18 năm làm 'nữ siêu nhân'

16/05/2019 - 05:30

PNO - Gần 18 năm như vậy, chị biến mình thành "siêu nhân", làm bay những việc tưởng chừng phụ nữ không thể làm. Chị đã gánh một gia đình cùng số phận đau thương, bước tới sự an nhiên một cách mạnh mẽ...

Mấy ngày liền, chị ngồi thức chong chong không ngủ được vì thương con, thương thân. Chị đã hứa với cu Đẹt, mùng mười tháng ba sẽ chở nó lên Báo Quốc Từ dự lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, vậy mà đúng ngày thứ bảy mùng chín tháng ba, con trai chị lên cơn co giật rồi qua đời.

Tội nghiệp cu Đẹt chưa một ngày sung sướng, vì khi sinh ra được tám tháng bất ngờ thằng nhỏ đổ bệnh, rồi bị liệt nằm một chỗ, chân tay ngày mỗi teo đi, chỉ u ơ, không biết nói, lại chịu luôn cảnh côi cút khi ba nó bỗng bán nhà lấy tiền bỏ đi. Chị ngậm nước mắt ôm hai đứa con thơ về nương nhờ bà ngoại. 

18 nam lam 'nu sieu nhan'
Chị Đức khi vẫn còn mẹ già và đứa con tật nguyền

Người thân, bạn bè, hàng xóm đều chung nhận định, chị Nguyễn Thị Đức, ngụ tại xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, là người phụ nữ can trường, đầy nghị lực. Nếu số phận tách người chồng ra khỏi cuộc đời chị, đứa con trai tật nguyền nằm một chỗ, mẹ già đau bệnh liên miên, thì cuộc sống cho chị đầy ắp niềm tin rằng mình sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Niềm tin thì ở trong đầu, gian khổ bày ra trước mắt. Muốn có tiền nuôi mẹ già, mua thuốc chữa bệnh cho con trai, đóng tiền học cho con gái, chị thường nói vui: “Tui làm như điên. Không cho phép mình đau ốm”. 

Thức giấc từ 4g sáng, nấu xong một nồi rượu, cho heo ăn, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, 7g chị đã có mặt tại nhà bếp công ty X. Tới 17g chạy xe về, chở thêm mấy bó củi để chụm bếp, tiếp đến đi bỏ mối rượu và heo gà. Cơm nước, giặt đồ, tới 9-10g đêm mới được nghỉ. Chưa kể bữa nào mẹ già, con thơ đau bệnh, chị phải xin nghỉ việc chở đi bệnh viện. Có ngày, buổi sáng chở bà, buổi chiều chở cháu.

Gần 18 năm như vậy, chị biến mình thành "siêu nhân", làm bay những việc tưởng chừng phụ nữ không thể làm. Chị đã gánh một gia đình cùng số phận đau thương, bước tới sự an nhiên một cách mạnh mẽ. Con gái lớn học xong lớp 12, đi học nghề rồi lấy chồng ở riêng. Mẹ già sức khỏe đã tốt hơn, có thể lo cơm nước, giặt giũ giúp chị. Thằng cu Đẹt tuy 16 tuổi mà vẫn như nhúm xương còng queo nằm trên giường, nhưng không còn bệnh tật liên miên như trước. Chỉ có chị là mỗi ngày mỗi già đi, hắt hiu lo lắng.

Năm ngoái, bà ngoại đổ bệnh, nằm ít ngày rồi ra đi mãi mãi. Hình như bà cũng thương người con gái cực khổ mà không dám rầy rà. Giờ đến lượt cu Đẹt đi theo ngoại, bỏ lại chiếc giường tre thấm đẫm màu nước tiểu. Một mình cô đơn trong căn nhà vắng, chị cảm thấy mình trắng tay trước cuộc đời. Còn mụn con gái thì đã làm dâu nhà người, đâu có sớm tối chăm sóc mẹ được. 

Gần đây, chị có tham gia một nhóm từ thiện, chuyên đi quyên góp tiền, gạo giúp người nghèo, nhưng vì việc ở công ty, việc nhà chiếm gần hết thời gian nên không đi với nhóm thường xuyên. Vả lại, gia đình chị cũng là đối tượng được giúp đỡ của nhiều chương trình từ thiện, nên khi đi từ thiện chị ngại người ta nói bản thân lo chưa xong, sao lo cho người khác. Nay đơn độc, chị sẽ dành thời gian đi làm từ thiện nhiều hơn. Phần để san sẻ khó khăn cùng cộng đồng, cũng là để tìm niềm vui cho mình, dù nhỏ nhoi.

Bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty TNHH trà Tâm Lan (Tây Ninh), cho biết: trường hợp gia đình cô Nguyễn Thị Đức đặc biệt khó khăn, đã từng được công ty trà Tâm Lan giúp đỡ tiền sửa nhà, tặng quà. Nhưng cảm phục hơn, là cô Đức đã tham gia những chương trình từ thiện vì người nghèo, với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. 

Bây giờ, người dân trong vùng không còn thấy cảnh chị tất tả chở đứa con tật nguyền đi nhận quà, nhận thuốc của các tổ chức từ thiện, mà sẽ gặp chị trong một nhóm từ thiện khác đem quà hoặc bỏ công sức chăm sóc, giúp đỡ những người nghèo, tàn tật ở địa phương. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI