12 bí quyết làm nên gia đình hạnh phúc

11/04/2016 - 07:00

PNO - Chơi đùa, trò chuyện cùng nhau,... những thứ lặt vặt nhưng có thể giúp bạn duy trì ngọn lửa yêu thương trong căn nhà nhỏ.

1. Trao đổi những câu chuyện

Khi con đi học về, hãy hỏi chúng về chuyện xảy ra ở trường. Đổi lại, bạn cũng cho con biết một ngày của bạn đã diễn ra như thế nào. Dĩ nhiên, bạn phải chọn lọc nội dung để kể cho phù hợp với độ tuổi của con.

Hãy cho con lý do để được thấu hiểu và vui vẻ mỗi khi gặp bạn. Nếu bạn về nhà với vẻ chán nản và không quan tâm đến điều gì thì tại sao con lại phải háo hức được gặp bạn sau những giờ học ở trường. Bạn phải bỏ lại những bộn bề phía sau cánh cửa để thực sự ở đây, bên cạnh con.

2. Hôn nhân là quan trọng

Xét cho cùng, con cái rồi sẽ lớn và là người bước ra khỏi căn nhà, chỉ có bạn đời là người luôn đồng hành cùng bạn. Vì vậy, đừng để con cái chiếm dụng hết thời gian, hãy dành cho cuộc sống vợ chồng những khoảng thời gian chất lượng trong ngày.

3. Cùng nhau bẻ bánh mỳ

Gia đình ăn cùng nhau và ở cùng nhau. Đó là nguyên tắc đơn giản. Bữa tối với đầy đủ các thành viên là điều rất quan trọng. Đó là thời gian để mọi người kết nối với nhau. Hãy cố duy trì ít nhất 4 bữa tối như thế trong tuần.

12 bi quyet lam nen gia dinh hanh phuc

4. Đặt gia đình lên trước bạn bè

Trong những gia đình hạnh phúc, gia đình luôn được đặt lên trước bạn bè. Nghiêm khắc với con nhưng nhớ rằng trẻ em có nhu cầu lớn về vui chơi. Khi chúng chán và thờ ơ, chúng sẽ tìm niềm vui ở bên ngoài căn nhà và đó là khi bạn bè trở nên quan trọng hơn. Bạn bè là vốn quý nhưng là thứ yếu so với gia đình.

5. Giới hạn hoạt động ngoại khóa của trẻ

Ngày nay, lịch học của trẻ em đang dần trở nên quá tải. Cha mẹ thì bận bịu công việc. Tất cả chỉ trở về nhà khi đã mệt nhoài và chỉ kịp thời gian cho ăn uống và đi ngủ. Đây không phải là công thức cho một gia đình hạnh phúc.

Nếu trẻ lớn lên mà không biết ballet, cũng không sao cả. Không có hoạt động ngoại khóa là cực đoan và có quá nhiều hoạt động ngoại khóa cũng là một thái cực khác. Vì vậy, hãy dựa theo hoàn cảnh thực tế của gia đình mà quyết định thế nào là đủ. Có thể cho bé tham gia các hoạt động mà cả gia đình cùng thực hiện được, như đi bơi, đạp xe,...

6. Xây dựng những lề thói riêng

Gia đình cần có hoạt động riêng, chẳng hạn cùng đọc sách mỗi tối, đi công viên vào sáng chủ nhật hàng tuần, mỗi tháng một lần ra ngoài ăn hàng, khám phá món ăn mới,...

Dù được duy trì thường xuyên nhưng đừng để những hoạt động này trở nên cứng nhắc. Lâu lâu, cả nhà có thể thay đổi lịch hoặc sau một thời gian, sẽ thay bằng hoạt động khác.

7. Hạ thấp giọng xuống

Trẻ con phát triển tốt nhất trong môi trường ổn định. Do đó, hãy giữ cho gia đình luôn yên ấm. Trò chuyện với con, đặt ra các quy tắc nghiêm khắc, phạt chúng khi cần thiết nhưng đừng mất kiểm soát mà la mắng. Nếu bạn quát tháo nghĩa là bạn đang tạo ra môi trường không bình yên.

8. Đừng bao giờ tranh cãi trước mặt con

Hãy đặt ra quy tắc này cho cả hai vợ chồng. Tránh các cuộc tranh cãi tức thì cũng giúp các bạn có thời gian bình tĩnh, nhìn nhận lại tình huống. Nếu lỡ cãi nhau trước mặt con, hãy xin lỗi trẻ và cho chúng biết rằng đó chỉ là cha mẹ có chút bất đồng và mọi chuyện đã được giải quyết

9. Đừng làm việc quá nhiều

Nếu bạn luôn luôn vắng mặt và không dành thời gian cho con sẽ hình thành trong con tâm lý rằng chúng không có một chút giá trị nào với ai.

10. Khuyến khích sự hòa thuận

Hãy quên đi những câu đùa độc ác như "Có em con sẽ ra rìa", "Con hư, mẹ yêu em/anh hơn",... Thay vào đó, cho trẻ biết rằng chúng may mắn nhường nào khi có anh chị em - những người bạn đặc biệt, luôn yêu thương và đứng về phía chúng bất kể có chuyện gì xảy ra.

11. Linh hoạt

Theo tự nhiên, gia đình luôn luôn thay đổi. Trẻ con lớn lên, trải qua nhiều giai đoạn và cột mốc trong đời, người kết hôn, người qua đời, tái hôn,... Hãy chuẩn bị tâm lý, đón nhận những thay đổi và nhớ rằng, dù thế nào, mỗi người vẫn luôn là một thành viên của gia đình.

12. Giao tiếp

Đây có thể coi là yếu tố quan trọng trong mọi mối quan hệ, không chỉ trong gia đình. Còn nói chuyện được với nhau nghĩa là mọi hiểu lầm, khúc mắc còn có thể giải quyết.

Vì vậy, hãy để cho mọi thành viên trong gia đình đều có thể thoải mái bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.

Phương Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI