15 triệu đồng cứu sống một con người

05/05/2017 - 11:00

PNO - "Nếu tôi chết thì các con đỡ khổ, nhưng mấy đứa cháu còn nhỏ quá. Tôi muốn được nuôi chúng nó thêm vài năm nữa".

Đang đi làm, ông Đỗ Văn Đèo (63 tuổi, nhà ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đột nhiên bị say xẩm rồi ngất xỉu. Ông được đưa đến một bệnh viện gần chỗ làm để cấp cứu.

Sau khi cấp cứu, các bác sĩ tại đây khuyên ông lên bệnh viện tuyến trên để làm các xét nghiệm cần thiết vì nghi ngờ ông bị bệnh tim.

Cũng như những lần khác, nằm nghỉ ngơi lấy sức, ông Đèo lại đi bộ ra tiệm thuốc tây, tự mua thuốc về uống chứ không đi bệnh viện. Vì ông biết, mấy đứa cháu của ông cần sữa, nhà ông cần một bữa ăn. Với ông, chỉ cần qua được con đói một ngày cũng là niềm hạnh phúc.

Không có tiền, 'án tử' treo lơ lửng

Hơn 60 tuổi, ở các tuổi người ta dần giảm tải công việc để an hưởng tuổi già thì ông Đèo gắng gượng để làm trụ cột gia đình. Một ngày đi làm được hơn trăm ngàn, bù cho những ngày không có việc phải nghỉ ở nhà. Mấy mươi ngàn mua những viên thuốc lẻ ông còn tiếc, huống gì đi bệnh viện.

Ông Đèo giấu gia đình được hơn 4 tháng thì bị ngất xỉu ngày một nhiều hơn. Có hôm đang bốc vác, ông choáng váng, ngồi sụp xuống thở hắt, hết cơn mệt lại tiếp tục công việc.

“Tuần rồi, ba tôi vừa đi làm về thì lên cơn mệt trước cửa nhà. Cả nhà muốn đưa ông đi bệnh viện, ông không chịu cứ nằm đó gồng. Đến khi chịu hết nổi, tôi đưa ba đi Bệnh viện Quận 2 cấp cứu”, chị Đỗ Thị Ánh Hoa (34 tuổi, con ruột ông Đèo) nói.

15 trieu dong cuu song mot con nguoi
Chưa kịp trả hết nợ vì chữa bệnh cho đứa con trai duy nhất (đã mất 4 năm), chị Hoa lại hoảng hốt khi cha bị bệnh tim.

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Khảo, khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM thì lúc này ông Đèo đã gần như mê man, tiếp xúc yếu, luôn than mệt, huyết áp thấp, nhịp tim khá chậm (40 lần/phút).

Ngay lập tức các bác sĩ tại đây đã truyền dịch, sử dụng thuốc làm tăng nhịp tim, làm các xét nghiệm liên quan thì phát hiện ông Đèo bị hội chứng nút xoang bệnh lý. Với hội chứng này, ông Đèo được chỉ định phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

Nghe bác sĩ thông báo, chị Hoa bật khóc, để đưa ba chị đến bệnh viện, chị chạy đôn chạy đáo mượn được 2 triệu đồng, giờ đặt máy tạo nhịp tim với số tiền hơn mấy chục triệu chẳng khác nào là án tử với ông Đèo. 

Biết được hoàn cảnh gia đình ông Đèo, bác sĩ tại Bệnh viện Quận 2 đã tặng ông chiếc máy tạo nhịp tim. Nhưng để thực hiện phẫu thuật đặt máy, gia đình ông Đèo cần chi phí hơn 10 triệu đồng nữa thì mới đủ.

15 trieu dong cuu song mot con nguoi
Ông Đèo sợ chết vì con, cháu không ai nuôi nhưng sống thì sợ con mình lại mắc nợ.

Một lần nữa, chị Hoa tất tả chạy về nhà năn nỉ đầu trên, xóm dưới mong kéo dài mạng sống cho cha. Ở cái xóm phần lớn là dân nhập cư này, ai cũng đều có lòng nhưng vẫn không đủ sức.

Vét hết phần tiền còm cỏi cũng chỉ có gần 7 triệu đồng để cho nhà chị Hoa mượn. Với số tiền ít ỏi đó, gia đình ông Đèo gạt nước mắt xin phép xuất viện.

Ước gì tôi có thể nuôi con, nuôi cháu thêm vài năm nữa

Hơn 20 năm trước, miền quê Long An nghèo khó không dung dưỡng gia đình ông Đèo. Ông bà bàn nhau đưa bốn người con đi Sài Gòn mưu sinh. Ông bà làm việc quần quật nhưng cứ hễ dư chút đỉnh là con bệnh, con đau. Không đủ tiền trả tiền thuê, cả gia đình ra đường ở.

Từ đó, họ đi đến đâu cũng tìm chỗ phát hoang ở tạm, bị đuổi thì đi. Cứ lây lát sống kiếp con thuyền để rồi trôi dạt đến Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Chọn mé sông làm nơi định cư, cả nhà cùng nhau xới sông đắp thành một mảnh đất nhỏ, dựng tạm căn lều để che gió, che mưa. Bốn đứa con lớn lên cũng như cha mẹ, không ai biết chữ, dùng sức lao động để đổi lấy miếng cơm.

Lập gia đình không lâu, vì quá nghèo nên chị Hoa và em gái mình bị chồng bỏ rơi, họ ôm con về nhà ông Đèo nương tựa.

15 trieu dong cuu song mot con nguoi
Mỗi lần nhắc đến cha, chị Hoa đều xúc động thương ông cả đời cơ cực đến khi bệnh lại không có tiền lo.

Không có gì ngoài tình thương, căn lều nhỏ cứ dung dưỡng, dồn nhét tám con người khổ hạnh. Mọi chi phí của tám người gồm hai vợ chồng ông Đèo, chị Hoa, năm người cháu nhỏ dại đều trông chờ vào từng ngày làm thuê, làm mướn ít ỏi của ông Đèo và 4 triệu đồng tiền công nhân mỗi tháng chị Hoa mang về.

“Anh chị em khác của tôi đứa thì đổ vỡ gia đình, đứa đi làm tối ngày nên mẹ tôi phải nghỉ ở nhà để giữ năm đứa cháu. Lâu lâu tụi nó gửi tiền về phụ nuôi con, cả bốn anh chị em tôi đều không biết chữ nên cứ bỏ công ra làm, ai cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Đến khi ba tôi bệnh, họ hay tin chạy về nhưng cũng bất lực vì không ai có tiền cứu cha”, chị Hoa bật khóc.

Nghe con gái nói, ông Đèo chỉ biết cúi đầu im lặng, những giọt nước mắt tưởng chừng như đã khô cạn theo thời gian cứ rơi xuống mặn đắng. 

“Lúc bị xỉu, tôi chỉ nghĩ do bản thân quá gắng sức nên mệt mỏi chứ không ngờ mình bị bệnh tim. Đến khi biết bênh của mình, tôi rất sợ chết.

Tôi chết thì vợ con tôi lại khổ, mấy đứa cháu còn nhỏ quá, ước gì tôi có thể nuôi chúng thêm vài năm nữa. Nhưng nếu tôi không chết thì tụi nó cũng đổ nợ vì chữa bệnh cho tôi. Tôi cũng không biết làm sao…”, ông Đèo ngậm ngùi.

Về trường hợp của ông Đèo, bác sĩ Khảo cho biết: “Nếu không được đặt máy tạo nhịp tim sớm thì nhịp đập sẽ ngày một chậm, đến một giai đoạn nhất định, ông Đèo sẽ ngưng tim. Hiện tại bệnh nhân đã mất sức lao động, ông không được gắng sức, vì khi đó khả năng đột tử sẽ cao hơn.

 Tuy nhiên, ngoài hội chứng nút xoang, tim của bệnh nhân vẫn còn khá tốt, nếu được đặt máy thì có thể cải thiện sức khỏe, có thể lao động bình thường trở lại, sự sống kéo dài hơn”.

Cho đi có nghĩa là nhận lại, mọi sự hỗ trợ xin liên lạc qua số tài khoản Báo Phụ Nữ TP.HCM: 0071001049165 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chi nhánh TP.HCM. Với nội dung "giúp ông Đỗ Văn Đèo".

Bạn đọc có thể đến trực tiếp phòng Bạn đọc của Báo Phụ Nữ TP.HCM số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, Quận 3. Hoặc đến khoa Tim mạch, Bệnh viện Quận 2 để giúp đỡ bệnh nhân.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI