18 tàu cá vỏ thép hỏng nặng: Đình chỉ đơn vị đóng tàu, chờ Bộ Công an vào cuộc

09/06/2017 - 15:12

PNO - Theo Phó chủ tịch tỉnh Bình Định, đơn vị đóng tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ngư dân trong vụ 18 tàu vỏ thép hỏng nặng cũng như chỉ đạo công an tỉnh báo cáo Bộ công an vào cuộc điều tra.

Sự cố 18 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định hư hỏng sau khi hạ thủy chưa lâu trở thành “tâm điểm” tại Hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ –CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản diễn ra sáng 9.6 tại TP. Quy Nhơn (Bình Định).

“Thép kém chất lượng, sơn không đúng tiêu chuẩn, máy không chính hãng”

Trước khi diễn ra hội nghị, ngày 8.6, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế các tàu vỏ thép hiện đang nằm bờ tại cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định).

18 tau ca vo thep hong nang: Dinh chi don vi dong tau, cho Bo Cong an vao cuoc
Ngư dân Trần Đình Sơn (áo xanh) cho biết tàu cá được trang bị máy Doosan liên tục bị hư khi ra biển.

Hiện trạng ghi nhận tàu các tàu cá là thân tàu, vỏ tàu bong tróc sơn, rỉ sét, trang thiết bị hàng hải không đúng tiêu chuẩn… Các chuyên gia của hãng máy Mitsubishi sau khi kiểm tra 5 máy tàu đang bị hỏng mang nhãn hiệu Mitsubishi thì có 4 chiếc không phải chính hãng. Nghiêm trọng hơn, các bộ phận trong máy không phải thiết bị của máy Mitsubishi thủy mà là thiết bị lắp vá từ máy Mitsubishi bộ.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý, chủ tàu BĐ 99004 TS Nguyễn Văn Lý (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) vẫn chưa thể xoay được tiền trả nợ khi con tàu vỏ thép của ông đang phải nằm bờ chờ sữa chữa. “Từ ngày công ty TNHH Đại Nguyên Dương bàn giao tàu đến nay, tôi ra khơi 4 chuyến, chuyến nào cũng gặp sự cố. Tàu thiết kế mẫu tàu không phù hợp với nghề lưới vây, lần nào kéo cũng bị cuốn vào chân vịt. Tàu nhận về tháng 9/2016, mới ra khơi mấy chuyến nhưng trang thiết bị trên tàu, thân tàu xuống cấp, rỉ sét, máy chính bị hư hỏng, hầm chứa không đạt tiêu chuẩn.

Tàu nằm bờ đến nay, bao nhiêu cuộc họp trình bày ý kiến với lãnh đạo tỉnh, đơn vị đóng tàu, chúng tôi vẫn đang chờ đợi mà không biết lúc nào con tàu có thể ra biển bình an. Hôm qua (8/6), các chuyên gia đầu máy đến kiểm tra máy của tàu tôi, họ cho biết máy trên tàu là hiệu Mitsubishi chính hãng”, ông Lý nói.

18 tau ca vo thep hong nang: Dinh chi don vi dong tau, cho Bo Cong an vao cuoc
Tàu của ngư dân Nguyễn Văn Lý được đóng bởi công ty TNHH Đại Nguyên Dương, sau khi hạ thủy gặp sự cố trong quá trình cuốn lưới. Toàn bộ thân tàu, vỏ tàu đều bị rỉ sét, hầm chứa nước ngọt không thể sử dụng do rỉ sét quá nặng.

Tàu vỏ thép BĐ 99279 TS, công suất 940CV được đóng bởi Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng), trị giá trên 17 tỷ đồng được bàn giao cho ngư dân Trương Hoài Khánh (ở phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, Bình Định) tháng 9.2016. Tàu đưa từ Hải Phòng về tới biển Quy Nhơn phải nằm bờ 1 tháng để sữa chữa lại hầm đá và hệ thống máy điện trên tàu.

“Hầm đá không đạt tiêu chuẩn bảo quản đá và hải sản cho những chuyến biển dài ngày nên lúc bàn giao tàu chúng tôi không thể đi biển liền mà phải ở nhà sữa chữa. 7 chuyến ra khơi, chuyến nào tàu cũng gặp sự cố về máy, chuyến gần nhất mới ra được 5 ngày hỏng máy điện phải kéo về bờ. Mỗi chuyến đi, phí tổn ngót 200 triệu, công cán cho bạn thuyền 5 triệu – 7 triệu đồng/người, chi nhiều hơn thu”, ngư dân Trương Hoài Khánh cho hay.

Tàu nằm bờ gần hai tháng, đang trong giai đoạn thẩm định tìm nguyên nhân sự cố, gia đình anh Khánh đối mặt với khoản nợ gốc và lãi suất ngân hàng gần 300 triệu đồng. “Lúc vay vốn đóng tàu, theo quy định gia đình tôi bỏ vốn đối ứng trên 1 tỷ, số còn lại vay tại ngân hàng. Trong lúc chờ giải ngân, phía ngân hàng yêu cầu gia đình tôi thế chấp sổ đỏ tạm giữ, khi bàn giao giấy tờ tàu cá thì được lấy sổ về.

18 tau ca vo thep hong nang: Dinh chi don vi dong tau, cho Bo Cong an vao cuoc
Tàu hỏng không ra khơi được, người dân lại bị ngân hàng giữ cả giấy tờ tàu và sổ đỏ.

Nay chúng tôi nộp giấy tờ tàu cá, bảo hiểm tàu cho ngân hàng nhưng họ vẫn không trả lại sổ đỏ như đã hứa mà đưa vào thế chấp tài sản cùng với con tàu. Tàu không thể ra khơi, tiền không có, ngân hàng đánh nợ quá hạn thành nợ xấu, chúng tôi muốn lấy lại sổ đỏ vay vốn xoay vòng và làm phí tổn ra khơi nhưng không được”, anh Khánh bức xúc.

Đình chỉ đơn vị đóng tàu vi phạm, yêu cầu đơn vị đóng tàu bồi thường thiệt hại cho ngư dân

Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết Bình Định đóng mới 49 tàu vỏ thép tại 9 cơ sở đóng tàu khắp nơi trong cả nước. Đến nay có 18 tàu cá hư hỏng đều tập trung tại tại 2 cơ sở là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) 13 chiếc và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) 5 chiếc.

“Kiểm tra thực tế 7 tàu có đơn khiếu nại, chúng tôi ghi nhận hiện trạng tàu vỏ thép bị rỉ sét nặng, chất lượng thép không đúng yêu cầu (thay thế thép Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc) sơn chưa đúng quy trình, máy tàu hư hỏng, trang thiết bị hàng hải bị hư hỏng hoăc không sử dụng được. Bình Định thành lập tổ thẩm định, sau khi có kết quả cụ thể, yêu cầu đơn vị đóng tàu nếu máy hư phải thay bằng máy mới không sữa chữa, sơn lại đúng quy trình, thay vỏ thép đúng chất lượng…”, ông Hổ cho biết.

“Tàu nhận về mới ra khơi hai chuyến hư máy chính cả hai lần. Lần đầu lỗ mất 70 triệu, lần hai phải thuê 2 tàu kéo về bờ thêm 120 triệu.  Cái máy là đầu não của con tàu, ra khơi mà hỏng máy là chết, ngư dân đâu can đảm mà tiếp tục vươn khơi khi liên tục đối mặt với sự cố. Máy chính trên tàu của hãng Doosan (Hàn Quốc ) tôi yêu cầu họ thay mới hoàn toàn chứ không chấp nhận chắp vá một số phụ kiện”, ngư dân Trần Đình Sơn, chủ tàu BĐ 99245 TS (ở xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Đinh).

18 tau ca vo thep hong nang: Dinh chi don vi dong tau, cho Bo Cong an vao cuoc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho rằng các doanh nghiệp đóng tàu trước hết phải có lương tâm, không nên đặt lợi nhuận mà bỏ mặc chất lượng các con tàu, bỏ mặc tính mạng của ngư dân.

“Ngư dân ra khơi bám biển ngoài kế sinh nhai còn bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chiếc tàu vỏ thép là hành trang cho họ vững tin nơi đầu sóng ngọn gió, mà chất lượng của nó như những chiếc tàu vừa qua ở Bình Định thì không chấp nhận được.

Sau hội nghị này, tôi kiến nghị lên Bộ phải có biện pháp sớm giải quyết để ngư dân vươn khơi. Trong thời gian ngư dân không thể ra khơi vì tàu hư hỏng, đơn vị đóng tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ngư dân. Tôi cũng chỉ đạo công an tỉnh báo cáo Bộ công an vào cuộc điều tra”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám thừa nhận sự số tàu vỏ thép tại Bình Định là bài học thấm thía đối với cơ quan lý nhà nước mà trực tiếp nhất là Tổng cục thủy sản và Bộ NN&PTNT.

18 tau ca vo thep hong nang: Dinh chi don vi dong tau, cho Bo Cong an vao cuoc
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định sự cố tàu vỏ thép tại Bình Định là bài học thấm thía của ngành.

“Trước hết, Bộ sẽ tạm đình chỉ đối với hai công ty đóng tàu gây sự cố là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Yêu cầu hai đơn vị này phải khắc phục các tàu cá bị hư hỏng tại Bình Định.

Trước sự việc một số ngư dân rút đơn kiện đơn vị đóng tàu, nhận thấy có điều chưa phù hợp nên yêu cầu tỉnh, cơ quan ban ngành vào cuộc điều tra. Phải có kết luận rõ ràng những khiếm khuyết của các tàu; rà soát lại các cơ sở đóng tàu đủ và không đủ điều kiện; hướng dẫn ngư dân giám sát; ban hành sổ tay vận hành tàu vỏ thép…”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định.

Giữ sổ đỏ là do ngư dân tự nguyện?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu bác bỏ ý kiến của đại diện ngân hàng nhà nước tại hội nghị khi phía ngân hàng cho rằng giữ sổ đỏ của ngư dân là do ngư dân tự nguyện mà quy định cũng không cấm. 

Theo ông Châu việc ngân hàng giữ sổ đỏ ngư dân là làm khó ngư dân, đặt lợi nhuận lên đầu mà không để tới nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng cách tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu ra khơi.

Thu Dịu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI