PNO - Đúng 1 tháng trước, tối 3/12/2023, Sở Du lịch TPHCM đã công bố 100 điều thú vị của TPHCM như một cẩm nang dành cho du khách đến TPHCM. Nhưng, một số ý kiến phàn nàn rằng, nhiều điều trong 100 điều trên chưa thực sự thú vị.
Ông Trần Quang Duy - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt (Chim Cánh Cụt Travel) - cho hay, công ty của ông có chọn một số điều trong 100 điều thú vị để đưa vào các tour du lịch, như chương trình Biệt động Sài Gòn, Sài Gòn - Về chốn an nhiên, đài quan sát Landmark 81 Skyview ở quận Bình Thạnh, khu du lịch cộng đồng Thiềng Liềng ở huyện Cần Giờ), làng xe nhang Lê Minh Xuân ở huyện Bình Chánh…
Làng xe nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) là 1 trong 100 điểm thú vị của TPHCM - Ảnh: Hữu Hướng
Nhưng theo ông, các chương trình, điểm đến trên còn một số yếu tố khiến các doanh nghiệp lữ hành và du khách chưa hài lòng. Chẳng hạn, chi phí tham quan đài quan sát Landmark 81 Skyview khá cao (hơn 800.000 đồng/khách) đã đẩy giá tour trọn gói lên cao, khiến khách e ngại; điểm tham quan làng nghề xe nhang Lê Minh Xuân lại không có không gian để thợ làm nhang thủ công tại chỗ mà chỉ có không gian phục dựng theo hướng công nghiệp để khách chụp ảnh đánh dấu địa điểm (check in), cũng không có thuyết minh viên chuyên nghiệp; các địa điểm trong chương trình Biệt động Sài Gòn có không gian chỉ chứa được 20-30 người/lần, bất tiện khi tiếp các đoàn khách từ 100 người trở lên.
Cũng theo ông Trần Quang Duy, phương tiện để đến khu du lịch Thiềng Liềng khan hiếm đã đẩy giá tour lên cao nên khó thu hút khách. Hiện giá tour du lịch Thiềng Liềng 2 ngày 1 đêm khoảng 5 triệu đồng/khách, giá tour 1 ngày khoảng 2,6 triệu đồng/khách nhưng khách phải đặt chỗ trước thông qua các đơn vị lữ hành, còn nếu tự đi tàu cao tốc hay ca nô thì tốn khoảng 600.000-800.000 đồng/khách nhưng rất ít chuyến. “Thiềng Liềng thu hút khách nhờ gắn với nghề làm muối, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của cư dân bản địa. Nhưng các nghề này có tính mùa vụ nên không phải đoàn khách nào cũng được trải nghiệm chúng. Điều này cũng khiến du khách chưa hài lòng” - ông Trần Quang Duy nói.
Du khách trải nghiệm đua bạch tuộc ở đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ - Ảnh: H.T.
Theo ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Công ty TNHH Du Ngoạn Việt - khi Sở Du lịch TPHCM công bố danh sách 100 điều thú vị, du khách sẽ có địa chỉ để tìm đến tham quan thay vì đi lan man như trước. Đây là điều rất đáng ghi nhận. Nhưng trong danh mục 100 điều, cần thông tin thêm những lưu ý, chẳng hạn không thể ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn nếu triều cường dâng cao khiến tàu không qua lọt gầm cầu, muốn tham gia cuộc đua marathon hay ngày hội kinh khí cầu, lễ hội áo dài… thì phải chờ có thông báo của ban tổ chức. Việc một số bảo tàng nghỉ trưa và nghỉ ngày thứ Hai hằng tuần, ban quản lý dinh Thống Nhất đột ngột thông báo ngưng nhận khách tham quan trong một số ngày cũng gây phiền hà cho du khách.
100 điều thú vị mà Sở Du lịch TPHCM công bố là dựa trên hơn 104.000 lượt bình chọn đối với 10 hạng mục, gồm chương trình tham quan thú vị, điểm tham quan thú vị, điểm giải trí và chương trình giải trí thú vị, điểm mua sắm thú vị, cơ sở lưu trú du lịch thú vị, nhà hàng và quán ăn thú vị, quán cà phê thú vị, điểm check in thú vị, sự kiện du lịch - văn hóa - thể thao thú vị, món ngon thú vị.
Gắn với văn hóa địa phương để tăng sức hút
Theo ông Phan Xuân Anh, một số công ty lữ hành bán được tour cho nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam là nhờ chương trình tour mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương. Ngành du lịch TPHCM nên khai thác điểm đến, chương trình, sự kiện dựa vào văn hóa từng địa phương.
Du khách xem đờn ca tài tử ở ấp đảo Thiềng Liềng - Ảnh: Quốc Thái
Ông dẫn chứng, điểm tham quan địa đạo Củ Chi rất được du khách quan tâm nhờ gắn với lịch sử kháng chiến của quân dân địa phương và gắn với văn hóa địa phương như nhân viên mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, bán củ mì chấm muối ớt; nơi đây cũng được cải tạo để đủ sức chứa nhiều đoàn du khách lớn. Mới đây, khi Du Ngoạn Việt đưa du khách đến phố sủi cảo Hà Tôn Quyền ở quận 11 (không có trong danh sách 100 điều thú vị) để du khách xem cách làm sủi cảo rồi thưởng thức tại chỗ, khách rất thích vì các tỉnh, thành khác của Việt Nam không có phố này.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho hay, sau 1 năm, khu du lịch Thiềng Liềng đón hơn 3.000 lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu khoảng 600 triệu đồng. Điểm khó khăn là Thiềng Liềng nằm ở xã đảo, cách biệt với đất liền và du khách chỉ đến được bằng đường thủy, lại chưa có tuyến đò cố định hằng ngày. “UBND huyện đang lên kế hoạch kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng tuyến đò cố định hằng ngày để đưa đón người qua lại, đồng thời đầu tư làm đường sá, trồng cây xanh và hoa để đón du khách” - ông nói.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch TPHCM - giao thông trắc trở lại là nét đặc trưng, điểm hay để thu hút khách đến ấp đảo Thiềng Liềng. Năng lực đón khách của Thiềng Liềng khoảng 40-50 khách/lần, nếu đông khách hơn thì sẽ quá tải. Hơn nữa, việc xây dựng ồ ạt làm mất đi nét mộc mạc của ấp đảo này. Theo ông, mô hình du lịch cộng đồng bền vững cần giữ lại những nét mộc mạc, truyền thống vốn có và tập trung vào chất lượng khách hơn là số lượng.
Quán cà phê Đỗ Phủ trong tour tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Ảnh: Quốc Thái
Còn theo ông Trần Quang Duy, để 100 điều thú vị thực sự thú vị, cần tăng cường hoạt động đón khách ở các điểm đến (hiện nay, các công ty lữ hành phải tự tìm kiếm thông tin về điểm đến để xây dựng tour và cung cấp cho du khách); cần nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng đón khách đồng bộ, gồm khu vực để xe, khu vực đón trả khách.
Ông Võ Thành Đăng (Dany Võ) - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - đề xuất, nên gắn các điều thú vị với thông điệp “TPHCM là mảnh đất của sự phóng khoáng, hào sảng, nghĩa tình” như định hướng của đảng bộ, chính quyền thành phố; cần giải quyết triệt để nạn xả rác bừa bãi, chèo kéo, chặt chém, móc túi du khách, đồng thời có địa chỉ để du khách phản ánh và tiếp nhận sự hỗ trợ. Không ít du khách khi đến TPHCM bị móc ví, trộm điện thoại nhưng không biết liên hệ với ai và khi đến trụ sở công an phường thì thủ tục rất rườm rà. Ông cũng góp ý, nên để du khách - gồm cả trong nước và quốc tế - đánh giá, bình chọn danh sách các nhà hàng, khách sạn, món ăn, chương trình thú vị thay vì chỉ lấy ý kiến của người dân TPHCM.
Quảng bá sâu rộng cho 100 điều thú vị
Hiện nay, 100 điều thú vị của TPHCM chưa lan tỏa đủ mạnh, chỉ mới thu hút được sự quan tâm của một bộ phận nhỏ doanh nghiệp, người làm du lịch. Do đó, cần tăng cường hơn công tác truyền thông, quảng bá, đặc biệt là phải làm rõ các tiêu chí để được gọi là “thú vị”. Trong truyền thông, cần có các chuỗi hoạt động để tạo hiệu ứng, độ quan tâm nhất định cho người dân, du khách trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch TPHCM
Xây dựng cẩm nang điện tử về 100 điều thú vị
Ở Singapore, khi vừa xuống sân bay, khách sẽ thấy tấm bảng điện tử hướng dẫn các điểm nên tham quan. Các khách sạn ở Singapore cũng có thiết bị điện tử nào đó (như điện thoại, ti vi) lưu sẵn bản đồ, các điểm đến yêu thích để du khách có thể dùng tới trong thời gian lưu trú.
Du khách sẽ không có thời gian, sự kiên nhẫn để đọc hết 100 điều thú vị của TPHCM gồm những gì. Do đó, nên thiết kế một cẩm nang du lịch điện tử, phân chia 100 điều thú vị này theo từng quận, huyện, có đánh giá chất lượng, giá cả bằng số sao. Thay vì để khách tự mò mẫm, nên thiết kế các điều thú vị này thành chương trình ngắn trong vài giờ, nửa ngày, 1 ngày với các điểm đến liền kề nhau, xuyên suốt, thuận tiện, phù hợp với sở thích của du khách theo từng khu vực, châu lục (chẳng hạn, khách châu Âu thích khám phá lịch sử, đến bảo tàng, địa đạo Củ Chi nhưng nhóm khách châu Á lại thích ngắm cảnh và ăn uống). Điều này giúp du khách hình dung được lộ trình, thời gian di chuyển để tự lên kế hoạch tham quan.
Ông Võ Thành Đăng (Dany Võ) - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài
Chia nhỏ từng chủ đề để truyền thông
Danh sách 100 điều thú vị này nhằm hệ thống hóa các điểm đến đã được công nhận trong chương trình “City tour Sài Gòn”, như chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, còn những điểm đến khác tự nó chưa đủ sức hút để du khách lựa chọn.
Du khách đến TPHCM gồm nội địa và quốc tế, có sở thích và nhu cầu khác nhau. Nên kết nối những điều thú vị này thành những tuyến theo từng chủ đề để khách tự lựa chọn. Không nên truyền thông về 100 điều thú vị theo diện rộng bởi khách dễ bội thực mà nên chia nhỏ chủ đề. Như cuối năm, bên cạnh 100 điều thú vị, nên gắn với các chương trình chợ hoa xuân ở công viên Tao Đàn, đường hoa Nguyễn Huệ, cảnh trên bến dưới thuyền ở đường Bến Bình Đông, hoạt động đếm ngược thời gian (countdown) chào đón năm mới để người dân thấy nó thật sự thú vị.
Nên khuyến khích các đơn vị lữ hành cùng truyền thông trực quan bằng các tour, tuyến liên quan 100 điều thú vị này. Ngược lại, các điểm đến phải có sự hỗ trợ cho đơn vị lữ hành, như giảm giá dịch vụ, sản phẩm.
Ông Trần Lê Bảo Châu - Chủ tịch Diễn đàn Du lịch Việt Nam (VTF)