17/71 tác phẩm của nhóm Đa diện bị loại khỏi triển lãm: Cần minh bạch hóa tiêu chí xét duyệt?

05/04/2021 - 06:55

PNO - 17/71 tác phẩm bị loại vì “chưa phù hợp với không gian trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM” khiến các họa sĩ thuộc nhóm Đa diện cảm thấy khó hiểu, thậm chí bức xúc.

“17/71 tác phẩm bị loại là quá nhiều”

Dự kiến, 11 họa sĩ tham gia lần này gồm chín họa sĩ đến từ Hà Nội (Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Tuấn Phong, Nguyễn Minh (Minh Phố), Nguyễn Huân, Chu Viết Cường, Dương Tuấn, Khổng Đỗ Duy, Nguyễn Mạnh Hùng), một họa sĩ ở Đồng Nai (Nguyễn Công Hoài), và một khách mời ở TP.HCM (Lương Lưu Biên).

Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đề nghị tổ chức triển lãm mỹ thuật với chủ đề Đa diện 5 của 11 họa sĩ trên, Hội đồng khoa học của Bảo tàng thống nhất “loại” 17 tác phẩm. Trong đó có bảy tác phẩm của Doãn Hoàng Lâm, ba tác phẩm của Nguyễn Huân, ba tác phẩm của Phạm Tuấn Phong và bốn tác phẩm của Nguyễn Công Hoài.Theo thư phúc đáp qua đường email, lý do mà phía bảo tàng đưa ra là “các tác phẩm của các tác giả trên chưa phù hợp với không gian trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM”.

Triển lãm của nhóm Đa diện diễn ra từ ngày 2 đến hết ngày 6 tháng 4 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM  với hơn 50 tác phẩm được trưng bày
Triển lãm của nhóm Đa diện diễn ra từ ngày 2 đến hết ngày 6 tháng 4 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM với hơn 50 tác phẩm được trưng bày

Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm cho biết, đây là triển lãm lần thứ năm của nhóm, cũng là lần đầu tiên nhóm có tranh bị loại: “Ví dụ với tranh của tôi, điều khó hiểu là, cũng là những tác phẩm đó, vẫn được duyệt ở những triển lãm khác diễn ra ở Hà Nội… Vấn đề nằm ở tác phẩm của chúng tôi, hay ở khâu thẩm định, xét duyệt?”.

Theo họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố), các triển lãm mà nhóm Đa diện đã thực hiện từ trước đến nay, thì nghệ sĩ chỉ cần nộp hồ sơ xin cấp phép lên Cục mỹ thuật và nhiếp ảnh. Tuy nhiên, theo quy định mới thì các nghệ sĩ sẽ gửi hồ sơ lên Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh (thành) để xin cấp phép; khi sở thông qua thì mang giấy phép đến các đơn vị tổ chức triển lãm và hợp tác ở khâu tổ chức. Nghĩa là, chỉ có một khâu thẩm định, cấp phép từ phía sở. Nhưng ở triển lãm lần này, phải qua một bước duyệt vòng một từ phía Hội đồng nghệ thuật Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, rồi mới qua vòng hai ở Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM. “Vậy hội đồng nghệ thuật của bảo tàng gồm những ai và tiêu chí duyệt là gì?”- họa sĩ Nguyễn Minh thắc mắc.

Minh bạch để hướng tới chuyên nghiệp

Triển lãm vẫn diễn ra bình thường như đã định (từ ngày 2/4 đến hết ngày 6/4). Lẽ ra, câu chuyện nên khép lại để mọi chuyện lần sau “đỡ căng thẳng hơn”. Tuy nhiên, họa sĩ Tào Linh - trưởng nhóm Đa diện, nói đây là một câu chuyện “cần phải nói ra, để hoạt động tổ chức triển lãm mỹ thuật ngày càng chuyên nghiệp hơn”.

Nhóm Đa diện bao gồm các họa sĩ hoạt động chuyên nghiệp nhiều năm nay. Triển lãm của nhóm từng diễn ra ở các địa điểm quen thuộc khác ở Hà Nội, trong đó có cả bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tại sao Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lại từ chối? Theo họa sĩ Tào Linh, lý do bảo tàng đưa ra khiến ông cảm thấy “không thỏa đáng và thiếu thuyết phục”.

“Nếu trong quá trình ký hợp đồng cho thuê địa điểm tổ chức, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nói rõ tiêu chí xét duyệt thì nhóm Đa diện hoàn toàn không có thắc mắc gì. Nhập gia tùy tục, chúng tôi chấp nhận thì làm. Tuy nhiên, chúng tôi không được trao đổi gì về những tiêu chí đó. Tất nhiên, đánh giá đẹp - xấu như thế nào cũng thuộc về cảm quan mỗi người. Song, những tiêu chí cơ bản - chẳng lẽ không gọi tên ra được? Chúng tôi cũng không biết tác phẩm như thế nào thì phù hợp hoặc không phù hợp với không gian trưng bày tại bảo tàng. Chưa kể, hội đồng khoa học gồm những ai? Đủ năng lực hay chuyên môn không? Chúng tôi cũng không được biết. Anh em họa sĩ có nhu cầu biết ai là người xét duyệt tác phẩm của mình cũng hoàn toàn chính đáng”- họa sĩ Tào Linh chia sẻ thêm.

Theo thông tư số 07/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thẩm quyền cấp phép triển lãm sẽ được giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (với các triển lãm có quy mô toàn quốc, ngành do cơ quan Trung ương tổ chức hoặc các triển lãm có yếu tố nước ngoài tổ chức) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với các triển lãm tại địa phương do cá nhân, nhóm cá nhân người Việt Nam hoặc người nước ngoài tổ chức hoặc do cơ quan trung ương, tổ chức nước ngoài tổ chức mà không thuộc thẩm quyền của bộ; hoặc đưa tác phẩm từ địa phương đi triển lãm tại nước ngoài không mang danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam do các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương thực hiện). Nghĩa là, trong chuyện này, về mặt thủ tục hành chính, chỉ có sở có chức năng, quyền hạn để cấp phép; còn bảo tàng chỉ là địa điểm cho thuê làm nơi trưng bày các cuộc triển lãm mà không phải thuộc bộ sưu tập của bảo tàng. Theo Luật di sản văn hóa, trong các quy định về nhiệm vụ của bảo tàng, cũng không có dòng nào nói về thẩm quyền cấp phép hoạt động triển lãm mỹ thuật.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Bảo tàng là một không gian văn hóa đặc biệt, sang trọng và đẳng cấp. Tác phẩm phải đạt đến một tiêu chuẩn thế nào mới được trưng bày ở đây. Vì thế, ở một góc nhìn khác, bảo tàng không phải là một đơn vị cho thuê địa điểm đơn thuần, chỉ cần bỏ tiền vào thì muốn bày cái gì cũng được. Việc sơ tuyển bước một từ phía bảo tàng cũng là điều dễ hiểu.  
Song, nói như họa sĩ Tào Linh, cần minh bạch hóa tiêu chí xét duyệt, để khi hợp tác với nhau tránh những khó hiểu không cần thiết. Cũng là để các hoạt động triển lãm mỹ thuật hướng tới con đường chuyên nghiệp hơn.

Đậu Dung

Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM nói gì?

Để giải đáp những thắc mắc của các họa sĩ, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã gặp gỡ ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Phóng viên: Với Đa diện 5 có 17/71 tác phẩm bị loại, số lượng này có quá nhiều không, thưa ông?

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM: Con số này là bình thường. Có những triển lãm, hội đồng chỉ chọn được hai đến ba tác phẩm trong số tranh gửi đến.

* Hội đồng dựa trên những tiêu chí cụ thể nào để chọn/loại tác phẩm?

- Nghệ thuật có những yếu tố phụ thuộc vào định lượng, định tính không thể cụ thể như khoa học. Như tác phẩm văn học, nghệ thuật thường mang tính định tính nhiều hơn. Chúng tôi là bảo tàng nhà nước nên có những nguyên tắc phải thực hiện theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thể tự do như các gallery (phòng triển lãm) ở ngoài. Cho nên, tranh được trưng bày trong bảo tàng phải phù hợp với không gian bảo tàng.

* Nhưng có phải hội đồng nên đưa ra tiêu chí cụ thể?

- Giống như các loại hình văn học nghệ thuật khác, quy định chung là tác phẩm không động chạm đến các vấn đề chính trị. Ngoài ra, theo các thành viên hội đồng, tác phẩm phải mang tính nghệ thuật, đẹp, phù hợp với không gian bảo tàng và được hội đồng nhất trí thông qua để trình xin giấy phép.

* Hội đồng xét duyệt gồm những ai, thưa ông?

- Có khoảng mười người bao gồm các thành viên lãnh đạo, các phòng chức năng, chuyên môn của bảo tàng.    

* Các tranh của Đa diện 5 bị loại vì các lý do nào?

- Tranh không hợp với không gian của bảo tàng. 

* Sự “không hợp với không gian bảo tàng”, nên cắt nghĩa như thế nào để hiểu cho đúng, thưa ông?

-  Điều này có thể tùy mỗi người cảm nhận.

* Nếu vậy, sự chủ quan sẽ phần nào đó ảnh hưởng trong các quyết định của hội đồng?

- Sự chủ quan sẽ xuất hiện nếu đó là quyết định của một người, còn với nhiều người, không thể xem là chủ quan. Ví như sự bầu chọn của tôi, cũng chỉ là một ý kiến trong một hội đồng. 

* Vậy tranh cần quá bán sự đồng ý sẽ được triển lãm?

- Đúng vậy, nhưng thường có khoảng 8/10 người đồng ý thì tranh sẽ được chọn. Việc này giống như công tác chọn tác phẩm xuất sắc để trao giải, giới thiệu, chỉ tác phẩm xuất sắc mới được giới thiệu, còn chưa đạt thì mang đi cất. 

Diễm Mi (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI