17 năm gắn bó với những phận đời khó khăn

12/08/2020 - 07:43

PNO - Sáng 9/8, sau khi đưa con gái đến trường thi tú tài, chị Trần Thị Hồng Phượng vội quay trở về khu phố 4, thị trấn Nhà Bè, H.Nhà Bè để cùng chị em trồng hoa, làm đẹp cho tuyến hẻm.

Thử sức mình

Chủ nhật cuối tuần, dù bận bịu đến đâu, chị Phượng và chị em trong khu phố vẫn dành 15 phút để tổng vệ sinh, chăm chút cho các con hẻm trên địa bàn. 

Khu phố 4 là địa bàn có nhiều người nhập cư, những năm trước 2016, đường, hẻm xuống cấp. Hội LHPN thị trấn Nhà Bè đã cùng các cấp chính quyền vận động người dân góp đất, góp công mở đường, mở hẻm, nhờ vậy mà đường đi lối lại ngày càng thuận tiện, khang trang.

Sinh ra và lớn lên ở khu vực này, chị Phượng thấm thía chuyện đường sá xuống cấp, ô nhiễm… Bởi vậy, khi hẻm được làm mới, chị liền rủ rê chị em giữ gìn các con hẻm ngày càng thêm sạch đẹp. Mỗi tuần dành 15 phút chăm chút cho con hẻm đã được thực hiện suốt hai năm qua. Cứ vào 6g20 sáng Chủ nhật, các chị lại tay chổi, tay xẻng, tay ky hốt rác… cùng nhau dọn dẹp, trồng thêm cây, thêm hoa cho các con đường, tuyến hẻm.

Năm 2019, hẻm 90 đường Dương Cát Lợi của khu phố 4, thị trấn Nhà Bè được công nhận là tuyến hẻm “văn minh - sạch đẹp - an toàn”. Năm 2020, các tuyến hẻm 17, 54, 76 trên các con đường nối liền khu phố 4 cũng được Chi hội Phụ nữ khu phố 4 và nhân dân chăm chút với cây xanh, cổng chào, cờ, hoa. 

Có việc gì cần, bà Hoàng Thị Dung, 78 tuổi, lại nhờ đến chị Phượng
Có việc gì cần, bà Hoàng Thị Dung, 78 tuổi, lại nhờ đến chị Phượng

Chị Phượng sinh năm 1971, đi lại khó khăn do di chứng sốt bại liệt từ khi 4 tuổi. Lớn lên, chị được mẹ cho học nghề may. 18 tuổi, tốt nghiệp phổ thông, chị mở tiệm may Hồng Phượng trước nhà. Nghề may tuy không giàu có nhưng đã giúp chị vượt qua từng chặng khó của cuộc đời.

Năm 2002, khi con gái ra đời thì chồng chị bỏ đi không lời từ biệt. Sợ con gái buồn, mẹ chị khuyên con hãy mở lòng ra mà sống. “Và trong những ngày tháng khó khăn đó, cô chi hội trưởng phụ nữ và anh công an khu vực đã đến nhà rủ tôi tham gia việc Hội Phụ nữ. Tôi do dự, nhưng mẹ tôi động viên. Thế là tôi thử sức”. Vậy là Chi hội Phụ nữ khu phố 4, thị trấn Nhà Bè có thêm cô hội viên tích cực Trần Thị Hồng Phượng.

Ban đầu chị theo phụ việc cô Lai là Chi hội trưởng Phụ nữ lúc bấy giờ. Rồi từ từ cô Lai chủ động lui về sau, nhường hết việc cho chị Phượng. Thấy chị làm mọi việc đều trơn tru nên chị em đã tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng.

Làm được việc gì có ích cho đời là mãn nguyện

Mười bảy năm gắn bó với hoạt động Hội Phụ nữ là 17 năm chị Phượng gắn bó với những phận đời khó khăn. Chị em rạn nứt chuyện hôn nhân hay buồn vui về con cái, mẹ chồng nàng dâu… đều tìm đến chị để được giãi bày, khuyên nhủ. Nhiều phụ nữ đơn thân, không người nương tựa, tiếp sức, cũng tìm đến chị để được tiếp cận với các nguồn vốn vay và tìm hướng mưu sinh…

Nói thì dễ, nhưng hành trình gắn kết chị em của chị Phượng không hề đơn giản. Chị kể: “Khi được tôi rủ rê vào Hội, nhiều chị em lại nghĩ tôi sẽ được lợi gì từ họ nên thẳng thừng từ chối. Thế là tôi tìm cách kéo việc Hội như trao học bổng, trợ vốn, giúp sửa chữa nhà… cho các gia đình gần nhà chị em. Chị em thấy việc Hội có nhiều ý nghĩa nên đã tìm đến”.

Là người từng “né” chị Phượng vì sợ “bị” mời vào Hội, bà Lưu Thị Bé kể: “Tôi cứ nghĩ cổ rủ vào Hội để có thêm người… đóng hội phí cho cổ đủ chỉ tiêu. Nào ngờ việc cô Phượng giúp chị em lao động nghèo tụi tôi lớn gấp ngàn lần chuyện đóng hội phí”. Bà Bé sống một mình và bán vé số kiếm cơm qua ngày. Năm 2019, bà bị tai nạn, gãy chân, phải nằm một chỗ. Lúc mọi thứ còn chưa biết xoay xở ra sao thì chị Phượng hay tin và tìm tới khi bà Bé nằm chơ vơ trên chiếc chõng giữa căn chòi chằng chống khắp nơi.

Không nghĩ nhiều việc bà Bé có là hội viên hay không, chị Phượng đến nhà các Mạnh Thường Quân tỉ tê về hoàn cảnh bi thương của bà Bé. Thế là chi hội không những có tiền lo cho bà Bé trị bệnh mà còn đủ tiền xây lại cho bà căn nhà. Lành bệnh, bà Bé xin nhập Hội.

Làm được những việc có ý nghĩa, chị Phượng lại có thêm niềm vui trong công việc của mình. Ngoài việc tổng vệ sinh phố phường hằng tuần, hằng quý chị em trong Chi hội khu phố 4 còn thực hiện bữa ăn dinh dưỡng cho người già, hằng năm đều trao học bổng và trợ vốn cho hội viên và con em hội viên khó khăn…

Khu phố có 5 người già neo đơn, không nơi nương tựa, chị Phượng xem đó là đối tượng cần quan tâm rồi phân chia cho các tổ phụ nữ cùng chung vai chăm sóc. Riêng chị nhận đỡ đần bà Hoàng Thị Dung, 78 tuổi, ở tổ 10. Bà Dung đi giúp việc cho một gia đình từ nhỏ. Cách đây 6 năm, khi bà đã già yếu thì chủ dọn nhà đi nơi khác, để bà ở lại sống trong chái bếp cũ. 

Biết bà Dung sống một mình với đủ chứng bệnh trong người, chị Phượng đã đến và trở thành người thân duy nhất của bà. Từ đó, cần gì bà lại kêu chị giúp. Vài ba ngày chị lại mang cho bà hộp cháo, túi bánh, ngồi nhìn bà ăn và nghe bà kể chuyện. Chị Phượng cũng đề xuất UBND thị trấn Nhà Bè xét cất nhà tình thương cho bà.

Chị Trần Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Nhà Bè - nhận xét: “Khi bà Dung có chuyện gì, việc đầu tiên bà con làm là báo cho chị Phượng. Và lúc ấy, dù nắng hay mưa, dù đêm hay ngày, đôi chân gầy gò, yếu ớt lại tất tả… Không máu mủ ruột rà, nhưng tình thương đã buộc chị gắn bó với những cảnh đời cơ nhỡ”. 

Nghe bà con láng giềng khen con gái yêu thương, chăm sóc người dưng, má chị Phượng mỉm cười: “Nó làm gì mà nó thấy vui và có ích cho đời là tôi mãn nguyện”. 

Hạnh Chi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI