PNO - Vụ án tranh chấp 250m2 đất, trị giá 85 triệu đồng đã qua ba phiên tòa sơ thẩm, ba phiên tòa phúc thẩm, một quyết định giám đốc thẩm, hai quyết định kháng nghị và vẫn có khả năng tiếp tục kéo dài.
Trong đơn khởi kiện, ông Trầm Kiếm Tỷ - sinh năm 1955, trú tại xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh - trình bày cha ông Tỷ là Trầm Cảnh Chạy, là anh ruột ông Trầm Cảnh Cùi. Ông Cùi là chồng bà Ngô Thị Bé, là cha của Trầm Thị Đổi và Trầm Kiếm Dư.
Mảnh đất 250m2 mà hai gia đình tranh chấp suốt 19 năm qua
Ông bà nội ông Tỷ có một phần đất tọa lạc tại ấp Là Ca B, xã Nhị Trường đã chia cho hai con là ông Chạy và ông Cùi. Đất của ông Chạy và ông Cùi giáp nhau bởi con đường đất được hình thành khi phân chia. Do đất của ông Cùi ở gần đồn lính nên không thể cất nhà ở, nên khoảng năm 1958, ông Chạy cho vợ chồng em trai mượn đất làm nhà ở. Hai bên có thỏa thuận khi nào ông Chạy có nhu cầu thì vợ chồng em trai phải trả lại đất.
Trong khi đó, phía bị đơn Ngô Thị Bé trình bày rằng, phần đất mà ông Tỷ khởi kiện yêu cầu giao trả có nguồn gốc của cha mẹ chồng đã phân chia cho mình vào năm 1958. Từ đó, vợ chồng bà Bé làm nhà ở cho đến nay, có ranh giới rõ ràng, hằng năm đóng thuế cho Nhà nước. Trong quá trình sử dụng, có sửa chữa nhà nhiều lần, không ai ngăn cản. Năm 1996, chính quyền địa phương thông báo cho người dân kê khai, gia đình bà đã đăng ký quyền sử dụng đất. Do thời điểm đó bà Bé bị bệnh không đi kê khai được nên ông Tỷ đã kê khai cả phần đất bà Bé đang sử dụng làm nhà ở. Do đó, bà Bé không chấp nhận trả đất theo yêu cầu của ông Tỷ.
Ông Tỷ trình bày rằng, mảnh đất 250m2 là của ông bà nội mình cho cha mình nhưng không có giấy tờ chứng minh. Thực tế, bà Bé đã cất nhà và sinh sống trên đất này từ năm 1958. Khi cha ông Tỷ và vợ chồng bà Bé còn sống không có tranh chấp, cha ông Tỷ cũng không đòi đất. Đến đời ông Tỷ, ông này đã kê khai và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng cho cả 250m2 mà bà Bé sử dụng từ năm 1958 đến nay.
Từ năm 2002, tranh chấp bắt đầu diễn ra. UBND xã Nhị Trường đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không thành. Sau đó, được sự ủy quyền của anh em, ông Tỷ khởi kiện, yêu cầu bà Bé di dời nhà, trả lại đất.
Tranh chấp vẫn “chưa có hồi kết”
Tính đến nay, vụ tranh chấp đã kéo dài 19 năm. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Bé qua đời năm 2017. Hiện tại, vợ chồng con gái bà Bé là bà Trầm Thị Đổi đang quản lý và sử dụng phần đất 250m2 mà hai bên tranh chấp.
Trong bản án dân sự sơ thẩm số 10/2009/DS-ST ngày 31/7/2009, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cầu Ngang đã quyết định chấp nhận việc đòi lại 250m2 đất của ông Tỷ, buộc gia đình bà Bé di dời nhà, trả lại 250m2 đất cho ông Tỷ. Tòa cho phép gia đình bà Bé được lưu cư trong ba tháng để sắp xếp việc di dời về nơi ở mới. Ngoài ra, tòa cũng chấp nhận việc ông Tỷ tự nguyện hỗ trợ 25 triệu đồng để bà Bé di dời nhà.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Bé kháng cáo. Trong bản án dân sự phúc thẩm số 06/2010/DS-PT ngày 25/1/2010, TAND tỉnh Trà Vinh quyết định giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm nêu trên. Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Bé có đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Ngày 21/1/2013, TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm số 06/2010/DS-PT ngày 25/1/2010 của TAND tỉnh Trà Vinh.
Ngày 20/3/2013, Tòa Dân sự thuộc TAND Tối cao đã ban hành quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, đồng thời giao vụ án cho TAND huyện Cầu Ngang xét xử sơ thẩm lại vụ án.
Hai năm sau đó, trong bản án số 05/2015/DS-ST, TAND huyện Cầu Ngang tiếp tục tuyên chấp nhận việc đòi lại 250m2 đất của ông Tỷ, buộc gia đình bà Bé di dời nhà để trả lại đất cho ông Tỷ nhưng cho gia đình bà Bé lưu cư trong sáu tháng để sắp xếp việc di dời về nơi ở mới. Ngoài ra, ở bản án lần này, tòa còn buộc bà Bé di dời cây dầu đường kính 60-80cm và một số cây ăn trái khác để trả lại đất cho ông Tỷ.
Không đồng tình với bản án nêu trên, ngày 16/12/2015, bà Bé kháng cáo. Trong bản án phúc thẩm số 03/2016/DS-PT ngày 18/11/2016, TAND tỉnh Trà Vinh đã tuyên hủy toàn bộ bản án số 05/2015/DS-ST và giao hồ sơ về TAND huyện Cầu Ngang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
TAND huyện Cầu Ngang xét xử lại vụ án theo trình tự sơ thẩm và trong bản án sơ thẩm số 01/2019/DS-ST, tòa này bất ngờ tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tỷ, công nhận diện tích 250m2 đất tranh chấp và một cây dầu trên đất thuộc về những người thừa kế của bà Bé đồng thời tạm giao bà Đổi tiếp tục quản lý phần đất và cây dầu nêu trên. Ngoài ra, tòa cũng tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 7.640m2, thửa 980, tờ bản đồ số 12 do UBND H.Cầu Ngang cấp cho ông Tỷ ngày 9/5/1996.
Ngày 23/12/2019, ông Tỷ kháng cáo, yêu cầu xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm của TAND huyện Cầu Ngang, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông. Ngày 24/12/2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cầu Ngang cũng có quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án số 01/2019/DS-ST của TAND huyện Cầu Ngang.
Mới đây, trong bản án số 22/2021/DS-PT, TAND tỉnh Trà Vinh đã tuyên chấp nhận kháng cáo của ông Tỷ và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cầu Ngang; chấp nhận việc đòi lại 250m2 đất của ông Tỷ và buộc gia đình bà Đổi di dời nhà ra khỏi phần đất nêu trên nhưng được lưu cư trong sáu tháng để sắp xếp việc di dời về nơi ở mới kể từ ngày tuyên án. Tòa cũng công nhận cây dầu trên đất thuộc quyền sở hữu của ông Tỷ, buộc ông Tỷ có trách nhiệm thanh toán cho bà Đổi các khoản tiền gồm hỗ trợ di dời nhà, công sức giữ gìn, tôn tạo đất, công sức giữ gìn cây dầu, giếng nước, giá trị công trồng trên đất, tổng cộng hơn 52 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, người đại diện gia đình bà Bé cho biết, gia đình đang tiếp tục làm thủ tục để khiếu nại giám đốc thẩm bản án số 22/2021/DS-PT của TAND tỉnh Trà Vinh. Theo họ, phần đất tranh chấp là của ông bà để lại và gia đình bà Bé đã sử dụng từ năm 1958 đến nay. Thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tỷ, gia đình bà Bé đang sử dụng đất nhưng UBND huyện Cầu Ngang không hỏi ý kiến mà vẫn cấp là không hợp pháp.
Cần làm rõ việc cấp quyền sử dụng đất
Trong bản án phúc thẩm số 22/2021/DS-PT ngày 24/3/2021, TAND tỉnh Trà Vinh nhận định, vợ chồng bà Bé sử dụng đất từ năm 1958 nhưng không kê khai đăng ký qua các thời kỳ, không có giấy tờ về quyền được sử dụng đất từ trước ngày 15/10/1993 nên không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết vụ án, UBND huyện Cầu Ngang có ba văn bản trả lời tòa án, khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Tỷ là đúng quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật. Tài liệu được UBND huyện Cầu Ngang gửi kèm theo văn bản nêu trên thể hiện, ông Tỷ đã có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất, có xét duyệt của Hội đồng Đăng ký ruộng đất xã, có biên bản chi tiết quá trình xét duyệt của hội đồng. Điều này phù hợp với Thông tư 302/TT/ĐKTK của Tổng cục Quản lý ruộng đất (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Tuy nhiên, trong quyết định kháng nghị liên quan đến vụ này, TAND Tối cao từng chỉ ra rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tỷ là không phù hợp thực tế sử dụng. TAND Tối cao lập luận, ông Tỷ cho rằng mảnh đất 250m2 là của ông bà nội mình cho cha mình nhưng không có giấy tờ chứng minh. Thực tế, bà Bé đã cất nhà và sinh sống trên đất này từ năm 1958. Khi cha ông Tỷ và vợ chồng bà Bé còn sống thì không có tranh chấp và cha ông Tỷ cũng không đòi đất. Ông Tỷ thừa nhận bà Bé cất nhà trên mảnh đất trên từ năm 1958, nhưng lại cho rằng cha mình cho bà Bé ở nhờ. Bà Bé xác định là mình cất nhà trên đất của gia đình chồng.
Năm 1996, UBND huyện Cầu Ngang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Tỷ với diện tích 7.640m2, trong đó có cả phần đất mà bà Bé đang sử dụng, không có giấy tờ thể hiện bà Bé thỏa thuận cho ông Tỷ kê khai phần đất này. Do đó, việc cấp giấy chứng nhận cho ông Tỷ không phù hợp thực tế sử dụng và bà Bé mới là người được sử dụng hợp pháp phần đất tranh chấp. UBND huyện Cầu Ngang có văn bản xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tỷ đúng quy định, nhưng không nói rõ vì sao bà Bé đang sử dụng đất mà lại cấp cho ông Tỷ.
Hiện nhiều tỉnh, thành của vùng ĐBSCL đang khẩn trương xây các hồ trữ nước ngọt nhằm ứng phó nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô.