Hành lang pháp lý có đủ, sao người bị bạo hành vẫn chưa được bảo vệ tốt?

23/02/2022 - 09:45

PNO - Buổi tọa đàm đã trả lời câu hỏi: “Bạo hành gia đình: Đừng im lặng! Nhưng gọi ai? Gọi ở đâu?”,

Đối với bạo hành gia đình, đã có lời kêu gọi sâu rộng trong cộng đồng “Đừng im lặng!”. Thế nhưng thực tế, không ít tiếng kêu của nạn nhân đã vang lên trong tuyệt vọng.

Chỉ hai tháng trước và sau Tết, cả nước ghi nhận hàng chục vụ cố ý gây thương tích, gây tử vong mà nạn nhân và thủ phạm là thành viên một gia đình. Những câu chuyện không mới, những cách thức bạo lực không mới, dù Luật Phòng chống bạo hành gia đình ra đời đã 14 năm. “Chuyện nhà người ta” trở thành nỗi nhức nhối của xã hội.

Từ số báo ra ngày 18/2/2022, Báo Phụ Nữ TP.HCM một lần nữa gióng tiếng chuông cảnh báo về vấn nạn nhức nhối này. Tuy nhiên, cũng qua những bài báo này, chúng tôi lại tiếp tục nhận cuộc gọi từ bạn đọc, kêu gọi Báo tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn để chung tay ngăn chặn vấn nạn bạo lực gia đình. Trong đó, nhấn mạnh vai trò các cơ quan chức năng, đoàn thể trong việc ngăn ngừa và xử lý bạo lực gia đình.

 

Bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM tặng hoa cảm ơn các đại biểu
Bà Phạm Thị Vân Anh (giữa) - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM tặng hoa cảm ơn các đại biểu

Để trả lời câu hỏi: “Bạo hành gia đình: Đừng im lặng! Nhưng gọi ai? Gọi ở đâu?”, Báo Phụ Nữ tổ chức tọa đàm “Kết nối để xử lý các vấn đề bạo lực gia đình sao cho hiệu quả?” với các khách mời gồm bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM, Thạc sĩ Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng phòng BVCSTE, Sở LĐTBXH TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tính - Phó phòng BVCSTE, Sở LĐTBXH TPHCM, đại diện lãnh đạo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, đại diện lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ Công an TPHCM.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm

Ngoài ra, còn có ba vị khách mời đặc biệt của chương trình, là những người trong cuộc của câu chuyện bạo lực gia đình.  Đó là chị N. T. T. T (TP.HCM), chị D. T. T (Quảng Trị), chị V. T. T. L (TP.HCM).

Bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham gia buổi tọa đàm. "Báo Phụ Nữ TPHCM mong muốn được lắng nghe tiếng nói của các chuyên gia, đại diện các ban ngành và những người trong cuộc để Báo chuyển tải thông tin đến bạn đọc, cùng chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình" - bà Phạm Thị Vân Anh, nói. 

Sao phải chờ nạn nhân tố cáo công an mới vào cuộc?

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, chị T. (40 tuổi, ngụ tại TPHCM) cho biết, chị và chồng đang trong quá trình chờ ly hôn và trong những ngày tháng qua, thỉnh thoảng chị phải chịu những trận đòn, lời chửi bới của chồng. Ngày 29/12/2021, chị T. đã kêu cứu đến đường dây nóng Báo Phụ Nữ TPHCM sau khi bị chồng chửi mắng, đánh vào đầu, dù chị và chồng đi đến thỏa thuận: chuyện ai người ấy làm và không can dự vào đời sống của nhau nữa. Tuy nhiên, khi say rượu, chồng chị lại ghen tuông, lớn tiếng và “động tay động chân” với vợ.

 

Chị T. bật khóc khi nói về sự việc của mình

Chị T. nói: “Tôi nghĩ, công an nên làm việc với người bạo hành chứ không phải người bị bạo hành. Khi tôi báo công an đến làm việc, sự việc chưa giải quyết xong thì các anh đã về. Tôi gọi đến công an cấp quận thì họ nói đã chỉ đạo xuống công an phường. Từ đó, tôi nghĩ rằng mình phải tự bảo vệ mình, không còn cách nào khác". 

"Tại sao phải đợi đến khi có đơn tố cáo thì công an mới làm việc? Nếu trong trường hợp bị bạo hành nặng, làm sao nạn nhân có thể đi tất cả các nơi đã hướng dẫn theo đúng quy trình được. Hướng xử lý của công an là khuyên nạn nhân tìm đi đến nơi khác tạm lánh để chờ ngày xử lý xong. Tại sao không xử lý người bạo hành mà hướng dẫn người bị bạo hành đi trốn? Đó không phải là cách bảo vệ phụ nữ" - chị T. bức xúc. 

Các đại biểu lắng nghe các nạn nhân trình bày
Các đại biểu lắng nghe các nạn nhân trình bày

Còn D. T. T - cô gái đến từ Quảng Trị đã phải chịu đòn roi từ nhỏ vì… không hạp tuổi với cha mẹ, anh em trong gia đình. Chị đã nỗ lực để vượt lên chính mình bằng con đường học vấn. Tốt nghiệp kế toán, T. đi làm, phụ giúp gia đình, nhưng lại bị gia đình bắt về quê lấy chồng để… giải hạn cho gia đình bằng cách ép T. cưới người đàn ông mà cha mẹ cô cho là  hạp tuổi. Chị bị chặn bắt ngay cầu Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh - TPHCM) rồi đưa về Quảng Trị đánh, nhốt…

 

Chị D.T.T. lại bị chính những người thân trong gia đình mình bạo hành kéo dài nhiều năm

“Điều tôi buồn nhất là khi tôi bị bắt lên xe trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ công an. Tôi la lớn cầu cứu nhưng không một người nào can thiệp”, T., kể.

"Tôi cho rằng từ hành lang pháp lý đến việc can thiệp để bảo vệ phụ nữ, trẻ em vẫn còn một khoảng cách khá lớn bởi sự liên hệ giữa người dân với chính quyền, cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, cũng như các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc phối hợp để giải quyết, can thiệp từng trường hợp cụ thể".

Thạc sĩ Phan Thanh Minh - nguyên Trưởng phòng BVCSTE, Sở LĐTBXH TP.HCM

Đây chỉ là hai trong rất nhiều nạn nhân từng gọi đến đường dây nóng của Báo Phụ Nữ TPHCM cầu cứu khi bị bạo lực gia đình. Đáng nói, hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều đường dây nóng, nhưng khi có chuyện bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em xảy ra, báo chí vào cuộc thì mới phát hiện nạn nhân từng không biết cầu cứu ở đâu trong khi hầu như các nạn nhân đều bị bạo hành trong thời gian rất dài.

Từ hành lang pháp lý đến can thiệp bảo vệ còn khoảng cách lớn

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ Quyền Trẻ em chia sẻ, khi tiếp nhận đường dây nóng 18009067, bà đã gặp rất nhiều trường hợp đáng tiếc khi chịu đựng sự bạo hành nhiều năm, nhiều lần. Cả khi đã ly hôn, họ tiếp tục bị đánh.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ Quyền Trẻ em

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, nguyên nhân của tình trạng này, là do kiến thức pháp luật ở các chị còn quá hạn chế, không biết mình có quyền được bảo vệ. Các chị lại có tâm lý sống vì các con nên im lặng và chịu đựng. “Tôi muốn nhắn gửi đến các chị em, khi xảy ra vấn đề bạo hành, các chị ngay lập tức tìm đến Hội Phụ nữ, Công an để nhờ lập biên bản, đó chính là cơ sở để các cơ quan chức năng vào cuộc”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, nhấn mạnh.

Từ góc độ người trực đường đây nóng 1900636700 của Nhóm hành động cộng tác xã hội Việt Nam - Thạc sĩ Phan Thanh Minh đã tiếp cận, lắng nghe rất nhiều số phận. Tuy nhiên, bà vẫn còn không ít băn khoăn trong việc giải quyết các câu chuyện bạo hành.

“Hiện nay, hỏi người dân biết số tổng đài các đường dây nóng không thì phần lớn họ biết đường dây nóng của Báo Phụ Nữ TPHCM nhiều hơn. Điều đó chứng tỏ rằng các đường dây nóng này không “nóng”. Bởi việc giải quyết các sự việc chưa được ổn thỏa”, bà nhấn mạnh.

từ hành lang pháp lý đến việc can thiệp để bảo vệ phụ nữ, trẻ em vẫn còn một khoảng cách khá lớn
Theo thạc sĩ Phan Thanh Minh, từ hành lang pháp lý đến việc can thiệp để bảo vệ phụ nữ, trẻ em vẫn còn một khoảng cách khá lớn

Theo bà Phan Thanh Minh, hành lang pháp lý để xử lý các sự việc có. Tuy nhiên, từ hành lang pháp lý đến việc can thiệp để bảo vệ phụ nữ, trẻ em vẫn còn một khoảng cách khá lớn bởi sự liên hệ giữa người dân với chính quyền, cơ quan chức năng chưa được chặt chẽ cũng như các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc phối hợp để giải quyết, can thiệp từng trường hợp cụ thể.

Bà Trần Thị Huyền Thanh – Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - thông tin, trong việc can thiệp, hỗ trợ các trường hợp bị bạo hành, có những trường hợp, Hội LHPN TP phải hỗ trợ để nạn nhân tạm lánh ở nơi xa, tuy nhiên, đó không phải là cách giải quyết câu chuyện bạo lực gia đình, bởi người phụ nữ, trẻ em phải an toàn ngay trong chính ngôi nhà của họ. 

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM
Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Do đó, chính bản thân người phụ nữ phải nâng cao nhận thức, phải báo tin ngay khi bị bạo hành để nhận sự giúp đỡ của người thân, cơ quan chức năng để được can thiệp kịp thời, đúng chức năng, trách nhiệm.

Nói về việc thực thi pháp luật trong vấn đề xử lý bạo lực gia đình, bà Trần Thị Huyền Thanh đề xuất, phải có cơ chế giám sát việc tổ chức kiểm điểm, phê bình tại địa bàn dân cư; xem xét, bổ sung hình phạt lao động công ích với những đối tượng bạo hành để răn đe; phát huy các tổ, các địa chỉ tin cậy cộng đồng để người dân có chỗ dựa khi bị bạo hành. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải kịp thời vào cuộc để ngăn chặn, xử lý các hành vi bạo lực gia đình.

Trong tất cả mọi vụ việc xảy ra, người dân hãy mạnh dạn báo cáo, cũng như trường học, cơ sở ý tế khi phát hiện những dấu hiệu bị bạo hành ở trẻ, phải báo cáo ngay với cơ quan chức năng. Việc phối hợp xử lý khi vấn đề bạo hành đã xảy ra chỉ giải quyết vấn đề ở ngọn, mà cái gốc quan trọng vẫn là ngăn ngừa để câu chuyện bạo lực gia đình không xảy ra. Để làm được điều đó, không gì khác hơn là “cùng nhau lên tiếng”.

Ông Nguyễn Văn Tính - Phó phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, Sở LĐTBXH TPHCM

.Thu Lê 

Ảnh: Tam Nguyên - Phùng Huy  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI