Phải thú thật ngay rằng, khi tôi được coi và biết đến nghệ sĩ Ngọc Giàu thì bà đã gần như thuộc về kịch nói và… tấu hài, lời truyền tụng về giọng ca nhung căng lụa trải của bà đã ít nhiều mai một. Thời gian sòng phẳng với bất cứ ai, huống gì chỉ là… dây thanh đới. Mỗi tiếng chọc cười nhân gian, với Ngọc Giàu, ngoài đời lẫn trên sân khấu, là “vai diễn” bền bỉ nhất mà cũng buồn nhất, hình như thế, với bà.
|
Thần thái đĩnh ngộ, uy dũng của Lục Vân Tiên qua tạo hình và trình thức biểu diễn của NSND Ngọc Giàu |
Nghệ thuật diễn hài, Ngọc Giàu đích thị là một tài năng. Ngay cả khi có vẻ chìu lòng đám con cháu mà dễ dãi phần nào, vẫn không giấu được cái duyên hài trong con người nghệ sĩ này. Không nỡ trách bà mà tiếc, sự nuông chìu của người đi trước đôi khi làm hư đám nhỏ theo sau. Xem Đổng Trác cưới Điêu Thuyền, Tô Ánh Nguyệt cải biên, cả Trấn Thành và Trường Giang rõ là rất hỗn (với bà), rất hỏng (với nghề và khán giả).
Bảy cán vá vốn là một nhân vật không tên trong nguyên tác Đời cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang (đạo diễn: NSND Huỳnh Nga), chỉ đến khi Ngọc Giàu chứng thực cho một bản khai sinh thì số phận của Bảy mới khóc cười tung tẩy như thế. Xem bản dựng năm 1984 sẽ thấy cái tài đến mức quái kiệt của Ngọc Giàu, từ thoại, bẻ giọng ngâm, cái ngoéo tay “ngoắt ngoéo ngoằn ngoèo” thần sầu. Bấy nhiêu đó đủ khiến nhiều thế hệ khán giả nghiêng ngả.
|
Bảy cán vá - vai diễn thể hiện sức sáng tạo đặc biệt của nghệ sĩ Ngọc Giàu |
Cũng trong vở diễn này, nhân vật bà Hương vốn là đàn ông, do biên chế đoàn 2-84 đi công diễn châu Âu hạn định nên giờ chót chuyển ông thành bà, Ngọc Giàu gánh luôn vai diễn này. Một vai mụ, mùi mẫn, mộc mạc nhưng ẩn giấu vẫn là chút hài dân dã, duyên dáng khiến trường đoạn đẫm nước mắt của cuộc hội ngộ cha con Võ Minh Thành buồn mà không bi. So với bản diễn của nghệ sĩ Hồng Nga, Ngọc Giàu có phần tinh tế, ý nhị…
Có vẻ như, đời không có nhiều chọn lựa cho Ngọc Giàu. Mang họ Phong, theo gia phả là hậu duệ của vua Gia Long, nhưng gia đình “mệ” phiêu bạt sông hồ. Tên Giàu, còn lót chữ Ngọc, mà lớn lên trong nghèo khó, thiệt thòi. Nhìn theo thói thường, chữ tài thì lớn mà chiếu nghề thì hẹp. Đào nhứt thì không dễ bán vé mà đào nhì thì làm khó đào nhứt.
Vậy là, chỉ trong bấy nhiêu cái rẻo tấc chật chội ấy, Ngọc Giàu canh tác bằng chính tài năng… không giống ai, bằng thực lực đã kinh qua đôi phen sống sót, sinh tồn, bằng chút ngạo nghễ mà vui giữa đời.
Trở lại một chút với vai Bảy cán vá, Ngọc Giàu tinh quái thả vào đấy cái phép đối nghịch: thân ở đợ mà đòi “có cái cương vị của người ở đợ”, đã xấu tướng còn dở hơi mà đòi được yêu chìu nên tiếng cười trào lộng, sâu cay. Để từ đó, cái “dở người” ấy lại là sự phản tỉnh của một ông quan ta kệch cỡm, học đòi lối sống Tây, của một gã thợ bạc lẻo mép - cùng với hội đồng Thăng dựng nên một không khí ngột ngạt, bức bối, hủy hoại những phận người như Lựu, Kim Anh, Võ Minh Thành…
|
Nghệ sĩ Ngọc Giàu hoá thân thành Lục Vân Tiên |
Tôi không rõ vô tình hay hữu ý mà sự sáng tạo này đã nhất quán với tư tưởng của tác giả Trần Hữu Trang, thậm chí làm đậm thêm sức công phá vào xã hội đảo điên, mục ruỗng bấy giờ. Về điều này, văn hào Molière đã viết cho lời tựa của Tactuff, năm 1669: “Những bài học luân lý nghiêm trang chưa hẳn có tác dụng bằng những nét châm biếm của một bài thơ trào phúng”.
Và khi không nhiều chọn lựa, hoặc hiếm hoi có một lần lựa chọn thì người - nghệ sĩ ấy đã làm tốt nhất có thể, với bà và với các bạn diễn. Kiều Nguyệt Nga - Bạch Tuyết đã không ngại ngần xác nhận, trong tất cả các nghệ sĩ diễn vai Lục Vân Tiên, Ngọc Giàu là người đảm nhận tài tình nhất, toàn vẹn nhất.
Ở cảnh cuối, lớp Lục Vân Tiên hội ngộ Kiều Nguyệt Nga, Ngọc Giàu ca Xuân tình - lớp 1: “Như tôi đây là Quốc trạng nguyên nhung Bình Phiên đại… soái”, bà sắp từng chữ cho mỗi động tác chân - tay, nói cách khác là đi trong nhịp, vũ đạo theo điệu thức (Xuân tình thuộc bài Bắc), để đến chữ “soái” - [líu] là nét mặt ngẩng cao, bàn tay nâng ngang cùng chiều cao của kim khôi, tạo thành một phong thái uy dũng, trang nghiêm cho nhân vật.
Chất trữ tình, mộc mạc khi ca vọng cổ chuyển thành sự khỏe khoắn, mạnh mẽ, tạo độ vang lớn trong ca Bắc, đi cùng bộ điệu, đặc biệt là vũ đạo thuần thục, lấy âm - dương, giáng - thăng làm đối trọng, từng đường múa thương cho đến lối vuốt xếp quạt nhịp nhàng, uyển chuyển là sự khắc họa một Lục Vân Tiên tròn vẹn trong tài hoa Ngọc Giàu.
Cũng ở lớp này, từ Xuân tình, bà chuyển hơi qua bài Trường tương tư, thuộc Bát Ngự, không thê thiết như Nam ai nhưng cái chất gốc Nam bình (trong nhạc cung đình Huế) thâm trầm, phô diễn kỹ thuật xử lý bài bản bậc thầy của Ngọc Giàu. Chắc nhịp, vững âm, tinh tế trong từng cách “chơi” dấu: “nhắn gởi đôi… lời [là - hò] - bồi hồi [liu phan - liu], đứng ngồi [liu líu liu - phan]…”, Ngọc Giàu điều tiết các dấu huyền ở tất cả các chữ trên ở các âm vực khác nhau, nâng độ lả lơi, man mác, tình tự cho tâm trạng nhân vật.
Dĩ nhiên, để đạt đến sự chuẩn mực này, riêng với NSND Ngọc Giàu, cần nhắc đến công lao truyền dạy của NSƯT Kim Cúc. Với các nghệ sĩ trong vở Kiều Nguyệt Nga thì bà, NSND Phùng Há, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Công Thành… là những cố vấn nghệ thuật, cùng với đạo diễn tài hoa Lưu Chi Lăng, đã ân cần, tận tụy, nắn nót thành một tổng phổ nghệ thuật tuyệt vời.
Đó là lý do để gần tròn 40 năm sau, mỗi khi nói về thành công của vở Kiều Nguyệt Nga, điều đầu tiên, mỗi nghệ sĩ luôn nhắc là những người thầy của mình. Với họ, trên cả thành công, ngoài những vai diễn, là công ơn truyền nghề, là đạo lý nhớ nguồn, đó mới thật sự là hào quang còn lại với đời ca kỷ.
***
Trong mớ ồn ào của đường phố, một buổi chiều lâm râm, tôi ngồi cạnh bà và đạo diễn Nguyễn Hồng Dung - con gái NSƯT Kim Cúc - NSND Nguyễn Thành Châu. Mười mấy năm rồi. Vỉa hè chật, bà nhích người, ngồi gọn. Có hề gì, mấy mươi năm đã là thế - luôn vừa vặn cho một chỗ ngồi, không rỡ ràng, lộng lẫy, nhưng luôn ngự trị trong lòng công chúng một quái kiệt Ngọc Giàu.
Câu chuyện về sự ra đi của con gái Ngọc Hân ngày ấy và niềm tin về sự tái sinh trong trái tim người mẹ, cứ dai dẳng, lặng trầm. Thảng hoặc, bà mỉm cười, thoắt cái đã bất cần, đùa cợt. Tôi nhìn bà, tự hỏi không biết bà đang vui hay buồn. Nhưng cũng có hề gì với một người như thế, “mua vui cũng được một vài trống canh” cho tha nhân cũng nào khác cho mình, để đi qua cuộc đời nhiều phiền muộn mà lắm ân sủng này.
Lê Huyền Ái Mỹ
Bài 2: Nốt trầm Thoại Miêu