"Bầu Cương" và khát vọng thay đổi sân khấu cải lương Việt Nam
Thời điểm cải lương manh nha phát triển cũng là lúc xã hội còn nhiều quy chuẩn, định kiến xưa cũ. Theo phong trào thuở ấy, con muốn oai phải trở thành bác sĩ, kỹ sư, còn làm nghề hát lại bị xem nhẹ, coi rẻ. Vì thế, dù là con của bà bầu gánh nổi tiếng, Tư Cương (tên thật là Nguyễn Phước Cương) - thân phụ của NSND Kim Cương lại được đưa sang Pháp du học ngành y với mong muốn trở thành ông bác sĩ đầy danh vọng.
|
Ông Nguyễn Ngọc Cương (bên phải) là cha của NSND Kim Cương (bên trái). Trong hình, đây là lúc NSND Kim Cương 14 tuổi, khi cha bà qua đời đã 5 năm. |
Nhưng chỉ được một năm, khi tiếp xúc được với sân khấu Âu châu văn minh, hiện đại cùng tâm hồn hướng về nghệ thuật, ông Tư Cương quyết định bỏ nghề thuốc để theo học sân khấu. “Khi ba tôi chuyển sang học sân khấu thì lẽ dĩ nhiên bà nội tôi cũng ít nhiều phản đối. Cách mạng nào cũng sẽ có sự chống đối giữa cái cũ, cái mới. Tuy nhiên, đến cuối cùng thì ba tôi vẫn thuyết phục được”, nghệ sĩ Kim Cương nói về ngã rẽ của ba bà giữa sự kỳ vọng của gia đình.
Trở về quê hương, với những gì đã tiếp thu được từ văn hoá của Âu châu cùng công thức hoạt động sân khấu chuyên nghiệp, ông Tư Cương đã làm nên những cuộc cách mạng cho sân khấu cải lương Việt Nam. Ông thành lập gánh Phước Cương vào năm 1925, về sau khi trở thành đoàn lớn thì đổi tên là Đại Phước Cương vào năm 1936 - một năm trước khi kỳ nữ Kim Cương ra đời.
Điều đầu tiên mà ông thay đổi là về hình thức theo quy ước: diễn tuồng Tàu phải mặc đồ Tàu, tuồng Âu phải mặc đồ Âu, tuồng Việt mới mặc áo dài. “Ba và má Bảy Nam phải vào năn nỉ mua lại quần áo của những nghệ sĩ rất nổi tiếng như vợ chồng ông Mã Xi Tăng, Xi Long, Hồng Tuyết Nữ, Trần Xí Lùng, Trần Phi Long... để đảm bảo trang phục các vở tuồng đúng với nguyên gốc” - NS Kim Cương nhớ lại một thời ba bà lặn lội vào bên trong những gánh hát Quảng Đông, từ Trung Quốc sang chợ Lớn biểu diễn để tìm hiểu. Ngoài ra, ông bầu Cương còn mời những đào kép Quảng Đông về để giảng dạy lại cho đào kép trong đoàn.
Ông mang một loạt những tác phẩm kinh điển của các đại thi hào thế giới: Victor Hugo, Molière, Shakespeare... về Việt Nam. Ông bắt đầu dịch và gặp được những người cùng chí hướng như ông Năm Châu, ông Năm Nở... Họ là những người có học vị, biết tiếng Tây nên ông Tư Cương hợp tác, trước hết là dịch các tác phẩm, sau đó là cải cách để phù hợp với văn hoá tiếp nhận của người Việt Nam. Khán giả xem phải hiểu là điều then chốt. Ông mong muốn khi lên sân khấu diễn phải có kịch bản rõ ràng, chi tiết. Sau đó, một loạt tuồng hương xa ra đời.
|
Về sau này, NSND Kim Cương nổi danh với kịch nói. Tuy nhiên, thuở ban đầu, bà cũng là một tên tuổi trên sân khấu cải lương với máu nghề đã ăn sâu từ thuở còn trong bụng mẹ. |
Ngoài trang phục, động tác diễn cũng được quy ước sao cho phù hợp với tính cách, hình tượng nhân vậy, lời ca, điệu bộ chú trọng tả thực. Sau này, trong quyền hồi ký Sống cho người sống cho mình, NSND Kim Cương nhắc lại khá rõ: “Cách diễn cũng không còn đóng khung trong mấy loại hình tính cách kiểu trung - nịnh - gian - hiểm mà lối hát ra bộ quy định. Mỗi nhân vật được tự do diễn đúng tính cách của vai tuồng. Từng câu ca cũng tùy theo tính cách, tâm trạng, tình huống nhân vật mà biến tấu Người diễn truyền cảm qua giọng hát. Tính ước lệ trong biểu diễn cũng giảm xuống. Vai diễn trở nên gần với công chúng”. Sự quyết liệt trong cách làm của ông Tư Cương đã mang đến một diện mạo mới cho sân khấu thời bấy giờ.
“Ba tôi mang nghệ thuật Tây phương về là được đón nhận ngay. Khán giả thích cái mới nên luôn đòi hỏi nhiều nhiều hơn”, NS Kim Cương kể, đầy sự hân hoan.
Bầu Cương còn chú trọng đến việc đào tạo nghệ sĩ. NSND Kim Cương vẫn còn nhớ như in: “Ba tôi cho làm một loạt các vở diễn mới, kết hợp với đó là sự lăng xê những cô đào trẻ. Có thể nói, công lao lớn của ba tôi nằm ở việc đào tạo, lăng xê những cô đào danh giá của thời đó như: Thanh Tùng, Ái Liên, Sáu Ngọc Sương, Năm Phỉ, Bảy Nam... Ba tôi là một người có tầm nhìn bao quát, nhìn ra khả năng của từng người để đặt vào những vị trí thích hợp”.
Cũng trong thời gian đào tạo, ông bầu Cương nảy sinh không ít tình cảm với các cô đào. Nhưng rồi, quy luật lợi danh của nghiệp cầm ca đã khiến những vòng tay không thể giữ chặt nhau mãi. “Ba tạo ra rồi bị mất đi, rồi lại tạo ra. Mỗi người ba đào tạo thành danh đều lần lượt rời bỏ ba để đi theo danh vọng cao sang hơn”, Kim Cương viết về ba của bà trong quyển hồi ký xuất bản vào năm 2016.
Giấc mơ về việc đào tạo ra những thế hệ nghệ sĩ thôi thúc thân phụ của NSND Kim Cương mong muốn thành lập nên Trường Kịch nghệ Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Tuy nhiên, giấc mộng này lại dở dang.
|
NSND Bảy Nam, mẹ của NSND Kim Cương là một đào hát vang danh của đoàn Đại Phước Cương do ông Tư Cương làm bầu gánh. Trong ảnh là lúc NSND Bảy Nam vừa sinh NSND Kim Cương không lâu. |
Thị trường của gánh Phước Cương kéo dài từ miền Nam ra miền Trung, đến tận miền Bắc. Khi đoàn đi diễn miền Tây, thuở đầu là những ghe nhỏ, sau là đi 2, 3 ghe. Trong đó, một ghe để tài tử, anh em gạo cội ở, một ghe để chở đạo cụ, cảnh trí và các anh em công nhân. Các nghệ sĩ thường ăn diện rất lộng lẫy, bắt mắt, thu hút sự chú ý của người dân, trẻ nhỏ. Về sau này, khi có xe cam nhông, xe hơi, xe đò để đưa đón cả đoàn. Nếu diễn Biên Hoà, Thủ Đức, anh em nghệ sĩ, công nhân có thể ở với gia đình, vợ con, đến chiều tối lại lên đường.
Những năm 20 trở đi là thời kỳ phát triển cực thịnh của cải lương. Thời cuộc đã đào tạo ra những người nghệ sĩ biết ca, biết diễn mà đến tận bây giờ khi đã 100 năm thì không thể tìm được một người như vậy. Họ là những tài năng thiên phú thực sự, không học hành qua bất kỳ trường lớp nào. Nhưng trong thời kỳ cực thịnh này, đoàn hát cũng gặp những khó khăn nhất định. Có những nơi không có rạp, khi đến nơi phải điều đình với chủ chợ. Cả đoàn hát cùng nhau chung tay lại khiêng những chiếc sạp kê lại rồi làm sân khấu. Ban ngày tiểu thương bán chợ, ban đêm cả gánh sẽ hát. Đó là chưa kể đến những bóc lột, đàn áp của chủ rạp và những thế lực khác. Câu chuyện về thuở vàng son ban đầu của cải lương lắm lúc cũng có những mảng màu tối đầy nhọc nhằn và nước mắt.
Người lãnh đạo văn minh
Trong hồi ức còn lại của Kim Cương, ba bà luôn xuất hiện trong bộ âu phục lịch sự khi ra ngoài, đặc biệt thường khoác áo tussor trắng. Ông là người rất nề nếp, quy củ và chuyên nghiệp trong công việc. Trước khi các vở diễn bắt đầu, ông Tư Cương đi một vòng quan sát các hàng ghế xem có sạch sẽ không. Về sau này, Kim Cương áp dụng tinh thần mà thân phụ của bà đã làm được trong đoàn hát, còn cách làm ra sao phải linh hoạt và ứng biến cho hợp với thời cuộc.
Kim Cương học được ở ba bà tư tưởng của người lãnh đạo: “Đó không phải là vị ví xuất phát từ quyền lực mà đầu tiên phải là tình thương với từng thành viên trong đoàn hát. Hơn hết, người đứng đầu phải có trách nhiệm với từng cá nhân, từng gia đình trong đoàn. Mình la phải la đúng, la vì cái chung, không vì cái riêng”. Sự quyết liệt, trách nhiệm trong công việc cũng là điều mà Kim Cương thừa hưởng được từ thân phụ của bà.
|
Kim Cương thừa hưởng ở ba bà nhiều bài học, kinh nghiệm trong việc tồn tại trên sân khấu và lãnh đạo một đoàn hát |
Bầu Cương không chỉ xem trọng về việc biểu diễn mà còn đề cao cách sống, cư xử với nhau giữa anh em nghệ sĩ trong một đoàn. “Trong đoàn hát ba tôi khuyên không đánh bài, không cờ bạc nhưng các ông nghệ sĩ vẫn lén chơi, khi bị phát hiện lại bị la. Đôi khi lễ lộc thì ba tôi lại làm ngơ để các ông ấy vui chơi vài ngày. Có những người đã có gia đình nhưng vẫn trăng hoa, ba tôi gọi lên thẳng và la. Cha tôi như ông cha già của một gia đình. Có chuyện gì mọi người cũng méc cậu Tư để cậu xử”, Kim Cương vừa cười vừa nhớ lại.
Đoàn hát của ông bầu Cương còn tạo ra được một điều tiến bộ là trả lương hằng tháng, để cuộc sống của mọi người ổn định hơn.
Dù học chuyên sâu về sân khấu nhưng ông bầu Cương không phải là nghệ sĩ trình diễn, mà chỉ đứng ở vai trò lãnh đạo, bầu gánh. Nắm vận mạng của 60, 70 gia đình trong tay, ngoài việc làm sao cho những vở diễn thật tốt, ông còn phải tính đến chuyện vận hành đoàn hát sao cho hiệu quả. Ở ông, tồn tại 2 mảng màu đối lập, một nét tài hoa của nghệ sĩ nhưng vẫn là một cái đầu rất tinh khôn của người làm kinh doanh. Đây cũng chính là tố chất mà NSND Kim Cương được thừa hưởng một cách trọn vẹn từ thân phụ của bà.
Một trong những hình thức kinh doanh là sự di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh kia, từ Nam chí Bắc. Năm 1931, khi thành công từ cuộc đấu xảo ở Paris trở về, đoàn Phước Cương đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. 15 đêm liền diễn ở phòng hoà nhạc Bờ Hồ tại Hà Nội, không một đêm nào có trống chỗ ngồi. Khán giả chen chúc để được xem nghệ sĩ, được nghe điệu xàng xê (một điệu của cải lương được ưa chuộng bậc nhất bất giờ).
Vào năm 1932, đoàn Phước Cương lại Bắc tiến. Trong khoảng thời gian này, gánh Trần Đắt cũng có mặt tại thủ đô Hà Nội. Nếu như gánh Trần Đắt mang vở Tội của ai làm ngựa chiến thì gánh của ông bầu Cương lại diễn vở cũ Tơ vương đến thác. Để kéo khán giả đến rạp, thân phụ của NSND Kim Cương đã dùng một chiếc xe tang do cặp ngựa Bắc thảo kéo để quảng bá cho vở diễn. Hình thức quảng cáo độc đáo này được xem là một tư duy mới, tiến bộ của ông bầu Cương. Ông còn mạnh dạn tuyên bố nếu vở diễn mà khách không đầy rạp thì mang gánh về Sài Gòn cho rã luôn.
Phóng sự về NSND Bảy Nam, một trong những nghệ sĩ kỳ cựu của cải lương Việt Nam. Người phụ nữ gắn liền với ông bầu Cương và cuộc đời, sự nghiệp của NSND Kim Cương:
Chỉ đến 5h chiều, khách chen đến đông đúc lớp trong lớp ngoài. Hơn 1 tiếng, không còn một vé. Ngoài chiêu thức quảng bá độc đáo, bầu Cương còn đưa ra phương pháp đánh vào túi tiền của người xem. Ông đưa ra loại ghế thượng hạng trong rạp với giá 1 đồng tiền giấy (tiền giấy Đông Dương) và 20 cắc, hơn hạng ghế hạng nhất hai cắc bạc, gồm ba hàng ghế gần sân khấu nhất.
Chung số phận như những gánh hát khác và như những ông, bà bầu khác thời ấy, ông Tư Cương cùng hành khát vọng về cải lương Việt Nam đã dừng lại trong cái khắc nghiệt và thiếu thốn của thời cuộc, nhưng tên ông cùng sự đóng góp cho việc chuyên nghiệp hoá cải lương vẫn được nhắc đến cho tới ngày nay.
Thuỵ Khuê