100 năm ngày sinh nhà văn Trang Thế Hy

02/11/2024 - 15:01

PNO - Nếu được phép chọn vài gương nhà văn hiện đại tiêu biểu nhất Nam Bộ, theo tôi, trong số đó không thể thiếu Trang Thế Hy.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy. Đây là tác phẩm “mới nhất” của ông, vì có nhiều truyện ngắn đã in trên Báo Nhân Loại, ký bút danh Văn Phụng Mỹ, lần đầu sưu tập được và chọn in trong sách này.

Năm 1992, sau khi nghỉ hưu tại TPHCM, ông lui về ẩn cư tại Bến Tre như một cách rút khỏi “cuộc chơi”, không nấn ná ở lại nơi “phồn hoa đô hội” sống mòn trong hào quang tên tuổi đã có khi mà tài năng đã xế chiều. Từ tuyển tập trên, chúng ta biết được, người gieo vào ông suy nghĩ quyết liệt “đi chỗ khác chơi” chính là nghệ sĩ tài danh của sân khấu miền Nam: Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi).

Năm 1959, những người kháng chiến cũ đã bị chính quyền Sài Gòn truy bắt ráo riết, Trang Thế Hy phải tìm cách trốn chạy. Cuối cùng, ông tá túc tạm thời tại nhà nghệ sĩ Tư Chơi ở sau rạp phim Palace. Ngày nọ, có tay chơi đàn tranh ở Cần Guộc tìm đến nhà, xách theo chai rượu Whisky Haig tặng người nghệ sĩ bày tỏ lòng ái mộ. Ông từ chối thẳng thừng: “Nếu như tay đờn tranh này chỉ tặng tao chai rượu thôi thì chẳng những tao nhận mà còn biểu nó lâu lâu nhớ tao, cứ đến tặng rượu tao như vậy. Nhưng tặng rượu có cây đờn đoản và những lời nài nỉ biểu tao đờn cho nó nghe thì tao không nhận”. Tại sao?

“Giả như nó dụ được tao đờn thì nó chỉ nghe tiếng cóc nhảy trên rơm mà thôi và nó sẽ ra về thất vọng. Chi bằng cứ để mơ tưởng tiếng đờn nghe như chim “kêu” của tao có phải hay hơn không?”. Nói xong, ông dặn dò nhà văn Trang Thế Hy: “Khi biết mình viết hết được nữa rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo, nhớ chưa?”.

Lần khác, có một tác giả kịch bản cải lương còn trẻ tìm đến nhà, đề nghị ông Tư Chơi đứng tên đồng tác giả vở tuồng của anh ta mới sáng tác. Tư Chơi trả lời: “Vì không chịu làm bạc giả nên tôi phải nghèo cực đến như vậy. Bây giờ chú muốn tôi giúp đỡ chú làm bạc giả hay sao? Chú cầm quyển tuồng của chú về đi”.

Lại nữa, có tay ký giả của tờ báo kịch trường thỉnh thoảng tìm đến Tư Chơi biếu ông ít tiền uống rượu, dần dà nhờ ông tâm sự lại chuyện tình thời thanh niên với 3 nữ nghệ sĩ, diễn viên sân khấu thuộc tầm cỡ thượng thặng đã giải nghệ. Quả là đề tài “ăn khách”. Ông trả lời: “3 ngôi sao không còn hào quang kia, gì thì gì vẫn còn là hình dáng của ngôi sao. Còn tôi bây giờ là một khối nát vụn chẳng còn chút hình thù gì rõ nét của một vì sao rụng. Họ nói về tôi là ban phát cho tôi cái gì đó. Tôi nói về họ là vay mượn ở họ cái gì đó… Tuổi già của tôi lạnh lẽo, nhưng tôi không muốn sưởi ấm bằng hào quang của người khác”.

Những mẩu chuyện này gợi lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về nghề và tư cách của người nghệ sĩ miền Nam.

Có thể ghi nhận đây là một trong những trang viết gây ấn tượng mạnh khi chúng ta đọc Tuyển tập truyện ngắn Trang Thế Hy. Qua đó, ít nhiều cung cấp cho ta hiểu thêm về nghệ sĩ Tư Chơi mà lâu nay không mấy ai biết đến. Ở đây, điều thú vị nhất với tôi vẫn là khi biết về quan niệm sống của ông qua câu nói nổi tiếng: “Đi chỗ khác chơi”.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI