15 nước ký kết Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới tại Hà Nội

15/11/2020 - 15:01

PNO - Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác, vừa được ký sáng 15/11.

Lễ ký diễn ra trực tuyến, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam, ký Hiệp định RCEP - Ảnh: VGP
Tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam, ký Hiệp định RCEP - Ảnh: VGP

RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam và 5 đối tác thương mại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Đúng 11g45, Bộ trưởng Bộ Thương mại Brunei là người đầu tiên ký vào Hiệp định. Các Bộ trưởng tiếp tục ký lần lượt theo thứ tự bảng chữ cái. Việt Nam là nước cuối cùng. Sau đó, 5 đối tác của ASEAN, bắt đầu là Australia và cuối cùng là New Zealand ký hiệp định.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp.

Khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.  Từ đó, ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

RCEP khi được thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cũng có những  thách thức đặt ra, đó là sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam khi nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự với Việt Nam, năng lực cạnh tranh lớn hơn Việt Nam. 

Ngoài ra, hiện đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

An Sinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI