12.000 tỷ đồng đào tạo tiến sĩ sư phạm sẽ chi như thế nào?

16/11/2017 - 11:20

PNO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, khoản tiền 12.000 tỷ đồng đề xuất để đào tạo 9.000 tiến sĩ sẽ ở dạng học bổng chứ không rót về các cơ sở.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”. 

Trong dự thảo đề án hướng tới đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35%, tương đương khoảng 9.000 tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học. Thông tin này khiến không ít ý kiến băn khoăn, liệu có quản lý được chất lượng của đội ngũ này bởi trong thời gian qua tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc.

Giải đáp băn khoăn này, bên lề hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Trước đây thì có thể có cơ sở như vậy nhưng giờ khác. Bộ quản lý chặt chẽ bằng quy chế đào tạo tiến sĩ, kiểm tra rất nghiêm minh. Vai trò quản lý nhà nước được đề cao thông qua kiểm định chất lượng và giám sát, đưa ra quy chế đào tạo tiến sĩ với chuẩn từng bước tiếp cận quốc tế”.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế là học phải có thời gian tập trung, phải có một bài đăng tạp chí quốc tế… đáp ứng được mới công nhận". 

12.000 ty dong dao tao tien si su pham se chi nhu the nao?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định quy chế đào tạo tiến sĩ sẽ từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế

Liên quan tới khoản kinh phí đề xuất là 12.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay sẽ không rót về cho các cơ sở đào tạo nào mà đầu tư cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng.

“Tức là số tiền này là dạng học bổng, ai dành được thì được hưởng để được nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở”, Bộ trưởng giải thích.

Về vấn đề cải cách chính sách lương bổng cho giáo viên, theo ông Nhạ, Bộ GD-ĐT đang rà soát lại chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục. Khi cải tiến chuẩn theo hướng tốt lên thì lương cũng phải đi theo. Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất trong thang bảng lương, để làm sao giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đang sửa Luật Giáo dục, gắn thang bảng lương đi kèm với trách nhiệm đội ngũ giáo viên. “Khi mà yêu cầu nhà giáo phải cao hơn về chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục căn bản, toàn diện thì chế độ cũng phải phù hợp. Còn nếu chỉ yêu cầu giáo viên phải nâng cao chất lượng mà chế độ vẫn như cũ thì không được”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI