Lấy chồng được 9 tháng, chị Võ Trinh (33 tuổi, nhà ở TP.HCM) mang thai ngoài tử cung. Các bác sĩ phát hiện chị bị dị dạng đường sinh dục đến . Tử cung bên phải của chị còn có thêm một vách ngăn rất khó để mang thai.
Nghe bác sĩ giải thích 10 triệu người thì chỉ có 1 người mắc phải. Và điều không may này lại vận vào người chị. Nghĩ đến cơ hội làm mẹ rất mong manh, nhưng sự khát khao có con đến cháy bỏng, nên chị không chấp nhận bỏ cuộc.
Đi tìm con, người phụ nữ hóa thành chiến binh
Chính vì có hai tử cung nên chị trải qua 4 năm với 16 lần chuyển phôi, chị đối mặt với hành trình đầy máu, nước mắt, khủng hoảng tâm lý đến… điên dại. Cả gia đình chồng thương xót, ai cũng khuyên dừng lại, sẽ không ai ruồng bỏ chị, nhưng chị vẫn bước tiếp.
Tháng 9/2012, chị Trinh bắt đầu cuộc chiến tìm con.Lặng nhìn vào khoảng không, chị nói: “May mắn, chồng hiểu tôi, anh ấy luôn bên cạnh để vượt qua tất cả cung bậc cảm xúc, khó khăn trên con đường làm mẹ”.
Lúc đầu chị chọn một bệnh viện tư để “cầu con”. Chị cứ đinh ninh, trứng và tinh trùng của hai vợ chồng đều khỏe, chỉ cần thụ tinh trong ống nghiệm sau đó chuyển phôi là có con. Thế nhưng, trải qua 4 lần thụ tinh trong ống nghiệm liên tiếp, phôi vẫn không thành hình.
Thất bại não nề, thấy chị chịu nhiều đau khổ, các bác sĩ đã nói thật cho chị biết trường hợp của chị quá nặng, quá khó để đậu thai. Bác sĩ khuyên chị dừng lại vì sẽ rất tốn kém, về cả thời gian, tiền bạc lẫn sức khỏe. Những tưởng chị sẽ bỏ cuộc, vậy mà chị cứ van nài: “Bác sĩ đừng bỏ cuộc, em không muốn dừng lại lúc này.”
Lần chuyển phôi thứ 5, nghe tin mình đậu thai, chị chưa kịp vui cười thì bác sĩ thông báo chị bị thai ngoài tử cung, phải bỏ thai gấp. Trong lúc chờ đến lượt mổ, chị nhìn qua những bà bầu khác cứ ngồi xoa cái bụng to tướng của họ, chị rơi nước mắt.
“Nghe người ta xuýt xoa đau vì em bé đạp mạnh. Tôi thèm thuồng cái cảm giác đau đó. Người ta thì ngồi chờ sinh, còn tôi thì đợi bỏ con. Bất giác, tôi lấy tay sờ lên cái bụng xẹp lép của mình…”
Sau lần thứ 4, trong đầu chị cứ ám ảnh không đậu thai, chị nghe văng vẳng tiếng ai đó nói bên tai: “Không thể có thai. Không đậu được đâu. Không thể đâu… lại thất bại thôi”, bởi chị có đến hai tử cung.
Lần thứ 5 chuyển phôi, chị gần như điên loạn: “Cảm giác giống như bị khùng khùng đó, tôi mất niềm tin tới nỗi vừa chuyển phôi xong, là ngồi lẩm bẩm ‘không được đâu, chắc là không đậu thai đâu….”.
Đau lòng, chồng chị gào lên: “Em đừng khổ nữa, anh không cần con”. Nhưng chị Trinh vẫn phản ứng rất mạnh, chị không ý thức được tính cách của mình, ai kêu dừng lại là chị la lối khiến cả nhà căng thẳng.
Lần nào phôi chuyển vào cũng tan, không thành hình. Một lần nữa, bác sĩ gợi ý chị nên nhờ người mang thai hộ. Thấy có lý, chị bắt đầu rà soát lại, bên nhà chồng còn có 2 người em gái nhưng độc thân nên không được phép mang thai hộ. Nhà chị Trinh cũng vậy, chỉ có chị và một người anh trai. Những phụ nữ trong dòng họ thì đều đã lớn tuổi. Chị lại tiếp tục bế tắc.
Cắn răng… không dùng thuốc gây tê, gây mê
Thấy tử cung bên trái chuyển phôi hoài không đậu, bác sĩ gợi ý chị chuyển phôi ở tử cung bên phải. Tử cung này có vách ngăn nên muốn chuyển phôi buộc bác sĩ phải dùng ống tiêm đâm xuyên qua vách ngăn để bơm phôi vào trong. Mặc dù biết sẽ chịu nỗi đau xé da, xé thịt, chị vẫn yêu cầu không sử dụng thuốc gây tê, gây mê.
“Bởi lần nào sử dụng thuốc gây tê, gây mê liều mạnh thì sẽ ảnh hưởng đến thần kinh. Vì vậy, tôi yêu cầu bác sĩ hãy bơm sống, không dùng các loại thuốc này, như vậy sau này tôi mới có sức khỏe tốt để chăm sóc con mình.”
Chị rùng mình nhớ lại: “Khi nhịn tiểu thì cảm giác đau tức và khó chịu lắm, tôi phải cắn răng, bám tay vào thành giường. Bác sĩ hiểu được nên bà cứ chần chừ vài lần vì quá xúc động. Tôi phải bật dậy nói bác cứ mặc em, em xin bác hãy giúp em, kệ em đi. Ống tiêm xuyên vào tới đâu, tôi cảm nhận được đến đó. Thậm chí lúc đau khi sinh em bé chẳng bằng 1 phần của bơm phôi.”.
Nhắc đến việc không sử dụng thuốc giảm đau, chị Trinh đổ mồi hôi, người lạnh toát, khuôn mặt hằn lên nét sợ hãi tận cùng. Trước khi bơm phôi, chị phải nhịn tiểu để bàng quang căng phồng lên đẩy vách ngăn tử cung giãn ra rồi bác sĩ lấy một ống tiêm to xuyên vào.
Vậy mà, lần thứ 6, thứ 7,… thứ 9… thứ 10… chị vẫn không thể đậu thai. Tột cùng của sự thất vọng, chị Trinh gần như hóa điên, thấy chồng luôn bên cạnh động viên, chị thương quá suốt ngày đòi ly dị. Chị xé giấy kết hôn để giải thoát cho anh, thậm chí chị viết giấy đơn phương ly hôn.
Nghe vợ nói, anh chịu không nổi, lặng lẽ trốn một góc ngồi khóc. Cuối cùng anh quay trở lại nắm tay chị động viên: “Nếu em ngừng lại mình có thể xin con nuôi, nhưng nếu em muốn, em cứ tiếp tục, anh ủng hộ em. Dù 10%, 5%, hay 1% hy vọng anh cũng sẽ ủng hộ em”.
Chị Trinh bật khóc, nắm chặt tay chồng và tiếp tục cuộc hành trình tìm con.Đến mức này, chồng chị không chịu nổi, anh quát lên: “Anh không cần con, anh cần em. Nếu bây giờ bắt anh lựa chọn, anh vẫn chọn em. Vì sao em cứ phải làm khổ mình, cứ dằn vặt mình trong khi anh không bao giờ bỏ em”. Chị thét: “Vì em muốn có con, em muốn làm mẹ… Tại sao lại không cho em làm mẹ...”.
Thắp sáng ước mơ… từ ‘buồng trứng cùi’
Đến lần thứ 14, chị vẫn không thể có thai. Lúc này, buồng trứng chị suy thoái, bác sĩ nói khả năng để lấy trứng và tạo phôi gần như không còn nữa. Dường như trên bờ vực của tuyệt vọng là một trạng thái bình thản vô cùng, chị nhìn lên sổ tay của mình. Kế hoạch tìm con mà chị tự lập ra đến năm 2018 mới kết thúc, chị lên mạng tìm kiếm thông tin để tiếp tục.
“Tình cờ tôi biết nếu Đông y và thuật châm cứu kết hợp với Tây y thì sẽ tăng khả năng thụ thai hơn. Dù chưa biết gì về Đông y, nhưng tôi xem đây là cứu cánh cuối cùng của mình. Nếu lần này không xong thì cũng coi như số phận an bài”, chị Trinh hy vọng.
Chị Trinh nói: “Mạch tôi rất yếu, yếu đến nỗi ban đầu bác sĩ Ngọc không thể tìm ra mạch, nhưng khi bắt được mạch thì chị ấy lại kể không sót một bệnh nào của tôi. Điều đó càng khiến tôi tin tưởng tuyệt đối vào Đông y. Tôi bắt đầu "cấp phép" cho mình được hy vọng.”
Lặng lẽ đến Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM tìm sự giúp đỡ. Tại đây, bác sĩ Quan Vũ Ngọc –Khoa Ngoại Tổng hợp, chỉ thông qua bắt mạch đã biết chị đang bị: đau đầu, thiếu máu não, ù tai, trào ngược thực quản, tay chân đau nhức,...
Mất hơn 1 năm để uống thuốc Đông y, kèm theo chế độ ăn, tập thể dục do bác sĩ Ngọc gợi ý để điều trị các bệnh đang mắc phải. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng nuôi dưỡng, phục hồi nang, buồng trứng cho chị.
Năm 2015, sau 12 ngày châm cứu, giai đoạn tiêm thuốc kích trứng sau đó chuyển phôi tươi, bác sĩ Ngọc báo tin mừng, sức khỏe chị đã hồi phục, có thể thực hiện chuyển phôi. Tuy lần chuyển phôi này thất bại nhưng chất lượng trứng rất cải thiện. Dù thai vẫn không đậu thai, nhưng chị lại tràn trề hy vọng vì cơ hội làm mẹ đã được thắp sáng.
Bài 2: “Bác sĩ có nhầm không? Em có thai?”
Phạm An