180 quốc gia tìm tiếng nói chung cho việc bảo vệ động, thực vật hoang dã

19/08/2019 - 10:53

PNO - Đại diện của khoảng 180 quốc gia hiện đang họp tại Geneva, Thụy Sĩ để thống nhất các biện pháp bảo vệ những loài dễ bị tổn thương, bao gồm nhiều vấn đề từ buôn bán ngà voi cho đến tiêu thụ xúp vi cá mập.

Hội nghị quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, gọi tắt là CITES, diễn ra ba năm một lần, nhằm đảm bảo rằng việc buôn bán các mẫu vật động vật hoang dã và thực vật trên thế giới không gây nguy hiểm cho sự sống còn của chúng.

180 quoc gia tim tieng noi chung  cho viec bao ve dong, thuc vat hoang da
Vấn đề săn bắt voi và mua bán ngà voi đang tạo ra bất đồng giữa các quốc gia châu Phi

Hội nghị khai mạc vào thứ Bảy 17/8, và kéo dài đến ngày 28/8. Cuộc họp diễn ra ba tháng sau khi báo cáo toàn diện đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học cảnh báo rằng, sự tuyệt chủng đang đe dọa hơn một triệu loài thực vật và động vật. 

Đồng thời, ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng các nhà hoạch định chính sách chưa hành động đủ nhanh để ngăn chặn nạn buôn bán động, thực vật quý hiếm trên toàn cầu. Chẳng hạn vào trung tuần tháng Tám, chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch hạ thấp đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Mỹ, một thông điệp có thể trở thành tiền lệ xấu cho những quốc gia tham dự hội nghị CITES, ngay cả khi động thái của Mỹ thiên về chính sách đối nội hơn là thương mại quốc tế.

Hiện nay, CITES cấm giao dịch hoàn toàn một số sản phẩm, trong khi cho phép thực hiện thương mại quốc tế đối với các loài đặc biệt khi và chỉ khi không làm tổn hại đến số lượng của chúng trong tự nhiên. Quy định nới lỏng này nhằm đáp ứng một phần nhu cầu đa dạng đối với các sản phẩm động vật và thực vật, chẳng hạn như vì đặc tính dược phẩm hoặc làm vật nuôi, chế biến các món ăn, nguyên liệu sản phẩm cho hàng dệt may, thời trang và nhiều mục đích sử dụng khác. Quan chức hải quan trên thế giới luôn chú ý đến biểu tượng của CITES đối với các lô hàng thực vật và động vật xuyên biên giới bởi nó được xem là con dấu phê duyệt, thể hiện rằng việc buôn bán những loài đó hoàn toàn hợp pháp.

Chương trình nghị sự của cuộc họp xem xét 56 đề xuất thay đổi mức độ bảo vệ đối với các loài dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng một số ý kiến ​​cho rằng, biện pháp bảo vệ nên được hạ thấp vì các quần thể liên quan đã dần ổn định hoặc thậm chí tăng. Dù vậy, quyết định cuối cùng phải dựa trên khoa học, không phải là những lợi ích chính trị hoặc bởi lý do khác.

Xét riêng tại châu Phi, nhiều quốc gia đang đối mặt với cuộc tranh luận nội bộ về voi và ngà voi. Zambia, cho rằng quần thể voi hoang dã của mình hiện đã ổn định với khoảng 27.000 con; họ muốn hạ thấp lệnh cấm để cho phép mua bán ngà voi và xuất khẩu các sản phẩm khác như da và lông. Quan điểm này tương đồng với một vài quốc gia ở phía nam châu Phi. Tuy vậy, 10 quốc gia khác trong khu vực muốn bảo vệ toàn diện loài voi khỏi mọi hoạt động buôn bán quốc tế.

Israel thậm chí còn đề xuất các quy định cứng rắn hơn về buôn bán ngà voi ma mút, với hy vọng chặn đứng những kẻ buôn lậu ngà voi bất hợp pháp, lén lút ngụy trang lô hàng thành ngà voi ma mút tìm thấy từ kỷ băng hà. Ngà voi và ngà voi ma mút gần như không thể phân biệt bằng mắt thường, và buôn bán ngà voi ma mút nhanh chóng trở thành thị trường béo bở vì chúng không nằm trong danh sách cấm khai thác. Hội nghị lần này sẽ phải xác định xem các sản phẩm từ một loài đã tuyệt chủng có nằm trong sự bảo vệ của CITES hay không.

Nhóm vận động Avaaz (Mỹ) cho biết một câu hỏi quan trọng khác là Nhật Bản, nơi có thị trường ngà voi hợp pháp lớn nhất thế giới, có sẵn sàng cam kết đóng cửa việc buôn bán ngà voi đầy lợi nhuận. Khi những con voi đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, Trung Quốc, Mỹ, Hồng Kông, Singapore và nhiều nơi khác đã cam kết đóng cửa thị trường ngà voi trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Thực vật, chủ đề ít hấp dẫn hơn so với đời sống động vật, cũng xuất hiện trong chương trình nghị sự. Chẳng hạn, một đề xuất yêu cầu loại các nhạc cụ khỏi hạn chế thương mại đối với gỗ hồng mộc (rosewood), vốn được các nhà sản xuất đàn guitar đánh giá cao.

Tại khu vực châu Á, ngành kinh doanh cá mập thu hút khá nhiều sự quan tâm. Một số nhà nghiên cứu cho biết, nhu cầu thương mại đối với vây cá mập (trị giá 1.000 USD mỗi kg), chủ yếu đến từ món ăn truyền thống của người Trung Quốc, đang khiến loài vật đứng trước nguy cơ suy giảm số lượng nghiêm trọng trong tự nhiên. Ngôi sao bóng rổ Trung Quốc Yao Ming, đại sứ của WildAid năm 2006, cam kết bỏ xúp vi cá mập và xuất hiện trong nhiều quảng cáo nhằm kêu gọi thực khách cứu lấy cá mập. WildAid, một nhóm hoạt động môi trường, cho biết thêm rằng Yao Ming cũng đóng góp không nhỏ trong việc Trung Quốc đưa ra lệnh cấm mua bán ngà voi hai năm trước.

Tiến sĩ Abdulla Naseer, Bộ trưởng Môi trường Maldives, cho biết, quốc đảo của ông ủng hộ ba đề xuất bảo vệ 18 loài cá mập, cá đuối và nhấn mạnh: “Chúng ta cần đảm bảo thương mại bền vững trước khi quá muộn. Chúng ta phải bảo vệ các đại dương cho thế hệ tương lai”. 

 (theo Bangkok Post, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI