Đó là hoàn cảnh éo le của chị Nguyễn Như Nguyệt, 39 tuổi ở Hà Nội. 15 năm làm dâu nhà chồng, dù nhà chồng cũng rất tâm lý, thế nhưng tết đến chưa năm nào chị Nguyệt dám đề xuất xin bố mẹ chồng cho ăn tết nhà ngoại. Chỉ có duy nhất 1 lần cách đây 2 năm, vợ chồng và con cái chị mới được về nhà ngoại đón tết. Đây cũng là cái tết đầy mất mát mà chị không thể quên.
Từ xứ Nghệ, chị Nguyệt ra Hà Nội học và làm việc. Năm 21 tuổi chị gặp và yêu chàng trai Hà Nội. Sau 2 năm yêu nhau, chị Nguyệt ra trường đi làm, 2 người làm đám cưới. 24 tuổi, chị sinh 1 bé gái. Năm 30 tuổi chị sinh tiếp lần 2. Suốt 15 năm qua, vợ chồng chị ở cùng bố mẹ chồng vì chồng chị là con trai trưởng trong nhà.
|
Ảnh minh họa |
Chị Nguyệt tâm sự: “Bố mẹ chồng mình có 3 người con gồm 2 trai, 1 gái. Hiện nay, em gái và em trai chồng đều đã có gia đình riêng và ở nơi khác. Nhưng vợ chồng mình thì vẫn ở chung với bố mẹ chồng. Vì là con dâu trưởng trong nhà, nên mình chưa bao giờ dám ngỏ ý với mẹ chồng cho vợ chồng về nhà ngoại ăn tết”.
Chị Nguyệt kể rằng, chị không về quê ngoại đúng ngày tết có rất nhiều lý do chính đáng. Khi thì do là con dâu năm đầu đón tết ở nhà chồng. Khi thì bận con nhỏ không về quê được. Lúc thì lại bận công tác nên đến tết nhà nội còn chưa lo chu toàn được.
Chị vẫn nhớ như in cái tết đầu tiên chị Nguyệt đi làm dâu, làm vợ, làm mẹ: “Những ngày cận tết, ở nhà chăm con gái mới chỉ 2 tháng tuổi mà mình thấy buồn nao lòng. Mình nhớ ở thời điểm ấy, nếu còn ở nhà thì mình đã đi mua sắm tết, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị rửa lá để mẹ gói bánh chưng. Và đêm giao thừa cùng phụ mẹ làm mâm cỗ cúng gia tiên, thần linh rồi 2 mẹ con đi chùa nhà đến tận 2h sáng mới về. Còn tết năm đầu tiên ở nhà chồng mình vẫn chỉ đang nằm ổ, quanh quẩn với bỉm và sữa cho con”.
Những năm sau, năm nào cũng tự nhủ vợ chồng 1 năm đón tết nhà nội, 1 năm đón tết nhà ngoại nhưng chị Phượng lại không thể thực hiện được. Chồng chị và bố mẹ chồng cũng không hề cấm cản gì nhưng chưa năm nào vợ chồng chị về quê ngoại ăn tết.
“Thật sự, mọi thứ không dễ dàng. Năm thì chồng phải đi trực tết, năm thì con nhỏ ốm đau. Năm lại nhà nội có tang cụ nên không đi lễ tết được. Năm thì công việc của mình bận rộn đến tận 30 tết. Đến lo cái tết nhà nội còn phải nhờ cậy chủ yếu vào bố mẹ chồng mới được cái tết trọn vẹn thì sao dám mơ đến việc đón tết nhà ngoại. Vì thế chẳng ai cấm cản mà chủ yếu do bản thân vẫn còn nhiều lần lữa, vướng mắc nên ước mong đón giao thừa nhà ngoại vẫn chẳng thực hiện được”, chị Phượng buồn buồn kể.
Cách đây 2 năm, chị Phượng nhớ năm đó vào ngày 27 tết. Khi chị đang đi mua sắm cùng mẹ chồng ở siêu thị thì nhận được tin mẹ đẻ mất do một cơn tai biến.
|
Ảnh minh họa |
“Em trai mình gọi điện nói rằng, mẹ vừa đi lên sửa soạn bàn thờ gia tiên, khi đi xuống cầu thang thì bị tai biến và ngã. Bà ra đi ngay chẳng kịp nói lời trăng trối với chồng con. Mình luống cuống gọi chồng về nhà cùng đưa 3 mẹ con mình về nhà ngoại chịu tang mẹ. Về nhà ngoại thấy cảnh mọi người đang đợi mình về để phát tang mà nước mắt cứ tuôn như mưa. Mình cứ có cảm giác hụt hẫng, xót xa và ân hận quá. Tết năm đó, đưa tang mẹ xong mà mình bị suy sụp tinh thần. Và mình chợt nhận ra, chẳng có gì quý giá bằng tình thân gia đình hết. Tết năm mất mẹ là một cái tết thật đáng nhớ ở nhà ngoại”, bà mẹ này nhớ lại.
Suốt từ năm mất mẹ, chị Phương luôn tự nhủ với lòng dù cho có bận rộn cỡ nào, chị cũng sẽ cố gắng về nhà ngoại ăn tết với bố và các em. Nhưng 2 năm qua, dự định ấy của chị Phương vẫn không thực hiện được.
“2 năm nay dù mẹ đã mất, vợ chồng đã rất cố gắng nhưng cũng chỉ về nhà ngoại được vài ngày trước tết hoặc đến mùng 3 tết, cả nhà mới kéo nhau từ Hà Nội về Nghệ An ăn tết cho đến khi đi làm lại. Bố mẹ chồng mình cũng ngày càng già. Vì thế, là dâu trưởng mình phải đứng ra lo toan cái tết nhà nội sao cho đủ đầy và đấm ấm nhất. Trong khi mình cũng bận, những ngày cuối năm phải tranh thủ mua sắm tết. Tết nào cũng bận rộn cho tới tận hết sáng mùng 1.”, chị Phượng cho biết.
Thời điểm này khi tết đã đến rất gần, lòng người vợ trẻ lại ngổn ngang trăm mối và chạnh lòng: “Tết năm nay, vợ chồng dự định sẽ về ăn tết nhà ngoại. Dù thu xếp khó khăn nhưng mình sẽ cố gắng. Bởi năm nay là 3 năm giỗ mẹ. Mình tin mẹ cũng như bố mình, chẳng cần mâm cao cỗ đầy ngày giỗ cận tết, chỉ cần các con cái có thể đón cái tết cùng nhau với đầy đủ thành viên. Giao thừa về, mình sẽ làm món ăn mẹ thích nhất để dâng lên cúng giao thừa. Tết ở nhà ngoại như vậy mới trọn vẹn”.
Phương Hà