Phóng viên: Từ đâu chị có ý tưởng thực hiện "Ánh sáng tâm hồn", vở múa quy tụ 150 nghệ sĩ múa khắp 2 miền Nam, Bắc?
Biên đạo múa Tuyết Minh: Dịch bệnh đang thử thách con người phải thích nghi với hoàn cảnh sống mới và đồng thời đẩy họ tới giới hạn của sự chịu đựng. Khi nhìn thấy những việc làm từ phía các cơ quan nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cùng với sự đồng lòng từ người dân, tôi nhận ra ngoài sức khỏe, nếu tâm hồn được tiếp cận với những nguồn năng lượng tích cực sẽ giúp mọi người có đủ sức mạnh vượt qua dịch bệnh. Và vở Ánh sáng tâm hồn ra đời với mong muốn đó.
* Nghệ thuật mang sức mạnh tinh thần lớn lao nhưng quy tụ 150 nghệ sĩ múa cùng lúc và phải làm việc online, bài toán này không phải quá khó hay sao?
- Sức mạnh của các tác phẩm nghệ thuật không chỉ mang giá trị tuyên truyền, ghi lại lịch sử theo một cách đặc biệt mà còn ẩn chứa trong đó cảm xúc, sự lay động. Ví dụ phim tài liệu Ranh giới mà VTV đã thực hiện, tác phẩm có sức ảnh hưởng rất lớn. Tôi cũng mong chúng tôi tạo ra được sự chú ý như vậy nhưng nếu chờ đến khi dịch bệnh qua đi mới thực hiện tác phẩm thì e rằng, giá trị tuyên truyền không còn mạnh vì không hợp thời. Tôi và các biên đạo khác cũng đang tìm cách để nghệ thuật múa có thể hoạt động, và tạo ra giá trị ở thời điểm hiện tại.
|
Nghệ sĩ múa hưởng ứng lời kêu gọi của biên đạo múa Tuyết Minh |
Sau thời gian ngắn kêu gọi, tôi rất vui vì đông đảo các diễn viên múa đăng ký tham gia. Họ cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh nhưng khi cần, mọi người đều sẵn lòng dù trước mắt, việc thực hiện được vở diễn không hề dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ, khi vở diễn thành công, chúng tôi không chỉ làm được việc khiến bản thân cảm thấy có giá trị mà còn có thể cùng với lực lượng tuyến đầu, người dân, các tình nguyện viên vừa tự động viên tinh thần mỗi cá nhân, vừa giúp tuyên truyền những việc làm ý nghĩa của họ tốt hơn.
* Chị giải quyết bài toán luyện tập cho từng đó nhân lực ở tại 2 miền như thế nào?
- Tôi chia số lượng thành từng nhóm nhỏ và trao đổi trực tiếp với biên đạo chính của nhóm. Về cách dàn dựng vở diễn, lần này sẽ khác hoàn toàn với cách đạo diễn, dàn dựng những vở trước đây. Nếu với âm nhạc, nghệ sĩ có thể độc lập sáng tạo và cho ra mắt các sản phẩm trong mùa giãn cách, hoặc có thể thu âm để phối với nhau, thì những loại hình nghệ thuật còn lại gắn với sân khấu, đặc biệt là múa, hình thức tập luyện hay trình diễn đòi hỏi có sự tương tác. Chỉ trừ những cảnh solo (1 người) là có thể ghi hình độc lập nhưng với các phân đoạn múa 2, 3 người hay tập thể thì buộc phải có sự kết nối với nhau.
Hiện tại, mọi hoạt động trao đổi, dàn dựng đều thông qua hình thức online. Biên đạo gặp rất nhiều khó khăn khi phải chia nhỏ đội hình và làm việc thông qua sự hình dung, tưởng tượng. Bình thường, khi làm việc trực tiếp, chúng tôi chia cảnh, chia câu, đoạn dễ dàng hơn, nếu thấy không hợp lý, chúng tôi làm lại. Ngày đó, mỗi vở đều có nhiều bản nháp trước khi công diễn, tức là chúng tôi có cơ hội sửa sai, còn lần này, tôi và ê-kíp phải cố gắng thành công trong một lần duy nhất.
Tôi và các biên đạo đang tìm cách để các bạn diễn viên múa ở nhà hình dung được toàn cảnh. Cũng may, hầu như các bạn diễn viên đăng ký đều có kinh nghiệm, am hiểu các thể loại như ballet, đương đại, jazz, broadway, hip-hop... Tôi cũng biết trước các bạn nên có sự phân công phù hợp cho từng người, giao phần việc mà từng cá nhân có thể làm tốt nhất.
* Vở múa "Ánh sáng tâm hồn" sẽ được ghi hình trong điều kiện giãn cách xã hội ở Hà Nội và TPHCM, chị sẽ lên kế hoạch thực hiện công đoạn này thế nào?
- Sau khi tất cả các ê-kíp luyện tập xong, tôi sẽ tổ chức ghi hình. Hiện đã có đội quay phim chịu trách nhiệm hình ảnh. Ê-kíp thực hiện ghi hình sẽ chia làm 2 nhóm. Phía Bắc do tôi phụ trách còn phía Nam do biên đạo Alex Tú cùng một số biên đạo khác thực hiện.
Vì dịch bệnh, các nghệ sĩ múa miền Nam sẽ phụ trách chính các cảnh múa đơn và đôi, chỉ trừ 2 nhóm múa có đông thành viên là nhóm Family của biên đạo Xuân Thảo - Đình Lộc, và nhóm Lyricist của biên đạo Xuân Thịnh - Alex Tú sẽ có sự thay đổi cho phù hợp tình hình nhân lực. Còn nghệ sĩ ở Hà Nội sẽ “gánh” những đại cảnh và các đoạn cần sự tương tác trực tiếp. Chúng tôi dự định ghi hình vào tháng 10. Tuy nhiên, nếu đến lúc quay tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng thì sẽ tính lại phương án, có thể quay bằng phông xanh, sau đó dành nhiều thời gian cho khâu hậu kỳ. Dự kiến vở diễn sẽ được giới thiệu vào ngày 20/10.
|
Biên đạo múa Tuyết Minh mất 2 tiếng để kêu gọi 150 nghệ sĩ tham gia dự án |
* Nội dung chính của vở múa "Ánh sáng tâm hồn" có gì đặc biệt để khán giả chờ đón?
- Vở diễn Ánh sáng tâm hồn sẽ có 8 cảnh khai thác nhiều câu chuyện, trong đó tập trung thể hiện tâm tư bên trong của những y bác sĩ tuyến đầu lẫn người thân của họ ở nhà, và nhiều lực lượng khác đang ngày đêm chung sức chống dịch.
Cảnh 1, tôi muốn đưa đến hình ảnh con người đối thoại với nhau và với thiên nhiên. Cảnh 2, tôi đặt bối cảnh trong một phòng cấp cứu - nơi các y bác sĩ đang chiến đấu ngày đêm giành lại sự sống cho bệnh nhân. Cảnh 3 là khoảng lặng của những bác sĩ nơi tuyến đầu, ghi lại tâm tư của họ khi đối diện với nhiều sự mất mát.
Cảnh 4, nói về mặt trận toàn dân đoàn kết cùng chống dịch, trong đó có những người dân bình thường nhưng không ngại xung trận. Cảnh 5, mang nội dung về chốt chống dịch nơi có lực lượng công an, bộ đội, dân phòng luôn túc trực. Cảnh 6, tình cảm và suy tư của những gia đình có người thân trong lực lượng tuyến đầu. Cảnh 7 lực lượng sinh viên đang tham gia vào mặt trận phòng chống dịch với sức trẻ và lòng dũng cảm. Cảnh cuối sẽ lặp lại cảnh đầu tiên nhưng khác ở chỗ, bác sĩ sẽ giành được sự sống về cho bệnh nhân.
Hiện chúng tôi đã bàn bạc xong kịch bản, từ tuần sau các diễn viên sẽ bắt đầu tập luyện.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Diễm Mi