"11 tháng 5 ngày": Thành công từ sự khác biệt

02/10/2021 - 07:03

PNO - Có những phim truyền hình tạo được sức hút ngay từ những tập đầu, nhưng càng về sau càng nhạt. Ngược lại cũng có những phim không gây ấn tượng khi mới lên sóng, thậm chí bị “ném đá”, nhưng càng chiếu càng lôi cuốn người xem. "11 tháng 5 ngày" thuộc trường hợp thứ hai.

Phá vỡ khuôn mẫu nhân vật

Sau Nhà trọ Balanha phát sóng năm ngoái, màn ảnh nhỏ thiếu những bộ phim hài hước, vui nhộn về đời sống giới trẻ, nhưng lại thừa những tác phẩm nặng nề bi kịch gia đình. Sự xuất hiện của 11 tháng 5 ngày (đạo diễn Đức Hiếu, Ngọc Linh) lấp vào khoảng trống đó bằng câu chuyện những bạn trẻ mới lập nghiệp cùng sống trong một khu nhà trọ. Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của Tuệ Nhi và những người bạn sống cùng xóm trọ - nơi cô tá túc sau khi bị ba đuổi đi. Từ chỗ quen sống trong nhung lụa, Tuệ Nhi phải thích nghi với sự thiếu thốn, và những người xa lạ trong xóm trọ nhỏ dần cảm hóa Tuệ Nhi.

Những ngày đầu lên sóng, phim đã vấp phải sự thờ ơ, chê bai của số đông khán giả. Có lẽ do kịch bản xây dựng nhân vật Tuệ Nhi rất khó ưa. Nhi là con một trong gia đình giàu có, tính tình ngang bướng, không coi ai ra gì. Hàng loạt hành xử của cô khiến người xem “ứa gan”, như hai lần khiến Đăng mất việc, tự ý hủy hôn chỉ vì không muốn sống chung với cha mẹ chồng, giật chiếc bông tai khiến tai Thu - vợ sắp cưới của ba Nhi - chảy máu. Việc đưa ra hình ảnh một nữ chính đi ngược với khuôn mẫu phải hiền lành, tốt bụng như bấy lâu là phép thử mạo hiểm với ê-kíp làm phim, nhưng lại thành công bất ngờ. Càng về sau, khán giả càng yêu mến nét cá tính, những pha hành xử sòng phẳng với những người Tuệ Nhi yêu - ghét. 

Phim 11 tháng 5 ngày thu hút khán giả bởi sự cân bằng giữa bi và hài, có những giây phút vui tươi, có những  khoảnh khắc lắng đọng
Phim 11 tháng 5 ngày thu hút khán giả bởi sự cân bằng giữa bi và hài, có những giây phút vui tươi, có những khoảnh khắc lắng đọng

Không chỉ phá vỡ khuôn mẫu nhân vật nữ chính, một số hình tượng khác trong phim cũng được xây dựng mới mẻ. Lâu nay, những người giúp việc hiện diện kiểu cho có trên màn ảnh, ít đóng góp vào câu chuyện của nhân vật chính, nhưng cô Hoan giúp việc trong phim lại khác. Nhân vật này uy quyền hơn chủ nhà, không ngại đốp chát với con chủ, nhưng lại rất đáng yêu khi luôn quan tâm chăm sóc, hàn gắn mâu thuẫn những người trong gia đình. 

Nhân vật người mẹ - bà Vân - trong phim cũng khác biệt. Khi biết con gái mang thai, đi vào vết xe đổ của mình, những bà mẹ trước đây trên màn ảnh thường đau đớn giận dữ, sau đó mới từ từ thông cảm, chấp nhận, thì bà Vân nhẹ nhàng với con ngay từ đầu. Bà cũng là người khuyên nhủ con gái đến với Long đần, dù biết anh nghèo, xấu trai với lý lẽ “con gái đừng ham bề ngoài mà phải nhìn thấu được bên trong của người con trai mình muốn yêu”.

Hơi thở trẻ trung

Một điểm khác biệt nổi trội ở 11 tháng 5 ngày là không lạm dụng kịch tính, không đẩy nhân vật vào tận cùng đau khổ như nhiều phim Việt, mà yếu tố bi hài luôn cân bằng. Những tình huống buồn vui của nhân vật Nhi, Đăng, Long, Thục Anh vừa vặn chạm đến cảm xúc người xem, đủ để cái buồn không quá bi lụy, những tiếng cười cũng không lố bịch, vô duyên. 

Khán giả cảm thấy thỏa mãn vì mâu thuẫn, xung đột được giải quyết dứt điểm, tốc độ tiến triển tâm lý của nhân vật vừa phải, hợp lý. Kẻ xấu như Dũng phải trả giá lập tức vì bản tính sở khanh của mình, vị bếp trưởng xấu tính ăn cắp công thức làm bánh của Đăng sớm bị vạch mặt, Thục Anh cũng không mù quáng quá lâu trong cuộc tình với Dũng, tình yêu thầm lặng của Long đần được Thục Anh nhanh chóng nhận ra, mâu thuẫn giữa cha con Nhi cũng được tháo gỡ dần.
Ngoài diễn tiến nhanh gọn, khán giả cũng thích thú với tính thời đại của phim thể hiện qua lời thoại có nhiều câu rất chất, hoặc sử dụng từ ngữ bắt trend như “quái vật ba đầu”, “bắp rán cần mỡ”. 

Trailer phim 11 tháng 5 ngày

 

 

Hiệu ứng hình ảnh nhân vật xuất hiện như các siêu anh hùng trong phim Marvel cũng là một sáng tạo thú vị của phim. Đặc biệt nhạc phim sử dụng rất “đắt”, ở những cảnh quay “đinh” luôn có những đoạn nhạc “triệu view” được lồng vào như cảnh Thuận nói lời chia tay Nhi và quay lưng bước đi thì vang lên bản ballad Còn gì đau đớn hơn chữ đã từng; hoặc làm nền cho những phân đoạn Đăng - Nhi trêu chọc nhau là những lời hát “Kẻ đi gieo tương tư giờ thành kẻ đi ôm tương tư ngược lại, ngược lại” trong bài Kẻ cắp gặp bà già. Cách phối nhạc không lời ca khúc bất hủ My heart will go on trong phim Titanic ở những cảnh bà Vân tương tư ông Tiến cũng khiến người xem bật cười thú vị.

Cũng phải rất lâu sau Phía trước là bầu trời, Cổng mặt trời - những bộ phim về đời sống giới trẻ trong xóm trọ - khán giả mới được trở lại bầu không khí vui tươi, trẻ trung của một thời thanh xuân cùng các nhân vật trong 11 tháng 5 ngày
Góp phần chuyển tải được điều này, phải kể đến sự nhập vai rất tốt của dàn diễn viên tài năng hai thế hệ như Khả Ngân, Thanh Sơn, Hà Trung, Lương Thanh, Vân Dung, NSND Mạnh Cường… Từ một cô gái kiêu căng, luôn tự coi mình là cái rốn vũ trụ, nhân vật Tuệ Nhi đã biết sống hòa đồng, thấu hiểu những người xung quanh. Những điều quý giá mà Nhi nhận ra cũng là những điều người xem đúc kết cho mình, đó là ý nghĩa của hai chữ gia đình, tình thân. Từ ác cảm ban đầu với hình tượng nữ chính, 11 tháng 5 ngày đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục trong lòng người xem. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI