100 chữ ký cho 1 đề tài nghiên cứu khoa học

12/12/2013 - 08:14

PNO - PNO – “Cách đây 3 năm, tôi nghe chuyện mỗi đề tài triển khai, giám đốc sở phải ký 100 chữ ký, tôi cứ tưởng chuyện đùa. Hôm nay đích thân đồng chí thừa nhận chuyện này thì tôi thấy rất băn khoăn” – đại biểu Tô Thị Bích...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Chiều 11/12, tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM, đại biểu (ĐB) đã đặt ra nhiều câu hỏi cho Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM Phan Minh Tân về tình hình ứng dụng các nghiên cứu khoa học trên địa bàn TPHCM.

100 chu ky cho 1 de tai nghien cuu khoa hoc

Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM Phan Minh Tân trả lời chất vấn.

ĐB Huỳnh Công Hùng nêu vấn đề: Trong giai đoạn 2011 - 2013, Sở đã triển khai nghiên cứu nhiều đề tài, vậy Sở có thể đánh giá hiệu quả của các đề tài này đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội TP như thế nào, đặc biệt đối với nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP, các nghiên cứu này phát huy tác dụng ra sao?

ĐB Lê Thị Ngọc Thanh hỏi: “Sở có giải pháp nào, đặc biệt là giải pháp thu hút trí thức trẻ tham gia nghiên cứu khoa học”? ĐB Trần Ngọc Hưng đề nghị: “Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ dẫn chứng 2 đề tài cụ thể có hiệu quả nhất trong năm 2013, nếu được xin lượng hóa cho ĐB và cử tri biết”.

ĐB Vương Đức Hoàng Quân băn khoăn: “Tương tự như đối với ngành thể dục thể thao, chúng ta xác định rõ đâu là môn trọng điểm cấp TP, cấp nhà nước và cấp khu vực. Trong nghiên cứu khoa học cũng vậy, Sở đã xác định đâu là đề tài có tính áp dụng cấp TP, nhà nước, khu vực, châu lục hay chưa”?

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM Phan Minh Tân cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2013, tổng số đề tài nghiên cứu khoa học được Sở triển khai thực hiện là 270 đề tài và 3 dự án. Trong đó, 110 đề tài và 2 dự án đã được nghiệm thu, số còn lại đang trong thời gian nghiên cứu, chưa đến hạn nghiệm thu. Sở đã thu hút được vốn đầu tư cho nghiên cứu từ các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp thông qua cơ chế cùng đầu tư khoảng 30 tỉ đồng, chiếm 11% tổng kinh phí nghiên cứu khoa học.

Số lượng đề tài có kết quả nghiên cứu được ứng dụng trực tiếp phục vụ công tác quản lý, sản xuất kinh doanh tạo giá trị gia tăng chiếm trung bình 30% tổng số đề tài triển khai. Số lượng đề tài nghiên cứu được ứng dụng gián tiếp trong việc tăng cường tri thức, hiểu biết mới trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, cung cấp cơ sở khoa học phục vụ xây dựng chính sách; hỗ trợ ươm tạo đội ngũ cán bộ trẻ chiếm trung bình 32% tổng số đề tài. Còn lại 38% là những đề tài có kết quả nghiên cứu còn ở quy mô phòng thí nghiệm, giai đoạn trung gian, chưa được ứng dụng ngay mà cần phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu; hoặc những đề tài có kết quả nghiên cứu không thể ứng dụng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ông Phan Minh Tân cũng thừa nhận hiệu quả đầu tư còn một số khó khăn, yếu kém; khoa học - công nghệ chưa là động lực trực tiếp cho phát triển xã hội.

100 chu ky cho 1 de tai nghien cuu khoa hoc

ĐB HĐND TP chất vấn về tình hình ứng dụng các nghiên cứu khoa học trên địa bàn TP.HCM.

Với phần trả lời của ông Phan Minh Tân, ĐB Huỳnh Quốc Cường nhận xét: “Trả lời rất thật tình nhưng nghe rất buồn”. ĐB Tô Thị Bích Châu thẳng thắn: “Qua trình bày của đồng chí, tôi cảm thấy bức tranh về khoa học - công nghệ chưa theo kịp thực tế. Cách đây 3 năm, tôi nghe chuyện mỗi đề tài triển khai, giám đốc sở phải ký 100 chữ ký, tôi cứ tưởng chuyện đùa. Hôm nay đích thân đồng chí thừa nhận chuyện này thì tôi thấy rất băn khoăn. Làm sao kích thích trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ đăng ký đề tài nếu không có cơ chế thoáng trong nghiên cứu?”.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét: Đầu tư trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học - công nghệ tại TP.HCM đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nên chúng ta đã tạo dựng được những cơ sở nghiên cứu khoa học như Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TP, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm. Tất cả những điều này đều liên quan đến hiệu quả của đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng thực sự băn khoăn về cơ chế “đặt hàng” đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay chưa phù hợp thực tế. “Tôi thật sự chưa yên tâm với cơ chế mua hàng như thế này, mua mà không biết để làm gì thì cần phải xem lại” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cho biết, UBND chỉ đạo các sở hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là cố gắng đưa khoa học - công nghệ nhanh nhất vào cuộc sống, vì doanh nghiệp mới biết đề tài nào cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian qua, TP dành nhiều kinh phí cho khoa học - công nghệ, việc giải ngân còn thấp là do hạn chế những đề tài không cần thiết.

“Tuy nhiên, UBND TP cũng có trách nhiệm trong việc giao kế hoạch chậm, nhưng là do muốn xem xét kỹ để đề tài không lãng phí” - ông Lê Mạnh Hà nói.

Kết luận phiên chất vấn này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cần phải có giải pháp tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu, đồng thời phát huy cơ chế đặt hàng đảm bảo nhu cầu phát triển của TP trong từng giai đoạn. Sở Khoa học - Công nghệ cần làm tốt vai trò kết nối giữa các nhà khoa học với các nhà lãnh đạo, quản lý TP, với các doanh nghiệp để có những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu phát triển của TP.HCM. Cần quan tâm yếu tố tiết kiệm trong đầu tư khoa học công nghệ, đi đôi với đó là phát huy cho được tiềm năng, lợi thế và hiệu quả trong nghiên cứu khoa học, phục vụ yêu cầu tăng trưởng của TP từ chiều rộng sang chiều sâu.

Theo chương trình làm việc, sáng nay 12/12, kỳ họp tiến hành phiên bế mạc.

Trần Ái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI