19 doanh nghiệp FDI “cầu cứu” Thủ tướng, tỉnh Tiền Giang vẫn thận trọng

22/10/2021 - 12:27

PNO - 19 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với tổng số lao động gần 70.000 người phải gửi thư “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ về những bất hợp lý trong phòng, chống dịch tại tỉnh này.

 Cụ thể, theo phản ánh của doanh nghiệp, người lao động tại các đơn vị này dù đã được tiêm mũi một vắc xin đủ 14 ngày đạt hơn 80% nhưng vẫn chưa được quay lại các nhà máy vì quan điểm của tỉnh Tiền Giang khi 100% người lao động tiêm mũi hai đủ 14 ngày và người nhà của người lao động được tiêm đủ vắc xin mới đủ an toàn để có thể cho doanh nghiệp hoạt động trở lại… Theo đó, các doanh nghiệp khẩn thiết đề nghị không bắt buộc sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường hai địa điểm”.

Ngành y tế tỉnh Tiền Giang thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho công nhân trên địa bàn
Ngành y tế tỉnh Tiền Giang thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho công nhân trên địa bàn

Ngày 21/10, tại buổi họp báo “Thông tin tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Tiền Giang”, ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, cho biết sau khi bùng phát dịch lần thứ tư, địa phương đã chỉ đạo đơn vị này cùng các sở, ngành phối hợp triển khai phương án sản xuất kinh doanh theo phương thức “ba tại chỗ”.

Từ ngày 15/7 đến 5/8 đã xảy ra tình trạng bùng phát dịch ở khu công nghiệp, có gần mười doanh nghiệp bị với trên 1.000 người mắc COVID-19. Lúc này, UBND tỉnh đã có chủ trương “ngừng kỹ thuật”, ban hành bộ tiêu chí tạm thời phù hợp với tình hình thực tiễn và sau đó mô hình tiếp tục triển khai. 

Cũng theo Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, đa số doanh nghiệp có số lao động trên 5.000 người, do điều kiện ăn, nghỉ và sản xuất chưa đảm bảo “ba tại chỗ” nên dừng triển khai. “Độ phủ vắc xin còn thấp đã ảnh hưởng đến kế hoạch khôi phục sản xuất của địa phương.

Đơn cử, đến ngày 10/10, trong khu công nghiệp có 109.000 lao động, nhưng độ phủ vắc xin mũi một mới chỉ đạt 45%”, ông Trường nói và cho biết, đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ tiêm mũi một cho lao động trong khu công nghiệp đạt gần 100% và mũi hai đạt gần 40%, tức đủ điều kiện xem xét mở rộng sản xuất. Hiện cũng đã có ba doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có văn bản đề nghị cho thực hiện người lao động lưu trú từ vùng xanh đến nhà máy làm việc cũng đã được chính quyền phê duyệt. 

Tại buổi họp báo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang Châu Thị Mỹ Phương cho biết, hiện có một số doanh nghiệp đang chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 128. Các doanh nghiệp đang xây dựng lại phương án, sau khi được phê duyệt sẽ thực hiện. Địa phương này cũng đang thí điểm hai hình thức mới để khôi phục sản xuất kinh doanh, đó là đưa rước công nhân tập trung và công nhân (vùng xanh) tự về nhà bằng xe cá nhân. Bắt đầu từ tháng 11 đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ chuyển doanh nghiệp “ba tại chỗ” sang hoạt động gắn với phương án phòng chống dịch bệnh, từng bước tăng dần quy mô để đảm bảo an toàn.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI