18 điểm đỗ Y, Dược: Rất lo ngại nếu 6 năm nữa, một lượng Bác sĩ 18 điểm ra trường...

15/08/2016 - 06:26

PNO - Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn đại học 2016. Trong đó, ngành Y đa khoa và Dược học là 18 điểm.

Cụ thể, với hình thức xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia: Điểm trúng tuyển các ngành Y đa khoa và Dược học chỉ là 18 điểm áp dụng cho các tổ hợp môn xét tuyển nhà trường đã thông báo (mức điểm chuẩn 18 này đã bao gồm cả điểm ưu tiên đối tượng và khu vực).

18 diem do Y, Duoc: Rat lo ngai neu 6 nam nua, mot luong Bac si 18 diem ra truong...
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn đại học 2016. Trong đó, ngành Y đa khoa và Dược học là 18 điểm.

18 điểm là mức chuẩn cách khá xa so với mức điểm trúng tuyển  vào các ngành ở những trường có ngành đào tạo tương tự: Trường ĐH Dược Hà Nội cũng công bố mức điểm chuẩn vào trường với ngành Dược học là 26,75 điểm;

Trường Đại học Y Dược TP. HCM, ngành Y Đa khoa năm  nay có  mức điểm chuẩn 26,75; Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng năm nay lấy ngành Y Đa khoa 24 điểm; Trường ĐH Y Dược - Đại học Thái Nguyên năm nay lấy ngành Y Đa khoa 24,75 điểm, ngành Dược 24,5 điểm...

Ngay lập tức, mức điểm chuẩn 18 cho cả 2 ngành Y đa khoa, Dược học của đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vấp phải làn dư luận gay gắt.

"Đáng lo ngại!"

Trao đổi với PV báo Phụ nữ TP, HCM, chiều 15/8, ông Nguyễn Văn Đăng ( BSNT Bệnh viện Đại học Y, kiêm GV khoa Ung thư, ĐH Y Hà Nội) đã bày tỏ ý kiến xung quanh "câu chuyện đào tạo bác sỹ".

"Hiện nay, ở các nước trên thế giới, xu hướng đào tạo đa ngành nghề của Trường ĐH là phổ biến. Chúng ta có thể thấy các Đại học lớn như Harvard, Cambridge, Oxford đều là các trường đào tạo đa ngành nghề. Trong các trường Đại học sẽ có các Trường Cao đẳng, các Viện – Trung tâm nghiên cứu, các bệnh viện… để phục vụ cho công tác đào tạo, thực hành với đa dạng các ngành nghề.

Thế nhưng, ở Việt Nam, nếu xét theo đúng tiêu chuẩn thì có ít các trường được gọi là Đại học đúng nghĩa như Đại học Quốc Gia Hà nội, Quốc gia TPHCM. Còn đại đa số các trường chỉ là các trường Cao đẳng vì mô hình, quy mô tổ chức đơn giản và chỉ đào tạo theo từng nhóm ngành nghề đặc thù: nhóm kỹ thuật, nhóm kinh tế, nhóm Y – Dược.

Bản thân tên gọi của Trường cũng đã thể hiện điều đó. Vì thế, phát triển mở rộng các chuyên ngành đào tạo của một số trường hiện nay là phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới. Trong trường Kỹ thuật có đào tạo kinh tế, trong trường kinh tế lấn sân sang đào tạo ngành Y… ", bác sĩ Đăng cho biết.

Mặc dù, xu thế chung của thế giới là vậy, tuy nhiên, theo ông Đăng, mô hình phát triển đó chưa thể ngay một lúc phù hợp với Việt Nam hiện nay.

"Trong một thời gian dài, các Trường Đại học của Việt Nam phát triển đào tạo theo từng nhóm ngành nghề đặc thù. Để có thể phát triển thành các Trường Đại học đa ngành nghề đòi hỏi rất nhiều yếu tố quan trọng: cơ sở vật chất phù hợp, đội ngũ giảng viên có trình độ, cơ sở thực hành đảm bảo…

Tất cả những yếu tố đó không thể đảm bảo trong một lúc mà là cả một quá trình chuẩn bị dài. Đặc biệt, không thử nghiệm với ngành Y. Có thể thử nghiệm cách phát triển thành ĐH đa ngành nghề như các nước. Tuy nhiên, hãy từng bước thử nghiệm với các ngành khác trước tiên, không phải là ngành Y", ông Đăng nhấn mạnh.

Bởi lẽ, theo Bác sĩ Đăng, ngành Y là một ngành khoa học đặc thù, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Qúa trình để đào tạo thành một Bác sĩ vô cùng khó khăn, vất vả. Đòi hỏi chất lượng đầu vào của sinh viên cao, khả năng tiếp thu tốt, tính kiên trì, phấn đấu bền bỉ,  trình độ của đội ngũ giảng viên phải giỏi kiến thức lẫn kinh nghiệm, cơ sở vật chất phải đảm bảo đặc thù cho quá trình thực hành như: nhà xác để thực tập giải phẫu, động vật để làm thí nghiệm, mô hình bệnh nhân để thực hành tiêm truyền, thăm khám…

Và đặc biệt quan trọng là các bệnh viện thực hành phải đảm bảo chất lượng chuyên môn tốt, đa dạng các mặt bệnh để sinh viên được tiếp cận và học tập bài bản. Do vậy, để đảm bảo các yếu tố có thể đào tạo trong ngành Y là việc làm khó khăn, không đơn giản. Thậm chí ở một số nước, trước khi thi vào ĐH Y, bạn bắt buộc phải tốt nghiệp một trường ĐH khác, ví dụ như ở Mỹ.

"Gần đây, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ có tuyển sinh đào tạo Bác sĩ... Xét về chất lượng của sinh viên KDKN về các ngành thế mạnh của trường thì vẫn còn thấp kém so với các trường khác cùng khối đào tạo. Vậy tại sao không tập trung đào tạo các ngành thế mạnh cho thật tốt, trước khi chuyển sang đào tạo một lĩnh vực chuyên ngành khác?

Ở nước ngoài, tuy là các Trường được đào tạo các ngành nghề. Nhưng họ có hệ thống tiêu chuẩn đầu ra rất tốt và chung cho cả một hệ thống. Đầu vào có thể thoải mái, nhưng đầu ra thắt chặt và đảm bảo. Ở Việt Nam chưa có điều này, cơ bản là đã thi đỗ vào ĐH là ra trường được, hoặc ở tỷ lệ rất cao. Chất lượng đầu ra không theo quy chuẩn chung nào, chỉ theo quy chuẩn của chính trường đó đề ra, giống như vừa đá bóng vừa thổi còi.

Như vậy, sẽ rất lo ngại nếu 6 năm nữa, sẽ có một lượng Bác sĩ của trường Kinh doanh công nghệ ra trường. Tuy cùng là Bác nhưng chắc hẳn trình độ của họ sẽ khác xa các Bác được đào tạo từ các Trường Y danh tiếng khác. Và nếu như vậy, việc đào tạo Bác sĩ sẽ trở thành đại trà? Đó là việc làm hết sức nguy hiểm".

Trường Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội đã tuyển sinh và sẽ đào tạo: Nên làm gì?

Kì thi ĐH-CĐ là một kì thi, điểm số chỉ là kết quả của kì thi đó. Không bàn đến việc chất lượng kì thi, sự trung thực ở đây. Nhưng, điểm số không đơn giản chỉ là kết quả kì thi, điểm số phản ánh cả một quá trình học tập, rèn luyện của thí sinh đó. Thông qua điểm số, có thể đánh giá được trình độ, phẩm chất của thí sinh.

"Tôi chắc chắn rằng bạn đạt được 27 điểm để vào Y Hà Nội sẽ hơn hẳn bạn 18 điểm vào trường Kinh doanh Công nghệ ở các điểm: Sự cần cù chăm chỉ, cẩn thận, tỉ mỉ, quá trình học tập nghiêm túc, kỉ luật, sự quyết tâm cao độ… Đó chẳng phải là những đức tính hết sức quý báu và cần thiết để trở thành một Thầy thuốc tốt hay sao?

Có bạn sẽ nói rằng, sau khi vào Trường, nếu học chăm chỉ, cố gắng, các bạn 18 điểm sẽ có thể học tốt, có trình độ như các bạn 27điểm. Xin thưa ngay rằng, đó chỉ là con số rất rất nhỏ. Trong suốt 12 năm học, với thái độ học tập như vậy, thì liệu sau 6 năm với kiểu đào tạo Đại học ở Việt Nam, các bạn có thể có bước thay đổi vượt bậc hay không? Vô cùng khó, và nếu bạn bị ốm, bạn sẽ gửi gắm sức khỏe của bạn cho Bác sĩ 18 điểm hay Bác sĩ 27 điểm", ông Đăng đặt câu hỏi.

Đưa ra một loạt những điểm "còn khó" trước mắt tuy nhiên dù sao thì trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng đã tuyển sinh và họ sẽ đào tạo. Không thể thay đổi quyết định này, đồng nghĩa với việc chúng ta cũng sẽ chấp nhận việc 6 năm nữa sẽ có một thế hệ Bác sĩ như thế. Vậy, nên làm gì?

"Hãy xây dựng một tiêu chuẩn đầu ra chung cho cả hệ thống. Có thể đào tạo ở bất cứ trường nào, nhưng phải trải qua một kì thi, một kì khảo sát chất lượng chung trước khi trở thành Bác sĩ. Điều đó sẽ đảm bảo tính công bằng và thiết thực. Đó là việc của các ban ngành, việc vĩ mô.

Việc mà các bạn sinh viên chúng ta hiện nay là hãy cố gắng học tập hết mình. Kỳ thi đã qua, không nên ngủ quên trên chiến thắng mà hãy bắt đầu một thử thách mới khó khăn hơn. Chính năng lực, trình độ thực tế của bạn sẽ quyết định tương lai của bạn chứ không đơn giản là điểm thi Đại học hay trường mà bạn được đào tạo...", ông Đăng nói.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI