2.000 tỷ đồng - chi sao cho đúng?

24/04/2013 - 19:59

PNO - PN - Chính phủ sẽ chi hơn 2.000 tỷ đồng để đào tạo 1.800 cán bộ ở nước ngoài từ nay đến năm 2020 - thông tin này được xem là một tin vui cho các trường ĐH. Ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng chia sẻ: "Đây là một...

Bên cạnh niềm vui, một nỗi lo cũng được đặt ra: 2.000 tỷ đồng là con số không hề nhỏ, nếu việc tuyển chọn không nghiêm túc, lãng phí cũng sẽ rất lớn. Ngược trở lại Đề án 322 (Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước triển khai từ năm 2000), trong vòng sáu năm đầu tiên đã có 18 lưu học sinh “giữa đường đứt gánh”, trong đó có 13 người ở Liên bang Nga bị buộc thôi học vì học lực kém; ba người ở Pháp không đủ trình độ ngoại ngữ; một người đi học tiến sĩ tại Úc nhưng chỉ lấy được bằng thạc sĩ; một người ở Thái Lan không đủ điều kiện học xong chương trình. Ngoài 18 trường hợp trên, còn có một người ở Úc đã tự ý bỏ về nước. Các lưu học sinh này bị buộc thôi học đồng nghĩa với việc Nhà nước mất đi một khoản ngân sách đáng kể. Tổng kết Đề án 322, Bộ GD-ĐT cho biết, có khoảng 100 lưu học sinh (3% số cán bộ được cử đi học) về nước chậm và chưa làm báo cáo tốt nghiệp về nước...

2.000 ty dong - chi sao cho dung?

Ảnh minh họa (nguồn: suckhoedoisong.vn)

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, đưa cán bộ đào tạo ở nước ngoài là chủ trương rất đúng, nhưng việc tuyển chọn phải đảm bảo “đúng người, đúng việc”, không thể vì nể nang hay lãnh đạo ưu ái người nọ, người kia mà cử đi học, dù năng lực của họ thua kém những người khác. Dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, việc tuyển sinh đào tạo phải bảo đảm nguyên tắc chỉ đào tạo theo nhu cầu của các trường, cơ quan nghiên cứu khoa học và người đi học phải cam kết sau khi tốt nghiệp về làm việc tại cơ quan cũ, nếu không hoàn thành khóa học hoặc không theo sự điều động, phân công sẽ phải đền bù. Dù vậy, ở Đề án 322, có 3% không hoàn thành việc học, đồng nghĩa với việc Nhà nước đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng vô ích, chưa kể còn làm mất đi cơ hội học tập của những người xứng đáng khác.

Bên cạnh đó, chính sách sử dụng sau khi những người đi học về nước một cách hiệu quả cũng là vấn đề cần quan tâm xem xét. Theo ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), qua Đề án 322, hơn 95% ý kiến cho rằng, việc học tập, nghiên cứu ở nước ngoài giúp ích nhiều cho công tác của lưu học sinh khi về làm việc tại Việt Nam, 25% được đề bạt hoặc nhận nhiệm vụ công tác quan trọng hơn so với trước khi đi học. Đối với người đi học tiến sĩ, thạc sĩ, tỷ lệ trở lại làm việc tại cơ quan cũ rất cao (trên 95%). Tuy nhiên, cơ chế ưu đãi để thu hút sử dụng, tuyển dụng chưa được các cơ quan nhà nước quan tâm. Số sinh viên đi học ĐH về nước không được nhiều cơ quan nhà nước tuyển dụng.

 Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI