15 bí quyết để tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh

18/08/2015 - 14:00

PNO - Những cách dưới đây sẽ tập cho con thói quen ăn uống để khoẻ mạnh hơn với các thực phẩm bổ dưỡng.

1. Ăn uống điều độ

Trẻ em cần ăn cách ba đến bốn giờ một lần gồm ba bữa chính, hai bữa phụ, và uống nhiều nước (nước lọc và nước trái cây...). Nếu bạn cho trẻ ăn uống đúng giờ, trẻ sẽ bớt cáu kỉnh, khó chịu vì không còn cảm giác đói nữa.

2. Lên thực đơn cho bữa tối

Nếu phải lên thực đơn cho cả tuần thì thật khó, nên hãy bắt đầu với hai hoặc ba ngày trước đã. Một bữa ăn tối không cần cầu kỳ, nhưng phải cân bằng với đầy đủ tinh bột, trái cây hoặc rau, một ít protein như thịt nạc, pho mát, hoặc đậu.

15 bi quyet de tap cho con thoi quen an uong lanh manh
3. Tập cho trẻ quen với khẩu vị của cả gia đình

Một thói quen xấu của các bà mẹ là nấu một lần hai kiểu, một kiểu cho con và một kiểu cho hai vợ chồng. Việc này gây ra không ít mệt mỏi cho họ. Lời khuyên là nên chuẩn bị bữa ăn cho tất cả mọi người và nấu theo phong cách của gia đình để cho con lựa chọn món mình thích.

Trẻ con thường bắt chước hành vi của cha mẹ, nên rồi một ngày, chúng sẽ dần quen và ăn được hết các món theo khẩu vị của cả nhà.

4. Để cho bé ăn được thoải mái

Đừng phán xét rằng con phải ăn gì hay phải ăn bao nhiêu chén mới đủ. Hãy giữ cho mình trung lập. Bạn nấu nướng thật ngon là đã hoàn thành tốt công việc của một phụ huynh rồi. Nếu bạn suốt ngày ép buộc chúng, kiểu như "Lo mà ăn rau đi", thì con sẽ chỉ chống cự mà thôi.

5. Từ từ giới thiệu các món ăn mới

Trẻ em sinh ra là đã nhạy cảm với đồ ăn lạ rồi. Thế nên các mẹ phải nói với con rằng vị giác đôi khi phải tập làm quen với một hương vị mới rồi mới có cảm giác thích ăn.

Mẹo nhỏ là thần tượng của bé cũng giúp ích rất nhiều đấy. "Mấy anh hùng siêu nhân toàn ăn đậu Hà Lan mới to lớn và mạnh mẽ được như thế", nghe vậy là bé sẽ ăn ngày.

15 bi quyet de tap cho con thoi quen an uong lanh manh
6. Xay nhuyễn

Nếu con không chịu ăn rau, hãy xay nhuyễn ra. Vừa dễ ăn lại không có cảm giác như đang ăn rau nữa.

7. Làm cho bữa sáng lành mạnh hơn

Hầu hết các gia đình không ăn đủ lượng chất xơ cần thiết mỗi ngày, nên bữa sáng là một thời điểm thuận lợi để "lẻn" nó vào mâm cơm. Chọn các loại ngũ cốc giàu chất xơ như gạo lứt, các loại đậu còn nguyên vỏ...

8. Biến hoá đậu nành

Sữa đậu nành là một nguồn phytochemical tuyệt vời. Dù các con không thích uống sữa đậu nành thì bạn vẫn có thể dùng làm nguyên liệu cho các món ăn như bỏ vào hoà tan bột yến mạch, cho vào khoai tây nghiền hay làm nước sốt.

9. Rắc một chút đường

Các món rau củ như cà rốt nấu chín sẽ dễ ăn hơn với một chút đường, các loại nước ép trái cây cũng vậy. Hoặc bé cũng rất thích rắc đường lên trái cây và ăn. Dù rằng trẻ sẽ ăn nhiều đường hơn mức bình thường một chút, nhưng đổi lại chúng cũng chịu ăn trái cây và rau quả.

10. Cho trẻ nấu ăn

Nếu con cùng tham gia vào việc chọn lựa và chuẩn bị bữa ăn, chúng sẽ thích thú hơn trước những món ăn mình tự tay làm nên. Đưa bé đi chợ và cho bé lựa chọn các nguyên liệu. Nếu con đã đủ lớn, giao cho con nhiệm vụ lặt rau và trộn salad. Dù có "tiền sử" ghét rau củ nhưng với món ăn mình nấu thì bé sẽ rất hào hứng.

11. Cắt giảm đồ ăn không lành mạnh

Hãy nhớ rằng bạn là người phụ trách các loại thực phẩm trong gia đình, chứ không phải là bọn trẻ. Hãy giảm bớt các món đồ ăn vặt trong nhà,  buộc con phải ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc  và các sản phẩm từ sữa thôi.

15 bi quyet de tap cho con thoi quen an uong lanh manh
12. Phải mềm lòng đôi chút

Cái gì quá cũng không tốt. Đôi khi bố mẹ cũng nên "thư thả" cho trẻ được nếm vài ba thứ chúng yêu thích như kẹo, soda, hay là bánh ngọt vào những dịp đặc biệt như về thăm ông bà hay lúc đi du lịch cũng không ảnh hưởng gì nhiều.

13. Biến món ăn trở nên sống động

Bữa ăn càng sáng tạo, trẻ càng muốn ăn nhiều hơn. Ví dụ như trang trí món trứng rán thành mặt cười hoặc là đặt những cái tên ngộ nghĩnh cho các món ăn, cắt nhỏ đồ ăn thành hình trái tim, ngôi sao chẳng hạn...

14. Hãy làm gương

Nếu bạn đang phải ăn kiêng liên tục hay có thói quen ăn uống thất thường, con bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng khi lớn lên. Lắng nghe cơ thể, chăm chút cần thận khi đói lẫn khi no, rồi con cái sẽ học theo những điều tốt.

15. Điều chỉnh thái độ của bạn

Những gì con ăn thường xuyên mới quan trọng. Còn một ít bỏng ngô khi ở rạp chiếu phim hay thưởng thức một ly kem mát lành cũng là cách tận hưởng cuộc sống mà. Miễn là cân bằng giữa chuyện dung nạp thức ăn và hoạt động thể chất, con sẽ khoẻ mạnh lớn lên thôi.

Thủy Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI