100 năm Hoàng Cầm

05/05/2021 - 10:46

PNO - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố thi sĩ, gia đình ông có nhiều dự án để tưởng nhớ, mong muốn mang người trẻ đến với chất liệu văn học đặc sắc.

Năm 2022 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi sĩ Hoàng Cầm, một trong những cái tên có đóng góp lớn cho thơ văn Việt Nam. Gia đình cố thi sĩ triển khai dự án Hoàng Cầm 100 năm (HC100) để tưởng nhớ người đã khuất. Ngoài ra, gia đình ông cũng mong muốn xây dựng sự kết nối, nguồn cảm hứng để người trẻ có thể tiếp cận và học hỏi chất liệu văn học đặc sắc.

Chị Bùi Huệ Chi (cháu nội nhà thơ Hoàng Cầm) cho biết dự án được ấp ủ khoảng 2 năm nay. Gia đình, bạn bè của ông có các cuộc họp mặt để bàn tính, triển khai từ sau tết âm lịch 2021.

Sự nghiệp của Hoàng Cầm kéo dài hơn 70 năm, trong đó nổi bật là thơ, văn, kịch thơ. Trước mắt, dự án đã được khởi động với việc viết bản thảo, thu thập nội dung để thực hiện quyển sách kỉ niệm 100 năm Hoàng Cầm (tên tạm gọi là Về Kinh Bắc, đang tiếp tục phát triển trên nền tập thơ cùng tên ông viết năm 1959).

Sách gồm có thơ, văn, câu chuyện văn hóa, lịch sử, tranh, nhạc. Tất cả được tiếp cận với góc nhìn mới để đến gần với đối tượng khán giả trẻ hơn, khoảng từ 25 tuổi trở lên nhưng vẫn gìn giữ và tôn vinh nghệ thuật và chất liệu Việt. 

“Đây là tiêu chí cũng là thách thức của chúng tôi, mong muốn kể câu chuyện Việt Nam, văn chương Việt Nam của 100 năm qua theo lăng kính của người trẻ, người trưởng thành và hy vọng công việc có thể chạm tới và truyền cảm hứng tới độc giả”, chị Huệ Chi chia sẻ. Sách sẽ được ra mắt vào tháng 2/2022.

Ảnh chụp nhà thơ Hoàng Cầm năm 2002
Ảnh chụp nhà thơ Hoàng Cầm năm 2002

Đêm nhạc Bên kia sông Đuống nhằm tôn vinh 100 năm văn hóa nghệ thuật, đồng thời kể câu chuyện quê hương đất nước và tình yêu văn nghệ của Hoàng Cầm và các bạn trẻ, cũng sẽ được tổ chức vào tháng 2/2022, tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (quê hương của nhà thơ Hoàng Cầm).

Chuỗi hội thảo và toạ đàm, triển lãm Hoàng Cầm 100 năm, trong đó có triển lãm về cuốn sách trên, đồng thời trưng bày lần đầu tiên 100 bức hình về ông từ nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, dự kiến tổ chức tại Thuận Thành, Bắc Ninh, Hà Nội và TPHCM trong mùa xuân 2022. Các buổi tọa đàm này sẽ có các phần trình diễn nghệ thuật, âm nhạc như hát quan họ, ngâm thơ theo phong cách mới... 

Phim tài liệu Hoàng Cầm do đạo diễn tại Bắc Ninh thực hiện trong năm nay, công chiếu năm 2022.

Việc thu thập các tư liệu phục vụ dự án được gia đình thi sĩ Hoàng Cầm thực hiện gần 20 năm nay. Tuy nhiên, gia đình cho biết sách báo, tài liệu liên quan đến sự nghiệp của ông bị mất mát, thất lạc rất nhiều qua hai cuộc chiến tranh và nhất là những năm trước đổi mới. Do vậy, gia đình rất mong nhận được những đóng góp, chia sẻ tài liệu về Hoàng Cầm từ công chúng để dự án được phát triển tốt nhất có thể. 

Dự án nhận được sự ủng hộ về tinh thần của Hội Nhà văn Việt Nam, các hội yêu thơ văn địa phương. Gia đình cố thi sĩ cũng đang giới thiệu dự án đến các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các nhãn hàng và công ty, doanh nhân yêu mến văn chương để góp phần cùng gia đình tạo ra quỹ ủng hộ cho chuỗi các chương trình trên.

Nhà thơ Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922 tại thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Quê gốc của ông tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân trong gia đình có truyền thống nho học. Nhà thơ Hoàng Cầm là tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng như: Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống…; các vở kịch thơ: Hận Nam Quan, Kiều Loan. Ông được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Nhà thơ qua đời năm 2010 tại Hà Nội.

Trung Sơn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI