1. Tích cực cập nhật công nghệ
Mặc dù Lagerfeld phát cuồng vì tạp chí in và thích máy fax hơn email nhưng trước cơn lốc của công nghệ, ông dần thể hiện khát khao và sự quan tâm đến nhiều thứ mới mẻ như iPod, máy ảnh kỹ thuật số, nhạc Rap, nhạc điện tử hay nhạc Dance.
Những năm ở tuổi 70, ông thôi dùng máy fax mà chuyển sang dùng iPhone và liên tục kiểm tra điện thoại cũng như xem hình ảnh chú mèo cưng Choupette được những người chăm sóc cho nó gởi đến.
|
Là người có gout thẩm mỹ, Karl Lagerfeld luôn xuất hiện trong bộ dạng chỉn chu và hợp mốt. |
2. Mối quan hệ thù địch với Yves Saint Laurent
Khi mới đến Pháp, ông và Yves Saint Laurent là bạn bè. Thập niên 1970, Yves Saint Larent và Lagerfeld đều để mắt tới chàng quý tộc Jacques de Bascher. Lagerfeld từng nói yêu sâu đậm người đàn ông này. Đó cũng là người đàn ông Pháp lịch thiệp nhất mà ông từng thấy, nhưng Jacques de Bascher chọn Yves Saint Larent. Đôi bạn từ đó không chung đường. Họ trở thành địch thủ cả trong tình trường lẫn thương trường.
3. Thời trang mang đến hạnh phúc
Không giống như Yves Saint Laurent, quỹ đạo của Lagerfeld chậm hơn, ổn định và lâu dài hơn, từ đó, tạo nên sự phát triển vượt bậc và huy hoàng cho đến khi ông ra đi. Mặc dù vậy, lúc mới đến Chanel, ông không được nhân viên của hãng chào đón.
Trong một bài phỏng vấn vào năm 2015, Lagerfeld nhớ lại: “Việc nổi tiếng thật lạ lùng, tôi không biết nó đã xảy ra như thế nào. Nhưng, như một nhà tiên tri từng nói với tôi khi tôi còn nhỏ: 'Với con, mọi thứ chỉ thực sự bắt đầu khi nó kết thúc với những người khác'. Điều này quả tình là như vậy".
Ông cũng phản đối cách sống của Saint Laurent. “Tôi không phải là một người nghiêm túc”, ông nói. “Nếu bạn đau khổ trong việc đang làm, bạn nên nói cho mọi người biết. Họ không mua quần áo của bạn vì bạn phải chịu đựng những nỗi dày vò để làm ra chúng. Quần áo ở đó để làm cho mọi người thêm hạnh phúc và cải thiện rất nhiều thứ, nếu họ cần”.
|
Karl Lagerfeld thời trẻ bên cạnh người mẫu đang diện thiết kế của ông. |
4. Sống lành mạnh
Lagerfeld cho rằng, sức làm việc vô tận của ông một phần đến từ việc ông không hút thuốc, không uống rượu hay tham gia tiệc tùng triền miên như những nhà thiết kế khác. Vây quanh ông là một nhóm những người trẻ đủ mọi tầng lớp. “Khi bạn bắt đầu chỉ trích, thời gian của bạn đã hết. Điều quan trọng nhất trong thời trang chính là sự sáng suốt nếu bạn muốn đi đến cái đích cuối cùng”, ông nói.
Ông còn có một tủ lạnh chuyên dụng trong phòng tắm để bảo quản các sản phẩm chăm sóc da.
5. “Mọt sách” thứ thiệt
Năm 1999, Lagerfeld mở cửa hàng sách trên phố Rue de Lille ở Paris và đặt tên 7L, chuyên bán những cuốn sách ảnh cao cấp và khó tìm. Một năm sau, ông thành lập công ty xuất bản 7L, chuyên xuất bản những cuốn sách về thời trang, nhiếp ảnh và tái bản những cuốn sách không còn xuất bản nữa.
|
Karl Lagerfeld đang bị “vây kín” bởi những quyển sách rải rác một cách có tổ chức, một phần trong 250.000 quyển sách mà ông đang sở hữu. |
Ẩn mình phía sau studio 7L, thư viện riêng của Karl Lagerfeld khiến người ta choáng ngợp bởi quy mô của nó chẳng kém những cửa hàng sách tại Paris. Với hơn 250.000 đầu sách, không gian đặc biệt này mở ra nhiều câu chuyện về thế giới quan của chủ nhân.
6. Cầu toàn và tự thực hiện công việc của một NTK
Mặc dù có khối lượng công việc khủng khiếp nhưng Lagerfeld hiếm khi ủy thác công việc cho người khác và là một nhà thiết kế thực hành. Chính ông sẽ đọc và sửa các thú thích bằng tiếng Pháp, tiếng Anh ở mặt sau của những bức ảnh gởi cho báo chí mà ông chụp cho Chanel, trả lời tất cả thư từ bằng viết tay và kiểm soát những trang phục trình diễn. Ông luôn có những tập giấy kế bên để có thể vẽ phác thảo ý tưởng hoặc những bức tranh minh họa mà ông sẽ tự tay tô màu.
Lagerfeld tự ví ông là cỗ máy thời trang ở Chanel. Để đi lên, ông bắt buộc không ngừng thiết kế nhưng chưa bao giờ tạo ra một triết lý cố định để nhận biết.
|
Lagerfeld bên cạnh một thiết kế đầu tay trong những ngày mới bước chân vào thế giới thời trang. |
7. Cởi mở với truyền thông
Lagerfeld không sợ tiếp xúc với truyền thông, trái lại ông rất dễ gần và sẵn sàng cho mượn tên tuổi, hình ảnh trong một loạt các sản phẩm, dự án đáng kinh ngạc từ quảng cáo soda cho đến piano, thậm chí là một đoạn quảng cáo về an toàn giao thông. Ông xuất hiện khắp các ấn phẩm lớn nhỏ, các cuộc phỏng trên đài truyền hình. Có lẽ, điều này xuất phát từ việc ông luôn biết ơn những biên tập viên từ các ấn phẩm nhỏ của Đức, những người đã nâng đỡ ông trong bước đầu của sự nghiệp thời trang.
8. Ứng xử khéo léo và thông minh
Ông còn được biết đến là một người nhanh nhẹn và thông minh, không vì khủng hoảng mà làm mích lòng những nhà mốt khác. Bằng chứng là năm 1997 khi Dior dính phốt “copy” sản phẩm của chính Chanel, Lagarfeld vẫn lên tiếng bảo vệ.
|
Ở Lagerfeld luôn có sự mâu thuẫn. Dù hết lòng nâng đỡ những người mẫu trẻ mới vào nghề nhưng ông lại có cái nhìn cực kỳ khắc nghiệt với những người phụ nữ béo. |
9. Cực kỳ ghét sự tự phụ
“Tất cả chúng tôi chỉ là những người thợ may”- ông nói trong một bài phỏng vấn vào năm 2003.
“Khi được gọi là một nhà thiết kế trí tuệ, tôi rất ghét điều đó. Điều tệ nhất của một nhà thiết kế thời trang là anh ta nói quá nhiều về sáng tạo của anh ta. Họ là ai và phát triển như thế nào ư? Chỉ cần im lặng và chứng minh nó qua các thiết kế”, ông từng nói vào năm 1978.
10. Xuất sắc trong các lĩnh vực nghệ thuật
Lagerfeld là một trong những nhà thiết kế đầu tiên tự chụp ảnh vào giữa thập niên 80 và tạo ra những hình ảnh động trong các phim ngắn của Chanel hay đưa hình ảnh lên website của hãng.
Không chỉ góp phần tạo nên thành công trong các chiến dịch quảng cáo của Chanel, Fendi, Lagerfeld còn khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực nhiếp ảnh với hàng loạt khách hàng là những thương hiệu nổi tiếng như: Dom Perignon, Adidas, Coca Cola và Pirelli.
Ông cũng đã thực hiện hàng loạt các buổi chụp hình cho các tạp chí thời trang quốc tế danh tiếng như: Vogues của Pháp, Anh, Mỹ, Harper’s Bazaar, Paris Match, V Magazine và Numero.
Karl Lagarfeld cũng bắt đầu làm những cuốn phim ngắn phục vụ cho các show diễn thời trang.
|
Những bức ảnh trong các chiến dịch quảng bá của Chanel đều do Karl Lagerfeld tự chụp. |
11. Con người của công việc
“Tôi ghét sự nhàn hạ, ngoại trừ việc đọc sách. Tôi thực sự là mẫu người của công việc nếu việc vẽ những bản phác thảo cũng được xem là công việc. Tôi thực sự rất may mắn khi có thể thực hiện được những gì tôi làm trong điều kiện hoàn hảo. Thời trang và hiện tại, giống như cuộc đời của một vận động viên. Bạn phải luôn vận động nếu không muốn bị bỏ lại. Và tôi đã quen với điều đó. Những bộ sưu tập, sách và nhiếp ảnh là những gì tôi hứng thú nhất”, Lagerfeld nói.
Vậy mà, ông vẫn ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày. Ông vẽ tới 5h chiều tại nhà, sau đó tới xưởng may.
12. Mê thiết kế nội thất
Bên cạnh việc tập trung cho Chanel, Fendi và thương hiệu thời trang riêng, Lagerfeld còn dành thời gian cho thiết kế nội thất. Ông đã tự tay chăm chút cho căn nhà tại Toronto. Bước đi tiếp theo của Karl Lagerdeld chính là tham gia thiết kế phần tiền sảnh của tòa tháp Estates at Acqualina - công trình phức hợp tọa lạc trên bãi biển Sunny Isles, Miami trị giá 1,6 tỷ USD nhưng có lẽ kế hoạch này phải bỏ dở vì ông đột ngột qua đời.
13. Gây tranh cãi với phát ngôn kỳ thị người béo
Karl Lagerfeld khẳng định người thừa cân không thể có chỗ đứng trong làng mốt và công khai chê ca sĩ Adele quá mập. Câu nói “Mọi người phải làm việc, đóng thuế để chữa bệnh cho những người béo” của Lagerfeld gây tranh cãi trên khắp các báo. Một tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ đã kiện Karl Lagerfeld. Dù thua kiện và chấp nhận đóng phạt nhưng ông vẫn giữ quan điểm.
14. Che giấu cảm xúc
Lagerfeld luôn xuất hiện với vẻ chỉn chu. Ông trung thành với vest đen, đeo găng tay. Nhà văn Andrew O’Hagan từng kể khi gặp Karl Lagerfeld, ông nhận ra nhà thiết kế đánh một lớp phấn nhẹ. “Ánh mắt ông sáng ngời, nhưng chỉ những ai ông cho phép mới được nhìn thấy ánh mắt đó. Lagerfeld luôn kính râm để tránh bị người khác đọc được cảm xúc, suy nghĩ", O’Hagan viết.
Ngọc Lan