11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu
Theo đó, đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt 1 phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.
|
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới quốc gia năm 2023 |
Trong số 11 chỉ tiêu đạt và vượt, có một số chỉ tiêu đáng chú ý như tỉ lệ lao động nữ làm công hưởng lương năm 2023 đạt 50,9% (đạt mục tiêu 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030), tỉ trọng lao động nữ làm việc khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm giảm xuống còn 26,22%; đạt và vượt mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025 là giảm xuống dưới 30%. Tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 là 28,2%. 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. Tỉ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 96%; tỉ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở năm học 2022-2023 đạt 90%, năm học 2021-2022 đạt 89%...
Có 3 chỉ tiêu có kết quả đạt 1 phần và 2 chỉ tiêu tiệm cận so với mục tiêu đến năm 2025. Ví dụ như các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 14/30 cơ quan, đạt 46,67%. Có 47/63 chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt 74,6%. Tỉ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là trên 70%; số người gây bạo lực gia đình bị chịu các hình thức xử lý là trên 75%. 2 chỉ tiêu này mới đạt 1 phần so với mục tiêu...
Có 4 chỉ tiêu vẫn còn khoảng cách với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Điển hình là về vấn đề chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỉ số giới tính khi sinh của dân số Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái (năm 2022 là 111,5 bé trai/100 bé gái). Trong khi đó, chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 111 bé trai/100 bé gái.
Ngoài ra, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỉ lệ tử vong mẹ là 46/100.000 trẻ đẻ sống. Chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 42/100.000...
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá, với nhiều nỗ lực, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hiệp quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027.
Bạo lực giới còn diễn biến phức tạp
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực được thu hẹp: “Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, lần đầu tiên vượt trên 30% kể từ Quốc hội khóa VI, từ thứ 71 vươn lên vị trí thứ 55 trên thế giới, thứ 4 châu Á. Tỉ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Tỉ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng ở Ban Chấp hành Trung ương là 9,5%, cấp ủy trực thuộc Trung ương là 15,79%, cấp ủy trên cơ sở là 16,5%, cấp cơ sở là 22,37%. Hiện có uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là nữ”.
Tuy nhiên, tỉ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay và chưa đạt được chỉ tiêu của Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị.
“Lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức, thu nhập bình quân thấp hơn so với lao động nam. Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, chỉ tiêu này cũng khó đạt vào năm 2025, sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới” - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói.
Ngoài ra, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp. Các chính sách, quy định của các dự án luật khi trình Quốc hội chủ yếu trung tính về giới, chưa tính đến sự khác biệt giới để đề xuất các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới...
Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ cần triển khai hiệu quả Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”; triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách, giải pháp để giảm tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; thích ứng với già hóa dân số, công nghệ số, thu nhập, việc làm, biến đổi khí hậu và giảm khoảng cách giới.
Chính phủ cần quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động, nội dung về bình đẳng giới, lập ngân sách có trách nhiệm giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới...
Minh Quang