11% công nhân thường phải vay tiền để chi tiêu

10/06/2022 - 16:41

PNO - Chia sẻ tại hội thảo “Tương lai nào cho người lao động từ góc độ tài chính và an sinh xã hội” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 10/6, nhiều lãnh đạo bộ ngành cho rằng người lao động phải làm việc với cường độ cao nhưng tiền lương quá thấp. Có đến 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh…

 

Cuộc sống khó khăn, nhiều người lao động thường xuyên vay tiền trang trải
Cuộc sống khó khăn, nhiều người lao động thường xuyên vay tiền trang trải

Tiến sĩ Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết tình trạng thiếu việc làm hiện đã giảm. So với quý II/2022, thu nhập của người lao động có tăng thêm nhưng vẫn còn khá thấp, chỉ khoảng 6,4 triệu đồng/tháng. Mức này khiến cuộc sống của nhiều lao động bấp bênh, khó khăn, nếu không làm thêm thì sẽ không đủ sống. Có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh…

“Dù các cơ quan nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách của người lao động còn chưa được giải quyết như tiền lương thấp, nhà ở khó khăn, an sinh xã hội chưa được đảm bảo” - tiến sĩ Vũ Minh Tiến nói.

Phó giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Trường đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, dù dịch bệnh đã kết thúc nhưng nhiều người vẫn chưa kiếm được việc làm, gặp khó khăn về kinh tế. Từ đó dẫn đến việc người lao động quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần để lấy tiền trang trải, mặc dù biết là sẽ thiệt thòi về sau.

Theo kết quả khảo sát của Viện Chính sách công và quản lý trong năm 2021, tiến hành với nhóm người 30 đến 40 tuổi (nhóm lao động chính), chỉ 15% số người được khảo sát có tiết kiệm, sau dịch COVID-19 tại TPHCM. Còn lại hầu như đã tiêu hết phần tiền tiết kiệm; có 22% đang có một khoản đầu tư và thu nhập chủ yếu dựa vào tiền công, tiền lương.

Bên cạnh đó, sau COVID-19, có 80% người lao động bị giảm thu nhập, trong đó có 60% giảm 20-30% so với trước dịch.

“Theo quy định hiện nay, người lao động phải nghỉ việc một năm thì mới đủ điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhiều công nhân xin nghỉ việc chính thức ở công ty, chuyển qua làm thời vụ bên ngoài chờ đủ điều kiện làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Sau đó mới quay trở lại công ty làm việc tiếp. Tình trạng này lặp đi lặp lại khá nhiều tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam - thông tin.

Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM - cho biết trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ chủ động giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách về lao động. Phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô CEP xây dựng các sản phẩm tài chính phù hợp, chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi vay, gia hạn trả nợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn và đa dạng thêm các gói sản phẩm mới với mức vay ít (10-20 triệu đồng), thủ tục đơn giản, hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động, chống tín dụng đen.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Đô, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia từ ngày 1/7/2022; chỉ đạo các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá mức sống tối thiểu đảm bảo sự phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, để có tiền lương đủ sống cho người lao động.

Cần tăng cường quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, tránh đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tăng giá, trục lợi. Tổ chức định kỳ, luân phiên các điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các khu nhà trọ đông công nhân lao động.

Bên cạnh việc chăm lo cho người lao động, chính sách hỗ trợ trẻ em, con em của người lao động là điều rất quan trọng. Phó giáo sư, tiến sĩ Giang Thanh Long dẫn chứng một số nước châu Phi cho thấy, việc hỗ trợ trẻ em giúp cho các gia đình bớt đi gánh nặng, cha mẹ trẻ sẽ có nguồn lực để tham gia bảo hiểm xã hội thay vì chọn cách rút trước hạn để lấy tiền trang trải.

Hay như Thái Lan, nước này cũng đang thúc đẩy phát triển quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ cho trẻ em mới sinh ra trong mỗi gia đình và mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 trẻ, đảm bảo vấn đề nuôi con cái trong thời gian đầu, để cha mẹ trẻ có thu nhập thấp có thể tham gia bảo hiểm xã hội.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI