"Ngoài mua bán, cho thuê sách cũ, hai vợ chồng mình phải làm thêm đủ thứ việc để trang trải cuộc sống như: Mình bán thêm ốc luộc, chồng ngoài giờ học là chạy xe ôm, có hôm bốc vác đến tối mịt mới về để đưa vợ thêm 50 nghìn...".
Đó là những lời kể về những ngày lập nghiệp đầy khó khăn, cay đắng của cặp vợ chồng chị Thu Hoài (35 tuổi, từng sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội) và anh Tuấn (từng là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội).
|
Gia đình anh Tuấn và chị Thu Hoài. |
Đám cưới thiếu thốn và những ngày cơ cực
Mở đầu câu chuyện đầy bão tố cuộc đời mình, chị Thu Hoài nhớ lại: "Khi ấy, mình mới ra trường, việc làm chưa có, nhà trọ thì đi thuê (bọn mình đều xuất thân từ miền quê ra tỉnh). Nói ra mọi người đừng cười, khi đó mình trót có bầu, còn suy nghĩ non nớt và sợ hãi nên mình tính bỏ con, thì ông xã bảo: "Anh yêu em và khổ mấy anh cũng chịu được, nếu giờ em đi bỏ con thì về chúng mình bỏ nhau luôn". Chỉ vì câu nói đầy trách nhiệm ấy của chồng, mình đã xúc động và gật đầu về làm đám cưới...
Và thế là một đám cưới vội vã, lo lắng và thiếu đủ thứ diễn ra: Không ảnh cưới, không nhẫn cưới cũng không mua sắm gì cả, chỉ có vợ và chồng cùng một tương lai hứa hẹn nhiều vất vả chờ đón".
Quá trình lập nghiệp đầy gian khó của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu từ tiệm sách nhỏ và hàng loạt thứ việc vừa làm vừa học để trang trải cuộc sống từng ngày, đôi khi phải đối mặt với cả những nguy hiểm:
"Chúng mình bắt đầu từ một tiệm sách nhỏ, chủ yếu là mua bán, cho thuê sách cũ và truyện tranh. Ngoài hiệu sách, hai đứa phải làm thêm đủ việc để đủ trang trải cuộc sống. Mình bán thêm ốc luộc, chồng ngoài giờ học là chạy xe ôm.
Ở khu mình thuê cửa hàng khi ấy nghiện ngập rất nhiều, nhiều hôm hai vợ chồng chuẩn bị ăn cơm thì có khách gọi xe ôm, anh ấy lại đi ngay, còn mình mình ở nhà lo lắng nuốt không nổi", chị Hoài nhớ lại.
Hình ảnh về chồng mà chị sẽ mãi mãi không thể quên là người chồng kiên trì, bền bỉ dậy sớm mỗi ngày đông để đi lấy hàng về cho chị bán, quần quật cả ngày vì vợ vì con: "Anh ấy rất cố gắng, năm ấy, mùa đông lạnh thế, sáng 5h mình dậy đã thấy anh ấy đã dậy đi lấy ốc. 6h về NXB lấy sách truyện tạp chí. 7h đi học, tối về lại cùng phụ vợ bán ốc.
Có lần tan giờ học mãi không thấy chồng về, 8h tối thấy chồng về thì người nhễ nhại mồ hôi, anh rút tờ 50 nghìn trong túi ra bảo mình: Anh vừa cùng 2 người nữa bốc hết 1 ô tô gỗ... Mình thương chồng rớt nước mắt.
Thời gian đó mình lại mang bầu, suốt 9 tháng mang bầu, mình không được ngụm sữa nào, lại vừa làm việc, vừa nuôi con, chồng vẫn đi học. Đông hay hè mình cũng chỉ có 2 bộ đồ mặc...", chị nhớ lại.
Cuộc sống dần đủ đầy và những thói quen... vẫn không thay đổi
Và rồi, những ngày tháng "căng đét" công việc và khổ cực ấy cũng dần qua đi, cuộc sống vợ chồng chị đã khởi sắc hơn một chút: "Sau đó 1 năm, chúng mình chuyển cửa hàng, may mắn về một nơi đông dân cư, gần trường học nên đông khách lắm. Cứ ngoài giờ học anh ấy cùng mình làm việc đến khuya... Mọi thứ như bù đắp cho những nỗ lực của 2 vợ chồng.
Khi mình mang bầu con thứ hai, chồng mình cũng ra trường và vào cơ quan nhà nước làm. Ngay cả khi sau này chồng ra trường, đã đi làm thì thói quen đó cũng không thay đổi, ngoài giờ lên cơ quan là về bán hàng đỡ cho vợ đến 11h đêm thậm chí 12h đêm. Cửa hàng của vợ chồng mình đông khách tắt thở, ngày nào vợ chồng mình cũng làm việc 18 tiếng/ ngày".
Từ đó, hai vợ chồng chị Hoài tiếp tục bảo nhau làm ăn, tiết kiệm và "quả ngọt" cho những giọt mồ hôi và nước mắt đã đến: "Một năm sau, mình mua được mảnh đất ở ngoại thành, 2 năm sau, mình mua được đất đổi lên nội thành và giờ mình có một căn chung cư cao cấp 120m2 ở Hà Đông và một vài tài sản khác. Có được điều đó, 70% là nhờ thu nhập vợ chồng mình kinh doanh, 30% là thu nhập của chồng mình.
Chồng mình tiếp tục vừa làm vừa học một lèo lên thạc sỹ, tiến sỹ và giờ làm trưởng phòng một cơ quan nhà nước. Cho dù là lúc khó khăn nhất hay cho đến tận bây giờ, anh ấy vẫn luôn là người chăm chỉ, cùng mình làm tất cả mọi việc, kể cả việc nhà mà không nề hà bất cứ điều gì", chị xúc động xen lẫn tự hào khi nói về người bạn đời tuyệt vời của mình.
14 năm nhìn lại, so với bạn bè đồng trang lứa, chị khiêm tốn: "Mình rất bình thường so với bạn bè cùng trang lứa thôi, nhưng tự nhìn lại chặng đường đã qua, thì thấy quả thật hai vợ chồng dũng cảm quá".
Qua câu chuyện về cuộc đời mình, chị Hoài nhắn nhủ: "Mình nghĩ rằng cái gì bắt đầu cũng sẽ rất khó khăn, đặc biệt là khi bắt đầu cuộc sống vợ chồng: công việc, kinh tế đủ thứ khó khăn... Nhưng, khi đã chọn con đường đi, cũng như người bạn đồng hành của mình rồi, thì hãy luôn cùng nửa còn lại cố gắng đi trên con đường ấy... Một ngày nào đó mới có được “quả ngọt”... cùng ăn".
Thu Huyền