Trái tim được coi là bộ phận quan trọng nhất của con người vì nó có vai trò bơm máu đi nuôi các bộ phận khác của cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được việc chăm sóc và bảo vệ trái tim của mình, để đến khi bị các bệnh về tim mạch thì lúc đó đã quá muộn.
Dưới đây là danh sách những thói quen xấu hầu hết ai cũng mắc phải cần bỏ ngay để duy trì một trái tim khỏe mạnh.
1, Ngồi nhiều giờ liên tục
Ngồi nhiều giờ liên tục làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tiến sĩ Harmony R. Reynolds, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng tim mạch thuộc Trung tâm y tế Langone, New York, Mỹ cho biết, ngồi nhiều, thiếu vận động có thể ảnh hưởng đến nồng độ chất béo và đường trong máu. Tiến sĩ Reynolds khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe quả tim, trong lúc làm việc, thỉnh thoảng nên đứng lên và đi bộ xung quanh vài vòng.
2, Không kiểm soát được trầm cảm
Bạn đang cảm thấy căng thẳng, bực bội và chán nản? Điều này có thể tác động xấu đến tim bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh những người hay bị stress rất dễ bị bệnh tim. Hãy nhanh chóng xử lý những cảm xúc để bảo vệ sức khỏe cho tim. Nghiên cứu cho thấy tiếng cười và các tương tác xã hội giúp ích rất nhiều trong việc kiềm chế căng thẳng.
3, Ngủ ít
Thiếu ngủ có thể dẫn đến mất ngủ. Thêm vào đó, thiếu ngủ còn dẫn đến sự mất cân bằng nội tiết tố, không những làm bạn ăn nhiều hơn mà còn ảnh hưởng đến trái tim của bạn. Mức độ hormone gây stress cũng tăng lên do thiếu ngủ, và các tác dụng phụ của sự căng thẳng đã được trình bày chi tiết ở trên. Để có một trái tim khỏe mạnh, người trưởng thành nên ngủ khoảng 7 – 8 giờ mỗi đêm.
4, Lười đánh răng
Nghe thì có vẻ vô lý nhưng sức khỏe tim mạch cũng có liên quan đến sức khỏe của răng của bạn. Răng đóng một vai trò lớn với sức khỏe tổng thể hơn bạn nghĩ. Việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên đảm bảo làm sạch khoang miệng và răng, bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm trùng vi khuẩn trong miệng có thể xâm nhập vào tim. Vì vậy, duy trì vệ sinh răng miệng để có một trái tim khỏe mạnh.
5, Xem tivi quá nhiều
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí về bệnh tim mạch của Mỹ cho thấy, những người xem ti vi hơn 2 giờ mỗi ngày làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người ngồi trước màn hình từ 2 tiếng mỗi ngày tăng 48% nguy cơ tử vong do tim mạch. Còn những người ngồi lâu hơn 4 tiếng mỗi ngày thì những nguy cơ về tim mạch tăng khoảng 125%.
6, Không ăn đủ rau xanh, trái cây
Chúng ta đều biết, trái cây rau quả là những thực đơn quan trọng giúp duy trì sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu chứng minh, những người tiêu thụ trên 5 khẩu phần trái cây, rau xanh mỗi ngày thì nguy cơ bị đột quỵ giảm rất nhiều so với những người không ăn hoặc ăn quá ít (1 khẩu phần tương đương 1 trái táo to, hoặc 1 quả chuối). Thậm chí Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) còn khuyến cáo mọi người nên ăn 5-13 khẩu phần mỗi ngày.
7, Dùng quá nhiều muối
Mặc dù muối đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh (giới hạn tối ưu 180 mg đến 500 mg/ngày), và rất cần cho cơ thể nhưng một khi lạm dụng, vượt quá ngưỡng cho phép sẽ trở nên độc hại và nguy hiểm cho cơ thể. Chưa hết, nó còn tăng áp lực cho tim do phải khử độc tố cho cơ thể, phát sinh bệnh cao huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ hoặc suy tim. Theo khuyến cáo của Viện Y học Hoa Kỳ (IOM), nhu cầu muối (sodium) là 1.500 mg/ngày, không nên vượt quá 2.300 mg/ngày.
8, Dùng quá nhiều rượu
Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ đột quỵ giảm ở nhóm dùng một hoặc hai ly rượu vang mỗi ngày so với những người không hề uống gì, hoặc uống với số lượng quá lớn. Lạm dụng và sử dụng rượu dài kỳ có thể gây bất lợi cho tim, như tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ và gây suy tim.
9, Hút thuốc hoặc sống chung với người hút thuốc
“Hút thuốc lá được xem là thảm họa cho trái tim”, Tiến sĩ Ostfeld cho biết. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ máu vón cục, khiến máu không thể lưu thông tới tim và góp phần gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Ngoài ra, những người sống trong môi trường khói thuốc cũng bị ảnh hưởng. Thực tế đã có 46.000 người hút thuốc thụ động chết do các bệnh về tim mỗi năm.
10, Ngáy ngủ
Ngáy khi ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo một chứng bệnh nguy hiểm: ngưng thở khi ngủ. Rối loạn này đánh dấu bằng hơi thở bị gián đoạn trong khi ngủ, có thể làm huyết áp tăng vọt. Hơn 18 triệu người Mỹ trưởng thành bị chứng ngưng thở khi ngủ, làm tăng nguy cơ bệnh tim. Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn ngáy và thường thức dậy cảm thấy mệt mỏi, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm hướng xử lý.
11, Ăn quá nhiều
Thừa cân là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim. Thực tế có 72% nam giới và 64% phụ nữ ở Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì. Cố gắng ăn ít và thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc để tránh tăng cân. Các chuyên gia khuyến cáo để giảm cân, cần cắt bớt lượng carbohydrate cao trong thực đơn hằng ngày và chọn các loại thực phẩm chứa ít chất béo.
12, Ăn nhiều thịt đỏ
Thỉnh thoảng ăn thịt đỏ tốt cho sức khỏe, nhưng ăn thường xuyên sẽ gây hại cho tim. Thịt đỏ chứa chất béo bão hòa, và cũng có bằng chứng cho thấy thịt chế biến, chẳng hạn như thịt xông khói và xúc xích, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và ung thư trực tràng.
13, Không kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Nhiều người bị bệnh tim nhưng lại không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, nếu không đi khám định kỳ đầy đủ rất khó phát hiện bệnh. Tốt nhất ngay từ năm 20 tuổi, nên chủ động hơn trong việc kiểm tra sức khỏe. Nên kiểm tra lượng cholesterol 5 năm/lần, kiểm tra huyết áp ít nhất 2 năm/lần… Nếu chúng tăng cao, bạn có nguy cơ bị những “kẻ giết người thầm lặng” (bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường) tấn công.
14, Thiếu vận động
Ít tập thể dục là nguyên nhân cơ bản của bệnh tim, chưa kể những người không tập thể dục thường xuyên có nhiều nguy cơ phát triển cả bệnh tiểu đường loại 2. Càng ít vận động càng có nhiều khả năng tăng cân, và cân nặng quá nhiều chính là nguyên nhân phá hủy trái tim của bạn, có thể diễn ra chậm nhưng chắc chắn. Ngoài việc nhiều người xem TV hàng tiếng đồng hồ, chúng ta còn có thói quen xấu là liên tục ăn đồ ăn vặt các loại.
15, Tức giận quá mức
Tức giận ở ngưỡng “ôn hòa” thì có lợi, giải pháp tốt để “xả stress” và áp lực tinh thần, nhưng nếu thường xuyên và “thái quá” có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh bệnh tim. Khi tức giận không kìm chế, kéo dài và cảm giác bị đè bên trong, sẽ làm tăng stress, gây suy tim và gia tăng nguy cơ đột quỵ hoặc các chứng bệnh nan y khác.
16, Ăn quá nhiều thức ăn nhanh
Các dạng đồ ăn nhanh như bánh mì hamburger, gà rán, khoai tây chiên cung cấp hơn 1.800 kcal, tương đương lượng calo cần thiết cho cả một ngày làm việc. Bạn sẽ thừa năng lượng cung cấp cho cơ thể và thừa cân nếu ăn thêm chúng trong ngày.
Hơn nữa, thức ăn nhanh có ít chất xơ và vitamin. Chỉ vài cọng xà lách, vài lát cà chua chắc chắn không đủ cho nhu cầu trung bình của cơ thể, hậu quả là có thể gây táo bón. Trong khi đó, loại thức ăn này lại có quá nhiều muối, nếu tích lũy lâu ngày rất hại cho thận và tim.
Do đó để duy trì một trái tim mạnh khỏe ngay từ hôm nay bạn hãy thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh lý nếu có.
Trịnh Tuyển (Theo Heath)