14 hiệp hội kiến nghị thay đổi cách chống dịch để "sống chung với COVID-19"

17/09/2021 - 11:39

PNO - Các hiệp hội kiến nghị Chính phủ thay đổi một số quy định để có thể giúp các doanh nghiệp vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất.

14 hiệp hội doanh nghiệp như Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA),  Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Dệt may Việt Nam (VITAS)... cùng ký văn bản kiến nghị với Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Cụ thể, tại điểm sản xuất (hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp dịch vụ, nhà máy, công trình, bến cảng) các đơn vị này tự chủ lập phương án phòng chống dịch, thực hiện biện pháp 5K, chỉ xét nghiệm theo xác suất 10% lao động với tần suất 7 ngày/lần. Bộ Y tế cần ban hành công điện hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp toàn quốc về quy tắc xét nghiệm COVID-19 trong nhà máy, doanh nghiệp như tỷ lệ số công nhân phải xét nghiệm, thời gian xét nghiệm cho các trường hợp chưa tiêm vắc xin, đã tiêm một mũi và hai mũi. 

Các điểm sản xuất sẽ chủ động tổ chức hoạt động theo khu vực, giờ ăn linh hoạt, hạn chế tiếp xúc. Đồng thời phun khử khuẩn hàng ngày, vệ sinh mũi, họng bằng nước muối, xông tinh dầu. 

Khi có F0, doanh nghiệp khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày đồng thời thông báo y tế địa phương. 

Về vấn đề xét nghiệm, các hiệp hội mong muốn các tổ chức y tế được phép bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh. Chính phủ sẽ kiểm soát giá kit xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật Giá. Tổ chức Y tế, bệnh viện, y tế lưu động của địa phương hoặc của doanh nghiệp sẽ xét nghiệm đối với điểm sản xuất.

Quy định 3 tại chỗ không phù hợp với các nhà máy giết mổ
Doanh nghiệp đề xuất được trao quyền chủ động trong sản xuất và chống dịch

Các hiệp hội kiến nghị Chính phủ ban hành chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới, thay thế chỉ thị số 15 và 16 do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, trong đó quan điểm lẫn mục tiêu "zero COVID-19" đã chuyển sang "sống chung với COVID-19". Chỉ thị mới này cần phải quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện phòng chống dịch - phục hồi kinh tế, và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. 

Nên bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu trong các chỉ thị trên. Cả nước là một vùng, và quản lý dịch theo điểm: Không phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý mà quản lý phòng chống dịch theo điểm dân cư nhỏ nhất có nguy cơ cao (căn nhà, căn hộ, xóm, tổ dân phố, ngõ phố, khu tập thể, phân xưởng, phòng ban...). Chính phủ lập tổ đặc biệt để kiểm tra, giám sát lưu thông, chống ách tắc hàng hóa bằng đường dây nóng. Các địa phương chỉ được phép kiểm tra phòng chống dịch đối với người trên các phương tiện vận chuyển tại điểm đi và điểm đến.

Bản kiến nghị còn đề xuất ngân sách Nhà nước chi trả các chi phí xét nghiệm, điều trị cho các cá nhân chưa có bảo hiểm y tế. Còn chi phí xét nghiệm, phòng chống dịch của các tổ chức, doanh nghiệp được khấu trừ vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí Công đoàn, phí bảo hiểm xã hội. 

Với các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, 14 hiệp hội kiến nghị cho phép cộng lãi suất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng, đồng thời gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn sự hỗ trợ để lập các cơ sở lưu trú, lập các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai phòng chống dịch tại các nhà máy, cụm nhà máy, khu công nghiệp.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI