Nỗi đau vẫn còn sau 15 năm
Không một lời cảnh báo, vào 7 giờ 56 phút giờ địa phương ngày 26/12/2004, trận động đất mạnh 9,1 độ richter xảy ra ngoài khơi bờ biển phía bắc Sumatra - Indonesia, gây ra cơn sóng thần cao hơn 17m trên Ấn Độ Dương, giết chết hơn 230.000 người tại 14 quốc gia.
Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nằm gần tâm chấn. Ước tính có khoảng 167.000 người chết do nước dâng, hơn 500.000 người mất nhà cửa và 800km bờ biển bị phá hủy trên khắp đất nước vạn đảo.
|
Khoảnh khắc cơn sóng thần ập đến bãi biển ở Ao Nang, tỉnh Krabi, Thái Lan và khoảng 8 giờ ngày 26/12/2004. |
Theo thống kê của chính phủ và các cơ quan viện trợ, tỉnh Bắc Aceh gánh chịu hậu quả nặng nề nhất với tổng cộng 128.858 người thiệt mạng. Ngay sau đó, các cơ quan - tổ chức phi lợi nhuận, chính phủ nước ngoài và các tổ chức viện trợ - đã hợp tác tìm cách hồi sinh Aceh, nhưng khi gần 10.000 ngư dân thiệt mạng và 70% đội tàu đánh bắt quy mô nhỏ đã bị phá hủy, Aceh vẫn chìm trong nghèo đói sau 15 năm.
Cách đó hơn 2.000km, Sở cảnh sát Takua Pa ở Phang Nga, miền nam Thái Lan, vẫn giữ các vật dụng cá nhân của hàng trăm nạn nhân mà thi hài của họ khó có thể nhận diện. Gần đó là nghĩa trang với 340 ngôi mộ không tên.
Dù vậy, cảnh sát vẫn hy vọng rằng với sự giúp đỡ của công nghệ, một ngày nào đó những người xấu số có thể yên nghỉ với một danh phận rõ ràng. Tại Thái Lan, gần 5.400 người đã thiệt mạng trong đó có nhiều khách du lịch nước ngoài.
Tổng cộng, sóng thần gây thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ USD tại các quốc gia bao gồm Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, Somalia, Maldives, Malaysia, Myanmar, Tanzania, Bangladesh và Kenya.
Sự sống tiếp tục từ đống hoang tàn
Những người thiệt mạng năm 2004 không nhận được cảnh báo chính thức nào về những đợt sóng đang đến gần và gần như không có cơ hội trốn thoát. Kể từ đó, hàng triệu USD được đầu tư vào một mạng lưới rộng lớn các trung tâm thông tin địa chấn và sóng thần, thiết lập các công cụ trên biển và ven biển, cũng như các tháp cảnh báo trải dài khắp 28 quốc gia.
|
Một góc thành phố Meulaboh trên đảo Sumatra, Indonesia vào tháng 1/2005, sau khi bị sóng thần san phẳng. (Ảnh: Getty Images) |
Kể từ năm 2004, các nước như Indonesia, Sri Lanka và Thái Lan không ngừng tìm cách giáo dục mọi người về các mối nguy hiểm ven biển như sóng thần, nước dâng do bão và lũ lụt. Chính phủ đề ra các tuyến đường sơ tán, còi báo động trên bãi biển và diễn tập tình huống khẩn cấp.
Nhưng theo Jalaluddin - người đứng đầu phòng quy hoạch ở thành phố Banda Aceh, thủ phủ tỉnh Aceh cho biết: “Tất cả những gì chúng ta có thể làm là xây dựng những cơ sở sơ tán và tiến hành các cuộc diễn tập. Nếu công chúng muốn ở lại các khu vực rủi ro cao, chúng ta phải tìm giải pháp kỹ thuật để ứng phó với thiên tai ".
Arif Munandar – một cư dân của Banda Aceh - mất vợ, 3 con trai và 20 thành viên khác trong gia đình khi phần lớn thành phố bị xóa sổ vào 15 năm trước. Dù vậy, Arif và khoảng 10.000 người khác vẫn chọn ở lại khu vực đất thấp ven biển, mặc cho nguy cơ sóng thần, lũ quét.
Các quan chức thành phố cho biết khoảng 50.000 cư dân hiện sống trong vùng nguy hiểm, gần bằng con số trước thảm họa năm 2004 bởi rất khó để họ rời bỏ nguồn sinh kế từ biển, cũng như mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”.
Anh Munandar đang sống trong ngôi nhà cách bờ biển chỉ 500 m, cho biết: “Mọi người đều bị chấn thương tâm lý vào thời khắc đó, nhưng chúng tôi không thể cứ luôn sợ hãi. Điều tất cả cần là học cách sống sót vì thảm họa có thể đến ở bất kỳ nơi đâu, một cách bất ngờ”.
|
Đôi vợ chồng Karibeeran và Choodamani Parameshvaran nhìn lại những tấm ảnh gia đình của ba người con xấu số. Họ quyết tâm dành phần còn lại của cuộc đời để giúp đỡ những trẻ mồ côi. (Ảnh: Reuters) |
Đối với một số người sống sót khác, họ chọn cách tạo nên niềm vui cho cuộc sống, giúp ích cho xã hội. Đôi vợ chồng Karibeeran và Choodamani Parameshvaran mất ba đứa con từ 5-12 tuổi vào năm 2004. Nhưng từ nỗi đau này, cặp vợ chồng quyết định giúp đỡ những người bất hạnh khác.
Trong 15 năm qua, gia đình Parameshvaran đã dành cả cuộc đời để biến ngôi nhà của họ thành một trại trẻ mồ côi. Họ gọi nó là "Bàn tay của hy vọng." Sau vài ngày xảy ra sóng thần, cặp vợ chồng đã nhận bốn đứa trẻ mồ côi mất cha mẹ trong thảm họa. Trong vòng một tuần, họ chào đón thêm 32 đứa trẻ nữa.
Đến nay, số trẻ mà đôi vợ chồng chăm sóc đã đạt 45, với những đứa lớn nhất đang học cao học, hoặc làm việc tại công ty đa quốc gia; đôi vợ chồng cũng có thêm hai người con khác.
Ông Karibeeran nhìn lại cuộc sống của mình và vợ với niềm hạnh phúc thay vì đau buồn, và hứa sẽ tiếp tục nhiệm vụ này suốt đời như một sự tôn vinh đối với người đã khuất.
Một số hình ảnh tại nơi bị sóng thần tàn phá và hiện nay
|
Hình ảnh của Công viên Blang Padang sau thảm họa sóng thần được trưng bày trong Bảo tàng Sóng thần của Banda Aceh |
|
Công viên Blang Padang ngày nay khi nhìn từ Bảo tàng Sóng thần vào tháng 12/2019. (Ảnh: Kiki Siregar). |
|
Tên các nạn nhân được lưu giữ trong Bảo tàng sóng thần Aceh ở Banda Aceh, Indonesia |
|
Bờ biển Banda Aceh bị nhấn chìm và san phẳng vào tháng 12/2004 |
|
Những ngôi nhà và đường phố mới tại Banda Aceh hiện nay |
|
Học sinh tan trường tại một trường tiểu học tư thục ở Blang Luah, Indonesia, vào ngày 23/11/2019. Trường được xây dựng lại với sự tài trợ của Latter-day Saint Charity sau trận động đất |
|
Một chiếc thuyền đánh cá ở Banda Aceh, Indonesia vào tháng 11/2019 |
Ngọc Hạ (theo Reuters, 7news, theThaigers, Bangkok Post)