17 năm tự tay xây cho mình 'ngôi nhà sinh thái'

20/02/2015 - 07:09

PNO - PN - Một người dân quê vào Sài Gòn lao động kiếm sống vất vả mà mua được đất, cất được nhà lầu là chuyện lạ. Lạ hơn là ngôi nhà một trệt, hai lầu rưỡi do chủ nhà tự tay xây dần từng viên gạch trong...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngôi nhà sinh thái

Sau nhiều lần hẹn, tôi tới chơi nhà ông trong một con hẻm nhỏ trên đường Đình Nghi Xuân (Q.6) vào một buổi chiều cuối tuần. Con hẻm chật chội, nóng bức nhưng chúng tôi dễ dàng nhận ra ngôi nhà của ông, vì nó được che phủ “từ chân đến đầu” bởi một giàn bông giấy đỏ rực. Cơn mưa cuối mùa vừa đi qua khiến mấy chú sáo, cưỡng trong lồng treo trước cửa thêm rạo rực. Đang hót véo von bỗng chúng trầm giọng nói câu “chào khách, chào khách” khi chúng tôi dừng bước ở cửa.

17 nam tu tay xay cho minh 'ngoi nha sinh thai'

Ông Phạm Kỳ Anh

Ông Anh pha trà mời chúng tôi. Hết chén trà, ông dắt chúng tôi lần lượt tham quan ngôi nhà từ tầng trệt. Không sang trọng bởi vật liệu ông sử dụng đều là đồ phế liệu, nhưng hợp lý và vui mắt. Với diện tích 48m2 (4,8m x 10m), căn nhà bố trí hai phòng ngủ lệch hẳn về một bên, diện tích còn lại là không gian sinh hoạt chung kết nối với không gian ngoài trời. Từ tầng trệt lên tầng ba, chúng tôi đếm có khoảng 20 lồng chim, với đủ các loại, từ chim quyên, chích chòe, chào mào, cu, cưỡng, chìa vôi... Đi đến đâu cũng nghe tiếng chim hót rộn ràng.

Thấy chúng tôi trầm trồ vì giàn bông giấy, ông Anh nói ông yêu bông giấy, loại bông đỏ thắm bốn mùa, giúp xua tan bao nỗi nhọc nhằn của cuộc sống. Cho nên, khi ngôi nhà bắt đầu được khởi công thì cũng là lúc ông trồng hai cây bông giấy phía trước và sau nhà. 17 năm tuổi, hai cây bông giấy vươn cao, giúp che nắng và làm duyên cho ngôi nhà từ dưới đất lên đến sân thượng. Thiên nhiên như được kéo về. Biết bao mùa chim về xây tổ, ong về làm mật trên giàn bông giấy nhà ông Anh. Bạn bè gọi đó là “căn nhà sinh thái” nên thỉnh thoảng vẫn kéo nhau đến uống trà và tận hưởng sự bình yên.

Con người yêu lao động

Ông Anh sinh năm 1953, lớn lên, lập gia đình và sinh bốn đứa con tại thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Cả cha mẹ già, nhà có tám nhân khẩu, ông làm thợ hồ, vợ ông là giáo viên tiểu học, bốn đứa con vừa đi học vừa tranh thủ chăn trâu, cày cấy, nhưng khéo lắm cũng chỉ đủ ăn. Năm 1993, con đầu Phạm Huy Khanh học hết lớp 12 nhưng gia đình túng bấn đến mức không có tiền cho con đi thi đại học.

Nếu cứ tiếp tục “ăn quẩn cối xay” thì chẳng những đứa lớn không có tương lai mà ba đứa em cũng sẽ đi vào ngõ cụt. Nghĩ vậy, ông quyết chí rời quê vào Sài Gòn với suy nghĩ ban đầu: ở quê đi xây mỗi ngày được 9.000đ, nhưng không bao giờ làm được đủ 30 ngày mỗi tháng, nếu vào Sài Gòn mà kiếm được 300.000đ/tháng là thành công.

Ông đã gặp may khi xin được một chân phụ bếp ăn bán trú tại Trường THCS Bán công Lam Sơn (Q.6) và được trả lương đúng 300.000đ/tháng khi còn chân ướt chân ráo. Vài tháng sau, do nhà trường khuyết một chân bảo vệ nên ông được đưa ra thế chỗ. Vốn là người hay lam hay làm, nên ngoài việc gác cổng, ông đã giúp trường làm đủ mọi việc để vừa cống hiến vừa kiếm thêm thu nhập.

Ông Trường Chiến, cùng tổ bảo vệ với ông Anh trong suốt 20 năm qua, kể lại: “Ông Anh làm được rất nhiều việc, từ móc cống, san lấp ao hồ, sửa chữa bàn ghế, đến xây tô, lót gạch, sơn nước… Có hôm ông nhận san lấp một cái ao trong trường. Nhìn đống xà bần cao ngất tui nghĩ bụng không biết ông khuân vác chừng nào mới xong. Ấy vậy mà ông đã dùng một mảnh tôn chế thành chiếc máng kéo và kéo từ sáng đến tối là hoàn thành công việc”. Nhưng đến sáng kiến cải tiến “máy khoan thành máy cưa” của ông Anh thì mọi người mới thật sự ngạc nhiên.

17 nam tu tay xay cho minh 'ngoi nha sinh thai'

Chim về làm tổ ở vườn nhà

Chuyện là trường mới thành lập, bàn ghế HS chủ yếu là đồ phế thải từ các trường tiểu học mang về nên khi HS THCS ngồi vào, đầu gối thường đụng cạnh bàn. Trong lúc hiệu trưởng còn đang bối rối thì ông Anh đề xuất phương án “nối chân bàn”. Nhưng nối chân cho cả ngàn chiếc bàn thì phải đo cắt vài ngàn khúc gỗ. Máy cưa đâu để cắt? Ông Anh đã tìm cách gắn lưỡi cưa tròn vào đầu chiếc máy khoan tay, cố định máy khoan phía dưới mặt bàn, để lưỡi cưa nhô lên trên và chế thêm cái công tắc thành chiếc cưa máy. Sáng tạo lợi hại này đã giúp trường đẩy nhanh tiến độ sửa chữa bàn ghế phục vụ năm học mới.

Trong trường, mọi người nhờ vả việc gì ông cũng vui vẻ nhận lời. Nhờ vậy, ông được yêu mến, và có thêm nhiều việc để làm. Năm 1995, hiểu hoàn cảnh của ông, một giáo viên trong trường bán thiếu cho ông mảnh đất 40m2

với giá bốn cây vàng, đồng thời cho ông thêm 8m2. Món nợ này ông phải trả dần trong ba năm mới dứt.

17 năm xây nhà bằng… phế liệu

Cuối năm 1997, trả hết tiền đất, ông bắt đầu xây dựng ngôi nhà của mình. Đầu tiên, ông đúc móng. Sau đó, ông đổ từng cây cột. Khi đã dựng xong cột, ông lợp mái tôn để lấy chỗ che mưa, che nắng, rồi mới xây dần các bức tường. Vài năm sau, khi đã tích cóp được ít tiền, ông dỡ mái tôn đổ một nửa tấm sàn. Vài năm sau lại đổ nửa tấm sàn còn lại. Cứ thế, một mình ông túc tắc uốn từng thanh sắt, vác từng bao xi măng, rửa từng xô đá, trộn từng thau bê tông, đổ dần từng cây cột, xây dần từng viên gạch theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Cho đến giữa năm 2014, tức sau 17 năm thì căn nhà một trệt, hai lầu rưỡi của ông tương đối hoàn thiện.

Một người dân quê vào Sài Gòn lao động kiếm sống vất vả mà mua được đất, cất được nhà lầu là chuyện lạ. Lạ hơn khi ngôi nhà một trệt, hai lầu rưỡi do chủ nhà tự tay xây dần từng viên gạch trong suốt 17 năm trời. Ngôi nhà gần gũi với thiên nhiên đến mức chim về xây tổ, ong về làm mật. Nhưng lạ và “độc” hơn hết là phần lớn vật liệu dùng làm nên ngôi nhà đều là đồ phế liệu!

Vào những năm 2006-2007, Trường THCS Lam Sơn lần lượt thay bàn ghế mới. Những chiếc bàn được ông “nối chân” năm nào cùng nhiều món đồ cũ dần bị loại thải. Là người có óc sáng tạo, ông Anh đã xin gom toàn bộ đống phế liệu mang về tận dụng làm nhà mình. Mặt bàn rộng, ông cắt ra làm bậc cầu thang.

Mặt ghế nhỏ nhưng dài, ông dùng đóng những chiếc giường nằm, vách ngăn, hoặc những chiếc tủ kệ xinh xắn. Chân bàn, ông tận dụng làm tay vịn cầu thang. Những khúc gỗ nhỏ ông để dành lát sàn… Ngay cả những ô cửa sổ trông rất đẹp cũng là đồ phế thải được “mông má” lại. Với ông, cái gì cũng có thể sử dụng được. Ngay như vỏ lon bia, ông cũng tận dụng để làm thành một bức vách lạ mắt.

17 nam tu tay xay cho minh 'ngoi nha sinh thai'

Con cháu hoặc người làng từ quê vào Nam đi học, đi làm kiếm sống, khi chưa tìm được công ăn việc làm, chỗ ở, ông đều đùm bọc cưu mang một cách vô tư. Số con cháu và người làng đã từng ở nhà ông, ông không thể nhớ hết.

Người hào phóng

Là người lượm lặt phế hiệu về xây nhà mình, nhưng ông Anh lại là người hào phóng. Con cháu hoặc người làng từ quê vào Nam đi học, đi làm kiếm sống, khi chưa tìm được công ăn việc làm, chỗ ở, ông đều đùm bọc cưu mang một cách vô tư. Số con cháu và người làng đã từng ở nhà ông, ông không thể nhớ hết. Con trai lớn của ông là thầy giáo Phạm Huy Khanh - kể: một thời nhà anh như... trại tị nạn, vì lúc nào cũng có bảy-tám đứa cháu và người làng tá túc.

Chúng tôi đem câu chuyện trên hỏi ông, ông nói: “Mình cũng phải rời xa quê hương đi kiếm ăn, từng gặp khó và được người đời đùm bọc, giúp đỡ. Khi mình giúp đỡ con cháu thì cũng như người khác giúp mình”. Có điều, con cháu hễ ở nhà ông là phải nghe lời ông: sống phải có mục đích; đi phụ hồ một ngày được bao nhiêu, tiêu hết bao nhiêu, còn bao nhiêu thì phải để dành và phải đặt mục tiêu trong bao lâu thì phải thành thợ; từng người, phải thay phiên nhau dậy sớm nấu cơm, ăn cơm ở nhà và bới cơm đi ăn trưa để tiết kiệm chi tiêu...

Hai anh em Phạm Văn Thái và Phạm Văn Tuấn được ông nuôi ăn học suốt bốn năm trời, nay Thái làm thầy giáo ở Long An, còn Tuấn thành thợ mộc giỏi. Chậm chạp như Nguyễn Hữu Tâm, ông nhận làm con nuôi và ở với ông 10 năm trời từ khi bắt đầu vào làm phụ hồ, nay cũng thành thợ xây và có nhà cửa ổn định.

Đến tháng 9/2014, sau 20 năm làm việc cật lực, ông nghỉ hưu, mỗi tháng được hưởng 2,4 triệu đồng, gồm cả 700.000đ tiền bảo hiểm tai nạn (hồi còn làm bảo vệ, trong lúc làm việc ông bị tai nạn gãy cổ xương đùi, thương tật 41%). Không nhiều nhưng với một người lao động như ông, chuyện được lãnh lương hưu tựa một giấc mơ.

Ông ít nhắc đến vợ, vì vợ ông - cô giáo Nguyễn Thị Soa đã đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh vào năm 2007, nhưng trên bàn thờ vợ, ngoài di ảnh, ông còn trân trọng lọng kính một bức thư của bà viết cho ông trong những năm ông xa vợ con vào Sài Gòn khởi nghiệp: “Hôm nay là chiều mùng Năm. Ở ngoài này, trời nóng bức, ve sầu ngân nga cả buổi trưa. Bé Sa và bé Sương đã về ngoại từ chiều hôm qua. Kha đi chơi. Trong nhà chỉ còn lại mình em. Buổi chiều xuống thật chậm. Vắng vẻ và buồn lắm anh ạ. Em ngồi một mình ở nhà và nhớ lại những ngày xưa - những ngày gia đình đoàn tụ - như một giấc mơ. Những gì qua đi không bao giờ tìm lại được, đúng thế. Có chăng chỉ tìm lại được trong những giấc mơ, rồi nhìn lại thực tại mình cảm thấy tiếc nhớ - ngẩn ngơ - một thời”.

MINH NHẬT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI