Tòa sai nguyên tắc chia tài sản
Sau khi ly hôn, bà Lê Thị Uyên Nga và chồng cũ là ông Lâm Chí Nghĩa còn các tài sản chung là một căn nhà, một nền nhà, 43 phòng trọ ở quận 2 (TP.HCM) cùng một lô đất nông nghiệp tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nhưng cũng có nhiều khoản nợ chung, gồm tiền vay của hai ngân hàng gần 3 tỷ đồng và nợ hai cá nhân khác hơn 60 lượng vàng SJC.
Ban đầu, hai người thỏa thuận bán tất cả tài sản chung để trả nợ chung; sau đó, hai bên lại bất đồng nên tháng 5/2007, bà Nga khởi kiện, yêu cầu chia đôi tất cả tài sản chung và những món nợ chung để “thân ai nấy lo”. Bà yêu cầu tòa chia bằng hiện vật để bà có nhà ở.
Khoản 3, điều 59, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, khi ly hôn, tài sản chung của vợ, chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. |
Tháng 11/2010, Tòa án nhân dân (TAND) quận 2 công nhận sự thỏa thuận giữa hai bên với nội dung: bà Nga được sử dụng toàn bộ lô đất tại huyện Nhơn Trạch, ông Nghĩa phải hoàn cho bà Nga hơn 9 tỷ đồng và được lấy phần tài sản là nhà, đất và các phòng trọ tại quận 2.
Sau đó, bà Nga kháng cáo với lý do hai bên thỏa thuận không thành, tòa tuyên như vậy là bất hợp lý, không có lợi cho bà.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 12/7/2011, TAND TP.HCM chấp nhận kháng cáo của bà Nga.
|
Bà Uyên Nga trước cổng phòng xử ngày 29/10 |
Tòa phúc thẩm tuyên hủy án, giải quyết lại theo hướng chia bằng hiện vật, trên cơ sở đó, phân chia trách nhiệm trả nợ chung giữa vợ chồng bà Nga.
12 năm vất vưởng tìm công lý
TAND quận 2 đã thụ lý đơn khiếu kiện của bà Uyên Nga để xét xử lại. Thế nhưng, từ bấy đến nay, vụ việc cứ dùng dằng. Mãi đến ngày 29/10/2019, vụ án mới được đưa ra xét xử.
Để có phiên xét xử này, bà Nga đã mất không biết bao nhiêu nước mắt, mồ hôi bởi sau ly hôn, ông Nghĩa chiếm toàn bộ nhà cửa, 43 phòng trọ.
Bà Nga phải làm nhiều việc để kiếm sống, ông Nghĩa không cấp dưỡng cho con hằng tháng như quyết định của tòa (mỗi tháng 4 triệu đồng) dù thu nhập từ các phòng trọ năm 2011 gần 50 triệu đồng/tháng. Mỗi lần bà Nga yêu cầu nói chuyện, ông Nghĩa đều dùng lời lẽ đe dọa, khủng bố.
Trong khoảng thời gian từ sau ly hôn đến năm 2012, nhiều lần bà Nga bị ông Nghĩa mắng chửi, xúc phạm khi yêu cầu giải quyết tài sản sau ly hôn. Thậm chí, ông Nghĩa hai lần đánh bà Nga nhập viện với tỷ lệ thương tật 12%.
Hiện tại, do khoản nợ chung, hai người đã phải cắt bớt một phần tài sản cấn trừ cho chủ nợ. Sợ mất trắng tài sản, bà Nga đã vay mượn người thân hơn 500 triệu đồng trả bớt một bên, chuộc lại giấy tờ nhà. Nhưng với khoản nợ 1,2 tỷ đồng ở Ngân hàng Eximbank (vay từ năm 2005), bà Nga không kham xuể.
Ngày 11/6/2007, bà Nga làm đơn gửi đến Ngân hàng Eximbank xin phát mãi tài sản, thanh toán nợ.
Biên bản làm việc ghi rõ, đến ngày 18/6/2007, nếu ông Nghĩa vẫn không thanh toán nợ gốc và lãi, ngân hàng sẽ phát mãi tài sản, thu hồi nợ theo yêu cầu của bà Nga.
Thế nhưng, 12 năm qua, ngân hàng này im lặng tính lãi mẹ, lãi con của khoản vay, để đến hôm nay, tổng số nợ và lãi đã phát sinh gấp ba lần so với ban đầu.
Với số nợ 40 cây vàng của mẹ ruột bà Nga, các thẩm phán ở TAND quận 2 đề nghị bà Nga rút đơn khiếu nại, sau đó thì hẹn lần hẹn lữa, không đem ra xử. “12 năm, tôi chờ đợi án xử công tâm nhưng đến nay, hoàn toàn vô vọng” - bà Nga ngao ngán.
Ngày 29/10, sau 12 năm thụ lý (tính từ ngày 6/6/2007), TAND quận 2 đưa ra xét xử vụ kiện tranh chấp tài sản ly hôn của bà Lê Thị Uyên Nga và ông Lâm Chí Nghĩa.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận 2 tiếp tục mời hai bên lên làm rõ một số yêu cầu trong đơn đề nghị, hồ sơ chứng minh và biên bản hòa giải.
Tại phiên tòa, các thành viên hội đồng xét xử tập trung hỏi bà Nga lý do vì sao năm 2007, trong đơn khởi kiện đầu tiên, bà chỉ đề nghị chia tiền phòng trọ mà không đề nghị chia tài sản ngay, năm 2010 mới bổ sung yêu cầu; vì sao bà đã trả khoản nợ hơn 500 triệu đồng mà không cố gắng trả luôn khoản vay 1,2 tỷ đồng vay của Ngân hàng Eximbank…
Sau hơn 1 giờ tranh luận, tòa không tuyên án mà cho biết, đến ngày 19/11, sẽ tiếp tục xét xử vì phải làm rõ phần đất chưa được cấp giấy chứng nhận.
Bà Nga bàng hoàng: “Trong bản án phúc thẩm năm 2011, TAND TP.HCM đã chỉ đạo làm rõ tất cả các phần đất chưa cấp giấy chứng nhận, sau 8 năm, 4 lần bắt tôi đo đạc đủ kiểu, bây giờ lại yêu cầu làm lại từ đầu”?
Đây không phải là vụ án quá khó Đây là vụ án khá phức tạp, nhưng không quá khó để xét xử dứt điểm. Đối với tranh chấp chia tài sản sau ly hôn và nợ chung, theo tôi, tòa án cần nỗ lực hòa giải để các bên tự thỏa thuận phân chia và giải quyết vấn đề nợ chung, bởi vì nợ chung thì phải cùng trả, tài sản chung thì phải chia. Việc các bên không thỏa thuận được, phải nhờ tòa án giải quyết đã là chuyện rất đáng tiếc. Tòa thụ lý giải quyết mà thời gian chuẩn bị xét xử kéo dài làm các bên bức xúc, tốn kém thời gian, công sức, tiền của, tiền lãi mẹ lãi con từ ngân hàng “ăn” vào khối tài sản chung của vợ chồng… Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) |
Nghi Anh