15 năm “tay chạm đất, môi mỉm cười”

27/08/2023 - 08:22

PNO - Hoàng Việt Hải sinh năm 1986 tại TPHCM, là người sáng lập và điều hành, dẫn dắt gốm Yên Lam suốt 15 năm qua. Là một người trẻ nhưng anh mang trong mình tình yêu sâu đậm với nghề gốm truyền thống, đặc biệt là dòng gốm thủ công nặn, vuốt tay.

  Hoàng Việt Hải có tình yêu mãnh liệt với đất và dòng gốm nặn, vuốt tay
Hoàng Việt Hải có tình yêu mãnh liệt với đất và dòng gốm nặn, vuốt tay

Với sự tận tụy, yêu nghề, ông chủ trẻ Hoàng Việt Hải đã tận lực đưa thương hiệu gốm Yên Lam ngày càng lớn mạnh. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển sản phẩm chất lượng cao, Hoàng Việt Hải còn mang tình yêu với những khối đất hiền lành nhân rộng. Thời gian qua, bạn trẻ Sài Gòn tìm đến các buổi work shop làm gốm do Hải đứng lớp hướng dẫn rất nhiều. 4 năm gần đây, Hải xây dựng thêm xưởng chuyên làm gốm nắn tay sáng tác độc bản tại Vĩnh Phú (Thuận An, Bình Dương).

Hoàng Việt Hải trực tiếp đứng lớp hướng dẫn khách thực hành nặn gốm
Hoàng Việt Hải trực tiếp đứng lớp hướng dẫn khách thực hành nặn gốm

Hãy thử yên lành như đất

Hoàng Việt Hải tốt nghiệp Đại học Kinh tế nhưng vì yêu thích làm gốm nên đã chọn ngã rẽ trở thành nghệ nhân gốm. Càng gắn bó với nghề, tình yêu với đất, với gốm trong anh càng bền lâu. 

Hải xây dựng thương hiệu gốm Yên Lam từ năm 2007. Anh ghi nhớ lời dạy cổ nhân: “ăn chắc mặc bền”. Khi tạo nên một sản phẩm để đưa vào thị trường, Hải luôn nhắc mình và đồng đội ghi nhớ: sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu và tạo nên những món gốm bền đẹp, hữu ích để có thể đi cùng con người qua nhiều thế hệ.

Tên xưởng gốm Yên Lam nghĩa là làn khói màu xanh. Yên là làn khói lửa của lò nung gốm. Yên để giữ trong mình cái truyền thống đã tạo nên nền tảng vững chắc cho nghề gốm Việt. Lam là màu lam từ oxit coban quý giá, dùng để tô vẽ, trang trí trên vô vàn đồ gốm Việt bao đời nay. Lớp áo ấy chưa từng lỗi thời với gốm ta, với người Việt. Chừng nào làn khói xanh còn bay lên là nghề làm gốm Việt vẫn còn.

Hoàng Việt Hải -  ông chủ trẻ của thương hiệu gốm Yên Lam
Hoàng Việt Hải - ông chủ trẻ của thương hiệu gốm Yên Lam

Ra đời ở thời kỳ gốm Việt chạy theo những đơn hàng gia công cho khách châu Âu, châu Mỹ, Yên Lam quyết định chọn làm gốm bản địa Việt Nam, tìm lại những giá trị đã mai một của gốm Việt để làm nên một dòng gốm mới. Sản phẩm của Yên Lam trước tiên phải có được sự yêu thích của người Việt để từ từ tiến những bước xa hơn, được bạn bè quốc tế đón nhận.

Hải và đội ngũ nghệ nhân gốm Yên Lam chọn tiêu chí làm gốm “chậm”: chậm trong từng công đoạn, không vội vàng, qua loa; chậm trong suy nghĩ khi tạo ra một mẫu gốm mới để mẫu gốm ấy không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn đem đến những giá trị bền vững, trải nghiệm thú vị trong cuộc sống.

Thác khói trầm hương - sản phẩm vuốt tay độc đáo của Yên Lam
Thác khói trầm hương - sản phẩm vuốt tay độc đáo của Yên Lam

Ngày nay, mọi thứ cần nhanh, tiện lợi, chính xác… nên gốm sứ được tạo hình từ khuôn, công nghiệp hóa thì có máy móc thực hiện toàn phần. Gốm Yên Lam hiện vẫn có 2 dòng: dòng làm khuôn và dòng không sử dụng khuôn - từ đất sét sẽ tạo ra vô số kiểu dáng. Để làm được như vậy, xưởng áp dụng các cách làm từ thời xa xưa của nghề gốm: nắn tay be trạch trong tạo hình, khắc chìm, trổ thủng, đắp nổi, vẽ trong trang trí và chấm men, phủ men bằng cọ trong tạo màu.
Với sự tận tâm, cầu thị, Yên Lam dần đạt được những thành công nhất định khi đứng vững trên thị trường. Sản phẩm của thương hiệu được nhiều nhà hàng, resort lớn ưa chuộng. 

Nhưng, như Hải chia sẻ, thành công càng lớn thì khó khăn càng bủa vây. Không có nghề nào thành công mà không trải qua những gian nan. Hải giữ được “tâm bình thường” khi đối diện với cả hai điều đối lập này. Nhờ tiếp xúc với đất, thực hành với gốm hằng ngày, anh vỡ ra được nhiều bài học và giá trị tinh thần rất hay từ những khối đất sét tưởng chừng vô tri. 

Hãy thử yên lành như đất, lặng yên để lắng nghe, điều chỉnh và rồi bạn sẽ thoát ra khỏi những giới hạn vốn đã mặc định trong mình. Hải chọn yên lành như đất để sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn, thử thách vẫn đón chờ trên con đường rất dài phía trước. 

Đất còn bao dung nhiều lắm 

Hải làm gốm thủ công với mong muốn kế thừa, nuôi dưỡng, phát triển nghề truyền thống. Hải nói: “Cái gì đang ít dần thì lại rất cần thật nhiều người biết đến và lan tỏa ra cộng đồng. Vì sao Nhật, Mỹ, Hàn vẫn còn rất nhiều nơi làm gốm thủ công? Tôi tin trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ có nhiều người làm nghề thủ công sống hạnh phúc và thăng hoa cùng nghề.

Trong hành trình thực hành làm gốm thủ công, tôi cảm thấy đủ đầy, biết ơn với những gì đã được nhận từ nghề, từ mọi người xung quanh. Mỗi người được gặp trên hành trình đi khắp các làng gốm ở Việt Nam, mỗi nơi được đến và tìm tòi khám phá chính là những người thầy đáng kính và giảng đường để tôi học làm gốm”. 

Sản phẩm vuốt tay vẫn giữ vững chỗ đứng trên thị trường đồ gốm
Sản phẩm vuốt tay vẫn giữ vững chỗ đứng trên thị trường đồ gốm

Chính vì muốn giữ nghề gốm thủ công quý giá và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ những giá trị của gốm Việt, Hoàng Việt Hải đã bỏ thời gian, công sức trực tiếp đứng lớp hướng dẫn khách thực hành làm gốm trong các buổi work shop tại xưởng. 

Không dừng lại ở xưởng, Hải còn mang đất sét đến trường học, “dụ” học sinh cùng mình “chơi với đất”. Khi những đôi tay quen cầm bút, cầm sách lần đầu tiên được chạm vào đất, sờ nắn, vò, uốn, miết, xoay… để hô biến cục đất thành một tạo hình hoàn chỉnh như mong muốn, các em thực sự vỡ òa, thích thú. Mới hay, đất lành bình dị nhưng luôn mang trong mình muôn điều kỳ diệu. 

Hải mở work shop làm gốm với tinh thần mọi người sẽ nhận được sự chia sẻ và hướng dẫn tận tình để nhận ra niềm vui, sự yêu thích và tiềm năng của mỗi người với nghề này. Sau những khóa học 3 ngày, 7 ngày, mọi người đã tự tay làm ra và đem về nhà đủ món đồ gốm. Kích cỡ và màu sắc là không giới hạn. Điều quan trọng là sau một thời gian đến làm gốm tại Yên Lam, nhiều người đã bước ra khỏi những giới hạn mặc định, khám phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân.

Có thể thấy cách Hải chuyển tải tình yêu gốm qua chủ đề chính của các buổi work shop: “Tay chạm đất, ươm mầm bình yên”, “Tay chạm đất, hồn tự do”… với các bước như chạm đất, hiểu đất, định đất, phiêu đất (thả hồn tự do theo đuổi ý tưởng về tạo hình gốm). 

“Tôi yêu thích sự yên lặng và cảm thấy được cân bằng trong thời gian làm việc với đất. Chỉ mình tôi với cục đất, sáng tạo là không giới hạn và tôi luôn được trải qua những cái mới trong nghề này. Đất sét, men gốm, lửa lò và nhiều yếu tố tự nhiên khó đoán trước của công việc làm gốm thật phù hợp với tính cách tùy hứng và thích phiêu lưu bên trong tôi. Làm gốm luyện cho tôi sự định tâm qua việc hướng cho cục đất sét vô ngay tâm và giữ tâm ấy trong suốt quá trình tạo hình” - Hải chia sẻ.

“Chạm với đất là cách mình lựa chọn. Mình có thể chạm đất với muôn dạng trạng thái tinh thần. Đất chắc hẳn không phán xét bạn đang trông ra sao, thái độ bạn thế nào…” - Hải nói.

Hoàng Việt Hải trong buổi hướng dẫn học sinh thực hành nắn, vuốt gốm tại Trường THCS Minh Đức (quận 1, TPHCM)
Hoàng Việt Hải trong buổi hướng dẫn học sinh thực hành nắn, vuốt gốm tại Trường THCS Minh Đức (quận 1, TPHCM)

Trước đây, slogan của Yên Lam là “Làm gốm ta cho người Việt” nhưng Hải cho biết sắp tới, Yên Lam sẽ làm gốm ta để đi thật xa. Anh mong muốn xuất khẩu gốm, không dừng lại ở việc làm gốm gia công theo yêu cầu, mà gốm được sinh ra từ khâu tạo dựng ý tưởng đến hoàn thiện...

Những thành công đã cho Hải nhiều động lực để bước tiếp, thất bại dạy anh những bài học vô giá. Những người chạm đất đủ lâu như Hải luôn thấu rõ đất còn bao dung nhiều lắm. 

Trần Huyền Trang - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI