189 người Việt trong "Hồ sơ Panama": Việt Nam hành xử minh bạch

11/05/2016 - 09:34

PNO - Tiểu ban điều tra của Tổng cục Thuế sẽ làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên kết với thế giới.

Chiều 10/5, Tổng cục Thuế đã có cuộc họp khẩn cấp với các Vụ chức năng và quyết định thành lập khẩn Tiểu ban điều tra, nghiên cứu về khả năng trốn thuế của 189 cá nhân, tổ chức có tên trong "Hồ sơ Panama" mới được công bố rạng sáng cùng ngày.

Tiểu ban này gồm nhiều Vụ như Vụ Thanh tra, Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban cải cách hiện đại hoá thủ tục thuế, Vụ Tuyên truyền...

189 nguoi Viet trong
Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã chính thức công bố dữ liệu “Hồ sơ Panama”.

VietnamNet dẫn nguồn tin từ thành viên cuộc họp này cho biết, bước đầu, cơ quan thuế sẽ phải làm rõ có dấu hiệu trốn thuế hay không đối với các tổ chức, cá nhân bị nêu tên. Các nghiệp vụ để làm rõ vấn đề này khá phức tạp và đòi hỏi sự huy động của cả hệ thống chính trị, từ Bộ KHĐT, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.

Sau đó, tổ công tác sẽ phải làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên kết với những cá nhân, tổ chức nào ở bên ngoài, ở những thiên đường thuế nào, tính toán sơ đồ tạo ra thu nhập, tìm ra bản chất của phương thức giao dịch này.

Trên cơ sở đó, đối chiếu với chính sách pháp luật Việt Nam, tổ sẽ đánh giá mức độ trốn thuế hay không trốn thuế, hay chỉ là lách luật, né thuế... và tìm hiểu động cơ của các cá nhân, tổ chức này.

Trao đổi với An Ninh Thủ Đô, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, việc xuất hiện trong danh sách là có dấu hiệu nghi ngờ, nhưng cụ thể có vi phạm pháp luật hay không vẫn chưa thể kết luận được. Trường hợp giao dịch các cá nhân nằm trong danh sách nếu công khai, minh bạch và được pháp luật cho phép thì được xem là hoàn toàn hợp pháp.

“Đây là việc gần như chưa có tiền lệ, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định cụ thể. Sự việc không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn liên quan đến quan hệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập.

Vì vậy, chúng ta buộc phải xem xét kỹ vấn đề. Đầu tiên, có thể yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan báo cáo. Sau đó, sẽ kiểm tra xem trước đây có nghi ngờ gì không, ngoài ra có thể thông qua con đường ngoại giao, cũng như các tổ chức quốc tế để đề nghị cung cấp, trao đổi thông tin để có cơ sở đối chiếu, so sánh”, ông Đức nhấn mạnh.

Trước đó, danh tính 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có giao dịch qua 19 các công ty thành lập ở nước ngoài (offshore company) đã được Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố cùng toàn bộ Hồ sơ Panama. Trước đó, tính đến ngày 9/5, thông tin ban đầu mới chỉ công bố 104 cái tên. Con số này có thể tăng lên thì khi 11 triệu trang tài liệu được bóc tách hết.

Trong vụ Hồ sơ Panama, hãng luật Mossack Fonseca đã thành lập hơn 100.000 công ty nước ngoài, dưới dạng các quỹ (trust) hay công ty trên giấy (shell company), trong giai đoạn 2005–2015. Từ trụ sở ở Panama City, công ty này đã tạo ra hàng loạt công ty không rõ danh tính tại Panama, đảo Virgin (Anh) và nhiều thiên đường thuế khác.

189 người Việt có tên trong hồ sơ Panama: Đây là nguồn tin

Yên Sở (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI