15 năm đổi thay ở "quận lạ kỳ"

14/01/2024 - 17:38

PNO - Thoạt nhìn ngỡ như Q.4 chẳng có gì nhưng thật ra lại có tất cả, vì chỉ mất chừng 10 phút là đã đến Q.1 hoặc khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

 

Q.4 về đêm
Q.4 về đêm

Hồi đó, ngay thời điểm tôi lấy chồng (cũ), các anh chị em của mẹ (tức các dì, cậu của tôi) đều muốn bán nhà của ngoại để chia đều. Khi ấy, ông bà ngoại mất cũng đã lâu, nhưng cả nhà vẫn giữ thói quen tụ tập về nhà ngoại vào mỗi dịp đám giỗ hay lễ tết.

Mẹ không nỡ bán đi nơi sum họp gia đình nên rút hết tiền dành dụm bao năm mua lại từng phần của từng anh chị em trong nhà, chính thức đứng tên căn nhà và cho vợ chồng tôi về ở. Thế là bỗng dưng tôi may mắn có căn nhà riêng sát vách trung tâm Sài Gòn.

Quận "cái gì cũng có"

Về ở rồi, tôi mới thấy Q.4 là 1 quận kỳ lạ. Đây là quận duy nhất ở Sài Gòn có 3 mặt giáp sông và bao bọc bởi những cây cầu. Từ Q.1 sang Q.4 đến những 5 cây cầu, từ Q.4 sang Q.7 được nối bằng 3 cây cầu khác nữa. Vì là quận giao thoa giữa Q.1 và Q.7, những cây cầu ở Q.4 luôn đông người qua lại như mắc cửi, kẹt xe đã trở thành “đặc sản”.

Cầu Mống bắt từ Q.1 qua Q.4 nhưng chỉ dành cho người đi bộ. Ảnh: Internet
Cầu Mống bắt từ Q.1 qua Q.4 nhưng chỉ dành cho người đi bộ

Nhưng ngay cả khi không phải là quận giao thoa, Q.4 vốn dĩ đã là quận nhỏ nhất nhưng lại có mật độ dân số cao nhất TPHCM. Theo thống kế vào năm 2019, diện tích Q.4 ngày nay gần 4,2 km2, với dân số khoảng 175.329 người, mật độ dân số vào khoảng 41.945 người/km2 (*), chật như nêm chứ không vừa.

Vì là quận nhỏ nên ở Q.4 không có siêu thị lớn, trung tâm thương mại càng không, khu vui chơi cũng ít. Thoạt nhìn ngỡ như Q.4 chẳng có gì, nhưng thật ra lại có tất cả, vì chỉ mất chừng 10 phút là đã đến Q.1 hoặc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, những nơi sang chảnh, lấp lánh, món ăn chơi nào cũng không thiếu. Cũng nhờ địa thế “kẹp” giữa 2 quận lớn nên điện, nước Q.4 khá ổn định, nói nôm na là "xài ké" nhưng mà biết chọn chỗ ké nên mọi thứ đều khá bình ổn.

Ngoài kẹt xe, Q.4 còn hai “đặc sản” khác là hẻm nhỏ và món ăn đường phố. Nói đâu xa, nhà tôi là điển hình của nhà trong hẻm nhỏ, qua mấy lần quẹo trái rồi quẹo phải, bề ngang hẻm hai xe máy đi phải tránh nhau. Nhưng có những com hẻm thậm chí còn nhỏ hơn, chỉ vừa một chiếc xe máy đi qua.

Những con đường nhỏ mà dài đặc trưng của Q.4. Ảnh: Cao Bảo Vy
Những con đường nhỏ mà dài đặc trưng của Q.4 (ảnh: Cao Bảo Vy)

Hẻm nhỏ vậy nhưng chẳng bao giờ thiếu món ăn vặt, kiểu gì người ta cũng tìm được một góc “cùi chỏ” nào đó rộng rãi hơn mặt hẻm một chút để bày một chiếc tủ nho nhỏ, bán bánh mì xíu mại, bánh tráng trộn… Nơi nào rộng hơn, kê được dăm cái bàn, vài cái ghế… thì bán bún mắm, bún riêu…

Đi khắp ngõ ngách nào của Q.4 cũng thấy món ăn đường phố. Quán nhỏ trong hẻm đã nhiều, lại có cả những khu ẩm thực tập trung, như chợ 200 hay phố ẩm thực Vĩnh Khánh. Thôi thì người xe lũ lượt, í ới gọi nhau thưởng thức món ngon khắp thiên hạ, từ bún măng vịt miền Tây đến bánh canh Huế, từ ốc Sài Gòn đến cả sushi Nhật Bản… Không chỉ người Q.4 mà người quận khác cũng rủ nhau kéo sang đây. Ở khu Vĩnh Khánh, người ta có thể ngồi ăn ốc và uống bia đến tận sáng là chuyện bình thường.

15 năm lạ hóa quen

Thấm thoắt, tôi ở Q.4 đã 15 năm, từ một cô gái mới lấy chồng thành bà mẹ của đứa con gái 14 tuổi. Ngày mới về, dù ở Q.4 sang Q.1 đi làm rất gần, tôi vẫn chẳng thích nơi này. Vốn đã ở Q.6 hơn 20 năm, tôi cảm thấy gần gũi hơn với không khí người Hoa nhộn nhịp và những món ăn đường phố khu Chợ Lớn. Ở nơi này, mọi thứ đều lạ lẫm.

Hẻm nhỏ Q.4 nơi tôi ở, nay đã thành chốn thân quen. Ảnh: Cao Bảo Vy
Hẻm nhỏ Q.4 nơi tôi ở, nay đã thành chốn thân quen (ảnh: Cao Bảo Vy)

Còn nhớ ngày tôi mới về, từ Q.1 sang Q.4 chỉ có mỗi cây cầu Ông Lãnh, mỗi lần dừng chờ đèn đỏ phải hơn một phút. Cầu Calmette và cầu Khánh Hội khi đó vẫn đang thi công. Nhà tôi ở khu Xóm Chiếu - Đoàn Văn Bơ, tôi thường đi theo đường Nguyễn Tất Thành quẹo vào đường Xóm Chiếu, mà khu vực Nguyễn Tất Thành vốn là cảng dỡ hàng, ngày ngày lũ lượt xe tải và xe container, tôi mỗi ngày vừa chạy xe vừa run.

Con hẻm tôi ở vừa nhỏ lại vừa thấp, ngày mưa ngập nước đã đành, Q.4 giáp sông nên thường xuyên bị triều cường, ngày khô cũng ngập. Có những hôm mưa to, xe chết máy, tôi vừa dắt xe vừa lội bì bõm vào nhà muốn hụt hơi. Có những ngày nước ngập lênh láng mà may mắn được nghỉ ở nhà, tôi “tận dụng” đó làm niềm vui, xé giấy lịch xếp thuyền cho con gái thả chơi.

Mới đó mà thấm thoắt đã 15 năm, Q.4 của tôi giờ đã thay da đổi thịt đến không ngờ.

Khu vực bờ kênh dọc Bến Vân Đồn nay được cải tạo, nâng cấp thành công viên rộng rãi, xanh mát. Các khu chung cư cao cấp thi nhau mọc lên, cùng với quán cà phê, quán ăn nhộn nhịp… biến nơi này thành khu đô thị sầm uất không thua kém khu trung tâm Sài Gòn. Thỉnh thoảng, tôi dẫn bé cún đi dạo, chụp ảnh ở đây, rất thoáng mát và sạch đẹp.

Khu vực Bến Vân Đồn Q.4 khang trang không kém khu đô thị mới nào. Ảnh: Internet.
Khu vực Bến Vân Đồn Q.4 khang trang không kém khu đô thị mới nào

Cầu Khánh Hội và cầu Calmette, sau khi hoàn tất thi công, đã trở thành 2 cây cầu huyết mạch nối Q.4 và Q.1. Tôi đi làm gần khu Nguyễn Huệ nên đi 2 cây cầu này tiện hơn rất nhiều so với cầu Ông Lãnh, dừng chờ đèn đỏ cũng nhanh hơn, chỉ chừng mấy mươi giây. 2 cây cầu này lại bắc qua khúc sông rất đẹp của sông Sài Gòn. Còn nhớ dạo con tôi học ở Q.3, mỗi buổi sáng chở con đi học, 2 mẹ con nhìn mê mải “tấm thảm sông” lấp lánh ánh nắng phản chiếu như những viên kim cương. Gió từ sông thổi lên mát rượi, nên cứ chạy lên cầu là bé con thích thú cười tít mắt.

Không chỉ có những cây cầu và con đường lớn, con hẻm nhà tôi ở cũng được “nâng cấp” hẳn lên sau nhiều năm sinh sống. Mặt đường, mặt hẻm đều nâng cao, trời mưa và triều cường bây giờ không còn ngập nước, tôi cũng thoát cảnh lội nước bì bõm đẩy theo con xe máy. Hẻm nhỏ vẫn còn, đường nhỏ vẫn còn, nhưng Q.4 giờ đã khang trang hơn, đường bớt ghồ ghề hơn. Giao lộ Xóm Chiếu - Nguyễn Tất Thành cũng được lắp thêm đèn giao thông nên việc lưu thông giờ không chỉ thuận tiện mà còn an toàn hơn hẳn.

15 năm, Q.4 nhà tôi thay da đổi thịt, cũng như thành phố tôi cũng đang phát triển và đổi mới không ngừng. Và rồi, tôi đã yêu Q.4 từ khi nào chẳng biết, để rồi mỗi khi có ai hỏi người ở đâu, tôi lại tự hào trả lời rằng: “Mình sinh ra ở Sài Gòn, là dân Q.4”.

Yêu lắm, Sài Gòn của tôi, Q.4 của tôi!

Cao Bảo Vy (Q.4, TPHCM)

 

 

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn, tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Cơ cấu giải thưởng: 

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất…

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI