15 năm nâng niu những bước chân lạc lối

15/07/2020 - 05:39

PNO - Không phải vì lười, vì thích ăn diện… mà chị em sa vào con đường lầm lỡ. Nhiều đã bị xô đẩy, ép buộc phải sa chân.

“Không phải vì lười, vì thích ăn diện… mà chị em sa vào con đường lầm lỡ. Nhiều hoàn cảnh, các chị rất muốn đi trên đôi chân của chính mình, nhưng đã bị xô đẩy, ép buộc phải sa chân” - chị Cao Thị Hồng Vân - Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố 3, P.7, Q.5 - nói về những người đàn bà một thời lầm lỡ, từng được chị giúp đỡ để trở lại cuộc sống bình thường.

Chị Vân sinh năm 1970, vốn là một bà mẹ đơn thân, một mình tảo tần nuôi con gái với nghề thêu tranh. Khoảng đầu những năm 2000, khi con đi nhà trẻ, chị có nhiều thời gian nên đã tham gia công việc của Hội. Công việc đầu tiên chị được phân công là ra công viên Văn Lang (tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - An Dương Vương) phát bao cao su, tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống HIV cho chị em làm nghề mại dâm. 

“Thời ấy, mới bắt tay vào công việc, tôi vừa làm vừa run. Ngày đầu, vừa tới nơi, chưa kịp tiếp cận ai, tôi bị các chị hiểu lầm đến giành mối và bị đuổi chạy muốn hụt hơi. Hôm đó, trở về tôi không ngủ được nên nằm nghĩ cách phải làm quen chị em như thế nào. Hôm sau, tôi lấy xe chạy một vòng công viên điều nghiên rồi cất xe, đi bộ đến tiếp cận những chị ngang tuổi hoặc lớn hơn mình với suy nghĩ, người lớn tuổi họ sẽ không xốc nổi như mấy em trẻ. Tôi lân la làm quen. Nhưng cũng phải đến vài tháng sau các chị mới hiểu tôi là người đi truyền thông về các căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, tặng bao cao su, rồi rủ đi xét nghiệm HIV… 

Chị Cao Thị Hồng Vân (bên phải) cùng chị em hội viên ở gian hàng phụ nữ sáng tạo -  khởi nghiệp sáng 12/7
Chị Cao Thị Hồng Vân (bên phải) cùng chị em hội viên ở gian hàng phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp sáng 12/7

Lâu dần, tôi đã quen mặt tất cả các chị em trên tuyến đường và hiểu hoàn cảnh từng người. Có em vì hận mối tình đầu, đi làm nghề để trả thù đời nhưng rồi không thoát ra được. Có chị bị chính chồng mình ép. Có chị, để cứu mẹ trong cơn bạo bệnh mới sa chân… Nghe từng câu chuyện đời như vậy, tôi thấy mình thật may vì dù hôn nhân không trọn vẹn, tôi vẫn có một cái nghề để sống. Tôi chia sẻ với chị em suy nghĩ của mình. Các chị cũng chia sẻ với tôi những ưu tư… Đến ngày công viên Văn Lang giải tỏa, có ít nhất 10 chị tôi quen quyết chí bỏ nghề làm lại cuộc đời”, chị Vân chia sẻ.

Chị Vân mỉm cười: “Tôi không nghĩ đó là thành quả của mình mà chính là nghị lực của chị em. Mới vài ngày trước đây thôi, chị M. từ Quảng Ngãi gọi vào báo tin cháu ngoại của chị vừa đầy tháng. Chị M. là người hành nghề đứng tuổi mà tôi chọn tiếp cận sau khi bị rượt đuổi. Sau nhiều lần tiếp xúc, tôi biết chị sa chân vào nghề từ rất lâu và nhiều lần muốn làm lại cuộc đời nhưng con gái còn cần tiền ăn học, cha mẹ thì già yếu ở quê xa…

Khoảng cuối năm 2010, chị M. kể là có người thương chị. Anh là “khách” của chị, cũng đổ vỡ hôn nhân và muốn cùng chị xây dựng một gia đình. Chị M. hỏi tôi, liệu đời có tha thứ cho chị để chị làm lại từ đầu không. Dù không lấy gì làm chắc chắn, nhưng tôi vẫn trả lời chị là “được” để khuyến khích chị. Cuối năm đó, họ rủ nhau về quê của anh kia, một vùng biển miền Trung, để làm lại từ đầu”.

Chị Vân nói rằng, công của chị không nhiều lắm. Nhưng chị em cán bộ Hội ở Q.5 thì ai cũng biết chị vất vả như thế nào cho công tác Hội và những mảnh đời lầm lỡ. Khi công viên Văn Lang được cải tạo, lắp đèn sáng trưng mọi ngóc ngách, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi của người dân, tệ nạn mại dâm bị xóa sổ thì chị Vân vẫn cần mẫn với công việc cũ: đi truyền thông phòng chống HIV và ma túy. Thay vì xuống đường, chị lại thâm nhập các nhà hàng, khách sạn để tiếp tục công việc của một cộng tác viên Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương.

Sau những hy sinh lặng thầm của mẹ, Phạm Ngọc Vân Phương - cô con gái duy nhất của chị Hồng Vân - nay đã trưởng thành. Tốt nghiệp đại học, Phương đi làm ở một công ty nước ngoài, thời gian rảnh, em dành hết cho hoạt động xã hội tại địa phương. Cô gái nhỏ năm xưa giờ là bí thư chi đoàn khu phố.

Sáng 12/7, trong ngày hội văn hóa, chăm lo công tác an sinh xã hội của Q.5, hai mẹ con chị Vân đã đến dự và cùng xắn tay phụ giúp công việc với chị em hết gian hàng này đến gian hàng khác. Chị nói: “Niềm vui của mình đôi khi đơn giản chỉ là nửa đêm có một người lạ hoắc nào đó nhắn tin hay gọi điện nhờ đưa đi test HIV. Mình cảm thấy vui vì thấy chị em tin cậy. Nhưng vui đó rồi lo đó. Tôi cầu mong cho họ test ra kết quả âm tính để đời không có thêm một số phận buồn…”. 

Nghi Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI