100 năm sân khấu cải lương - Yên lặng nơi 'thủ phủ'

29/06/2018 - 08:14

PNO - Đã hết tháng Sáu, những kế hoạch đã được công bố cho kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương - loại hình nghệ thuật đặc trưng Nam bộ - ở TP.HCM vẫn đang nằm trong… dự định.

Ngay cả giải thưởng Trần Hữu Trang cũng khó có thể trở thành hiện thực khi đến tận hôm nay  vẫn chưa có thông báo chính thức nào. Các đơn vị cải lương lại đang chuẩn bị cho Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp, dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 9/2018. Một số đơn vị cho biết, có khả năng sẽ không thể tham dự nếu giải Trần Hữu Trang diễn ra vào cuối năm nay.

100 nam san khau cai luong - Yen lang noi 'thu phu'
Thầy Ba Đợi - tác phẩm được đầu tư hướng đến kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương do các nghệ sĩ miền Bắc khởi xướng

Chuỗi hoạt động dự kiến diễn ra vào tháng 11 của Nhà hát Trần Hữu Trang đang chờ Sở Văn hóa - Thể thao duyệt gồm: biểu diễn cải lương nguyên tuồng (tác phẩm dự kiến: Sân khấu về khuya của cố soạn giả Nguyễn Thành Châu); chuỗi hội thảo, tọa đàm về sân khấu cải lương theo trường phái Năm Châu; triển lãm hình ảnh về cải lương, biểu diễn đờn ca tài tử, phục dựng một số trích đoạn…

Với tính chất kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, e chừng chuỗi hoạt động này khó đáp ứng được kỳ vọng của người làm nghề lẫn công chúng và cũng khó để lại dấu ấn nào đặc biệt.

Về phía Hội Sân khấu TP.HCM, NSƯT Kim Tử Long - Ủy viên Ban chấp hành - nói, đến nay anh cũng chỉ mới biết kế hoạch tìm vở để dàn dựng. Dự kiến tháng 9/2018 sẽ chọn kịch bản phù hợp, xin kinh phí dàn dựng.

“Nếu kỷ niệm 100 năm cải lương chỉ là dựng vở và biểu diễn vài xuất thì… Sân khấu cải lương từng có những vở được đầu tư kinh phí lớn và để lại nhiều dư âm đẹp. Tác phẩm kỷ niệm 100 năm sẽ có gì khác biệt?” - NSƯT Kim Tử Long băn khoăn.

Nửa năm đã qua, khi mọi hoạt động vẫn còn nằm trên giấy, nỗi lo những gì sẽ diễn ra vào cuối năm sẽ khó ấn tượng, xứng tầm với chặng đường một thế kỷ của sân khấu cải lương không phải không có cơ sở. Chưa kể, những hoạt động còn trên giấy ấy cũng nặng tính hình thức, na ná những hoạt động kỷ niệm khác, hoặc có thể tổ chức ở bất kỳ thời điểm nào mà không cần phải chờ đến 100 năm cải lương.

Sao không để 100 năm cải lương trở thành ngày vui của tất cả những người làm nghề và khán giả mộ điệu; là dịp để khán giả gặp gỡ, trò chuyện với thần tượng và để nghệ sĩ trực tiếp lắng nghe suy nghĩ, ý kiến của khán giả?

100 năm sân khấu cải lương, Nhà hát Trần Hữu Trang có thể dành hẳn một tuần để biểu diễn lại những tác phẩm tiêu biểu mà đơn vị đã từng dàn dựng, phục vụ khán giả với giá vé đặc biệt, thậm chí mở cửa miễn phí. Đây là cách nghệ sĩ tri ân khán giả, đồng thời cũng giúp cải lương đến gần với công chúng hơn. Gợi ý của nhiều nghệ sĩ có lẽ cũng đáng để suy nghĩ. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI