19 bị cáo vụ đại án gang thép Thái Nguyên nói lời sau cùng

17/04/2021 - 15:59

PNO - 19 bị cáo trong vụ đại án gang thép Thái Nguyên nói lời sau cùng, trước khi HĐXX vào nghị án và tuyên án vào ngày 20/4 tới đây.

Chiều 17/4, sau một tuần làm việc, phiên tòa của TAND TP. Hà Nội xét xử vụ đại án gang thép Thái Nguyên kết thúc phần tranh luận. Các bị cáo được nói lời sau cùng, trước khi HĐXX vào nghị án và tuyên án vào ngày 20/4 tới đây.

Vụ án này, 19 người hầu tòa là các nguyên lãnh đạo, cán bộ của Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Các bị cáo bị xét xử về một trong hai tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo trong đại án gang thép Thái Nguyên tại tòa
Các bị cáo trong đại án gang thép Thái Nguyên tại tòa - Ảnh: TTXVN

Là người đầu tiên bước lên bục khai báo, ông Trần Trọng Mừng (nguyên tổng giám đốc TISCO) mong muốn HĐXX đánh giá lại vị trí của mình trong vụ án. Ông Mừng nói mình nay đã 72 tuổi, trong người mang nhiều bệnh nặng, từng có nhiều cống hiến cho ngành gang thép…

Từ những gì trình bày, ông Mừng mong muốn HĐXX xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, cho mình được hưởng mức án nhẹ nhất.

Người tiếp theo, ông Trần Văn Khâm (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc TISCO) một lần nữa khẳng định dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên diễn ra trong bối cảnh khó khăn, phức tạp. Đến nay, khi phải đứng trước phiên tòa, bị cáo đã nhận thức rõ sai phạm của bản thân, rất ăn năn hối hận.

 “Bị cáo xin lỗi cán bộ, công nhân viên chức ở TISCO. Bị cáo và cộng sự đã làm hết mình nhưng dự án vẫn chưa thành công” – ông Khâm kết thúc lời nói sau cùng.

Tương tự, ông Mai Văn Tinh (nguyên chủ tịch HĐQT VNS) cho biết bản thân sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại Thái Nguyên. Nguyên chủ tịch HĐQT VNS cho biết đã làm việc 40 năm cho ngành gang thép, trong đó một nửa thời gian cống hiến tại TISCO, có nhiều thành tích được ghi nhận.

“Bị cáo luôn cùng cấp dưới, cấp trên tìm phương án tối ưu nhất cho dự án. Bị cáo rất ân hận, xin nhận một phần trách nhiệm” – ông Tinh nói và đề nghị HĐXX xem xét  giảm án cho các bị cáo khác.

16 bị cáo còn lại khi nói lời sau cùng cũng đều bày tỏ sự ân hận, mong HĐXX cho hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình và xã hội cũng như chữa trị các bệnh đang mắc phải.

Trước đó, tại phần tranh luận, đại diện Viện KSND đề nghị tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng 10-11 năm tù, Trần Văn Khâm 9-10 năm tù, Mai Văn Tinh 6-7 năm tù, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 1 đến 9 năm tù về cùng tội danh nêu trên hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đại diện Viện KNSD, dù biết rõ Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng và đề nghị các điều khoản vô căn cứ, các bị cáo tại TISCO và VNS vẫn đồng ý đề xuất điều chỉnh chi phí dự án, trong đó có việc tăng tổng mức đầu tư từ hơn 3.800 tỷ đồng lên tới hơn 8.100 tỷ đồng.

Hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và thiếu trách nhiệm của 19 bị cáo dẫn đến hậu quả làm thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỷ đồng.

Hậu quả từ các hành vi sai phạm này còn phát sinh nhiều chi phí tại dự án, nhiều thiết bị hư hỏng, nhiều tài sản liên quan không được sử dụng hiệu quả; tác động gián tiếp, làm gánh nặng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

“Đến nay, dự án vẫn đang trong tình trạng không thể tiếp tục thực hiện mặc dù Chính phủ cùng các bộ ngành, VNS và TISCO đã tìm nhiều phương án tháo gỡ” – kiểm sát viên cho hay.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI