanpage, YouTube và trang suckhoedoisong.vn Báo Sức khỏe và Đời Sống; trang thanhnien.vn Báo Thanh niên; Fanpage, YouTube và trang tuoitre.vn Báo Tuổi Trẻ; Fanpage VnExpress và Fanpage Báo điện tử VTV News.

Xem clip:

 

Báo Phụ Nữ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI