18 năm, xưởng may nhỏ giúp bao phận đời

09/08/2023 - 06:52

PNO - Làm việc tại xưởng may của chị Hà, chị em được hoàn toàn chủ động sắp xếp về thời gian sao cho phù hợp với mình.

Xưởng may của chị Võ Thị Bé (tên thường gọi là Hà) ở hẻm 139, đường số 9, khu phố 6, phường Linh Tây, có diện tích chưa đầy 30m2, nhưng có tới hơn chục máy may và máy vắt sổ. 

Thời còn trẻ, chị Hà cũng từng trải qua nhiều nghề và đã trụ lại với nghề may tại một công ty. Nhưng sau khi sinh con, chị phải nghỉ làm công nhân và nhận hàng may gia công tại nhà. Nhờ uy tín và chất lượng trong công việc nên lượng hàng chị được giao ngày càng tăng.

Thế là chị phải mở xưởng, tuyển thêm nhân công về làm để kịp giao hàng cho khách. Đặc biệt, nhân công của chị Hà không ở đâu xa mà chính là những chị em có hoàn cảnh ở ngay trong xóm và chị Hà xem họ như những người thân trong gia đình.

Chị Hà (đứng) đang tận tình hướng dẫn nghề may cho công nhân tại xưởng
Chị Hà (đứng) đang tận tình hướng dẫn nghề may cho công nhân tại xưởng

“Chị em làm đều có hoàn cảnh đáng thương, người thì chồng bị bại liệt, người thì cha mẹ lớn tuổi, ốm đau… Nhìn người ta khổ, mình cũng cố gắng tạo điều kiện việc làm cho họ. Không cần phải làm từ thiện ở đâu xa…” - chị Hà cười. 

Làm việc tại xưởng may của chị Hà, chị em được hoàn toàn chủ động sắp xếp về thời gian sao cho phù hợp với mình. Chị Phan Thị Chiến (49 tuổi) hằng ngày phải chở chồng đi châm cứu và chăm sóc chồng, nên chỉ tranh thủ lúc chồng ngủ mới sang xưởng may. Ngoài ra, chị cũng có thể mang hàng về nhà để làm vào buổi tối.

Trong căn phòng trọ, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy (60 tuổi) cũng đang cặm cụi cắt chỉ số hàng mới nhận về. “Cô làm cho Hà cũng lâu rồi. Biết cô già cả, mắt kém nên Hà không bao giờ hối thúc cô cả. Lúc rảnh rỗi là cô tranh thủ làm. Tháng cũng được vài triệu đồng”.

Chị Hà cho biết, đối với may gia công thì chị tính lương theo tiếng, ai làm nhiều thu nhập cũng hơn 7 triệu đồng mỗi tháng. Còn với công việc cắt chỉ thì trả công theo sản phẩm. Biết mọi người eo hẹp về thời gian, nên chị cũng không hối thúc. Làm được bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu. Đôi khi chị còn bồi dưỡng thêm để mọi người có thêm động lực. Đến với chị Hà, chị em khó khăn còn được dạy nghề miễn phí. 

Thấm thoát mà xưởng may của chị Hà đã ra đời và tồn tại được 18 năm, giải quyết việc làm cho biết bao hoàn cảnh. 

Nhật Xuân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI